Chương Trình, Đề Tài Khoa Học – Khảo cứu các lễ hội truyền thống ở Tây Ninh…

 

 

MỤC TIÊU

–     Nghiên cứu các lễ hội ở Tây Ninh để tìm ra được các giá trị văn hóa, trên cơ sở đó có kế hoạch bảo tồn, phát triển phù hợp văn hóa dân tộc và tập tục địa phương; góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

–     Đề xuất các giải pháp quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

–     Cơ sở lý luận về lễ hội (khái niệm, phân loại, giá trị….)

–     Lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Tây Ninh

–     Các lễ hội truyền thống ở Tây Ninh

–     Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (giá trị tâm linh, giá trị nghệ thuật, trò chơi dân gian, giá trị thẩm mỹ ứng xử – nối kết cộng đồng, giá trị giáo dục truyền thống; các mặt còn hạn chế của lễ hội Tây Ninh).

–     Các định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy và quản lý.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

–     Hệ thống lễ hội Tây Ninh có thể chia thành 3 dạng: lễ hội dân gian (lễ hội dân gian Việt, lễ hội dân tộc ít người), lễ hội tôn giáo (lễ hội đạo Cao Đài, Phật giáo, Thiên chúa giáo), và lễ hội lịch sử cách mạng.

+ Lễ hội dân gian Việt: Tây Ninh có 78 đình, dinh, đèn, miếu và điện đang hoạt động với chu kỳ hàng năm tập trung vào lễ hội chính là Kỳ Yên (thường vào tháng Giêng, 2, 3, 4, 6, 8, 11 và tháng Chạp âm lịch); ngoài lễ chính, còn tổ chức các lễ phụ (Cầu bông, Khai hạ, Tống ôn, Niêm ấn);

+ Lễ hội dân tộc ít người: dân tộc Khmer có 3 lễ hội (Chol Thmây, Đôn ta, Ok-Oom-Bok); dân tộc Chăm (Ramadan, Haji, Maulua); dân tộc Tà Mun (Samco, Donta); người Hoa (lễ vía Quan Thánh Đế Quân, Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu);

+ Lễ hội đạo Cao Đài: lễ Vía Đức Chí Tôn, lễ Thượng ngươn, Hội Yến Diêu Trì; Phật giáo (lễ hội Phật Đản và Vu Lan); Thiên chúa giáo (lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh);

+ Lễ hội lịch sử cách mạng: với trên 300 di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, trong đó có những di tích mang tầm quốc gia (Trung ương Cục, Ban An ninh Miền, Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, Căn cứ mặt trận giải phóng Miền Nam, Căn cứ Tua Hai Đồng Khởi); lễ hội xuân Núi Bà Đen được tổ chức vào dịp lễ tết cổ truyền dân tộc hàng năm.

–     Đề tài đã khảo cứu khoảng 18 lễ hội ở Tây Ninh, những giá trị cơ bản của lễ hội cổ truyền và hiện đại trong xã hội hiện nay.

+ Ở Tây Ninh có khoảng 18 lễ hội: lễ hội Đình (lễ Kỳ Yên), hội Quan lớn Trà Vong, Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, tôn giáo Cao Đài, Phật giáo, Thiên chúa giáo, dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, dân tộc Tà Mun, dân tộc Hoa, làng nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian (lễ Miếu Bà), hội xuân Núi Bà, giao thừa, truyền thống cách mạng Động Kim Quang, chiến thắng Tua Hai, mừng 30/4 đại thắng, Rừng Rong.

+ Những giá trị cơ bản của lễ hội cổ truyền và hiện đại trong xã hội hiện nay: giá trị cố kết cộng đồng; giá trị hướng về nguồn (nguồn cội tự nhiên và xã hội); giá trị cân bằng đời sống tâm linh; giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; giá trị bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

–     Thực trạng quản lý lễ hội Tây Ninh trong những năm qua: một số đình, đền, dinh… hiện nay ở Tây Ninh, khi tế lễ lại tạm mượn nhạc lễ của tôn giáo Cao Đài, một số nơi chuyển hẳn từ vật tế lễ mặn thành vật tế lễ chay, thập bát ban võ nghệ để thờ tự thành câu đối của Cao Đài (màu sắc của lễ hội truyền thống dân gian đã nhuốm màu sắc tôn giáo).

–     Đã là lễ hội bao giờ cũng có hai phần “lễ và hội” cộng hưởng với nhau tạo thành diện mạo trang nghiêm và hấp dẫn của một lễ hội. Qua khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, ở nhiều nơi phần lễ còn quá đơn giản, chưa tạo được ấn tượng tôn vinh các vị tiền bối có công với nước.

–     Đề xuất giải pháp quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

+ Cần sưu tầm lại để phục hồi đúng bài bản gốc phần “lễ và hội”, có sự định hướng tăng cường phần thu hút quần chúng; lễ hội đáp ứng được mục đích giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội dân gian gắn với du lịch văn hóa – du lịch lễ hội;

+ Tổ chức đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội trên cả 3 mặt: hành chánh pháp chế (quản lý về luật pháp, tổ chức quy hoạch, chế độ chính sách liên quan đến lễ hội); nghiệp vụ chuyên môn (các hoạt động tác nghiệp giữ gìn và phát huy các lễ hội); kinh tế (quản lý chặt chẽ và có kế hoạch chủ động điều tiết các nguồn thu chi);

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống hóa và phổ biến những thông tin về di sản văn hóa phi vật thể – lễ hội; rà soát và hệ thống các văn bản pháp luật về lễ hội đang hiện hành để phổ biến cho cơ sở; tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa các cấp; in sách giới thiệu các lễ hội ở Tây Ninh, những quy định về quản lý lễ hội… phổ biến cho người dân, cho khách du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 15/02/2012. Kết quả đề tài được chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh để triển khai ứng dụng trong công tác quản lý của ngành.