Chung tay vì một xã hội không bạo lực gia đình

Bạo lực vẫn đang diễn ra tại nhiều gia đình và chưa có chiều hướng suy giảm gây ra những hậu quả hết sức nặng nề: xâm phạm thân thể, danh dự, nhân quyền của con người trong đó nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em phải chịu nhiều tổn thương nhất.

Bạo lực gia đình từ một số kết quả nghiên cứu

Bạo lực gia đình làm mai một truyền thống văn hóa của dân tộc, gây xói mòn về đạo đức và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thường xuyên phải chứng kiến những cuộc cãi vã “cơm không lành, canh không ngọt” của cha mẹ hoặc chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh chửi mẹ thì khi lớn lên, tính cách của chúng cũng lầm lì, cục cằn, có xu hướng thích bạo hành người khác.

Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam khảo sát trên 9300 hộ gia đình năm 2006 cho thấy, có tới 37% số cặp vợ chồng từ 18-60 tuổi có mâu thuẫn và bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức: 71,5% im lặng, giận dỗi, không nói chuyện trong đó chủ yếu là vợ gây ra cho chồng và tỷ lệ này cao hơn ở nhóm gia đình giầu; 22,68% vợ mắng chồng và 40,93% chồng chửi mắng vợ; 19,6% ép buộc quan hệ tình dục khi không có nhu cầu trong đó chủ yếu là chồng ép vợ; cũng theo kết quả điều tra này cho thấy, cứ 10 cặp mâu thuẫn thì có 1 cặp xảy ra đánh nhau, tỷ lệ này cao hơn ở nhóm gia đình nghèo.

Tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ở mọi vùng miền từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi; ở tất cả các giai tầng trong xã hội, từ gia đình giầu đến gia đình nghèo, từ người có học vấn cao đến người có học vấn thấp, người có địa vị và không có địa vị…đặc biệt ở các tầng lớp cao hơn, bạo lực gia đình thường được che giấu, rất khó nhận biết.

Nguyên nhân của bạo lực gia đình

Trong bối cảnh hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn được coi là nguyên nhân chính của bạo lực gia đình. Từ tư tưởng gia trưởng, nhiều ông chồng vẫn coi việc bạo hành vợ là thể hiện “nam tính”, khẳng định vai trò “trụ cột” trong gia đình của mình. Thực tế cho thấy, ngay cả những người phụ nữ thành đạt, có khả năng tự chủ tốt về kinh tế vẫn có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, họ trở thành cái “bia đỡ đạn” cho ông chồng thỏa mãn tính “sĩ diện”: dù tôi không kiếm ra một xu, tôi vẫn là chồng cô, có quyền hành hạ cô… Ngoài ra, các tệ nạn xã hội khác như rượu bia, cờ bạc, ghen tuông, thất nghiệp cũng là những nguyên nhân trực tiếp gây nên bạo lực gia đình.

Cùng đó, thái độ nín nhịn, cam chịu, phục tùng cũng ăn sâu vào tiềm thức của các bà vợ. Khi trở thành nạn nhân bị bạo hành, người vợ thường cố gắng che giấu, hoàn toàn không muốn lên tiếng, không muốn bị người ngoài “xen vào” cuộc sống của gia đình mình. Tư tưởng “Xấu chàng hổ ai” khiến họ không muốn hợp tác với các cơ quan chính quyền để giải quyết vấn đề, thậm chí họ bao che, bênh vực cho hành vi bạo hành của chồng. Ngay cả khi bị bạo hành ở mức độ nghiêm trọng, bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần, người vợ cũng rất ít nghĩ đến các biện pháp giải thoát cho mình. Họ bị ràng buộc bởi con cái, trách nhiệm gia đình, sợ mang tiếng với họ hàng nội- ngoại. Thậm chí, khi đưa ra chính quyền, người gây bạo hành bị xử phạt hành chính (phạt tiền) thì các bà vợ còn xót xa hơn vì tiền phạt cũng chính là tiền của gia đình họ, như thế, chẳng hóa ra “lợi bất cập hại”… Nắm được các tâm lý trên, các ông chồng càng tự cho mình quyền được “làm mưa, làm gió”, “bẻ hành, bẻ tỏi” vợ. Đây chính là những căn nguyên gốc rễ, sâu xa làm cho bạo lực gia đình trở thành một tệ nạn nhức nhối, dai dẳng, khó giải quyết triệt để.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, một nguyên nhân nữa cũng cần được đề cập, đó chính là thái độ thờ ơ, thiếu hiểu biết, ngại can thiệp của chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương. Họ cho rằng, chuyện vợ chồng cãi vã nhau, giận dỗi, im lặng hay những chuyện tế nhị hơn như chăn gối vợ chồng là hoàn toàn riêng tư của mỗi gia đình, chính quyền – đoàn thể khó có thể “vào cuộc” can thiệp. Hơn nữa, khi vợ chồng đánh nhau, nếu không xảy ra những hậu quả nghiêm trọng thì vẫn ưu tiên để gia đình đó “tự dàn xêp” vì đó cũng là những “chuyện thường ngày”, không có gì to tát đến độ phải tiến hành các biện pháp can thiệp của chính quyền. Mặt khác, các địa phương hiện nay cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: thiếu cán bộ chuyên trách, cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới chỉ chú trọng chiều rộng mà thiếu chiều sâu nên các cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở cũng như nhân dân chưa hiểu rõ, nắm vững nội dung của Luật để hiểu được những quyền hạn, trách nhiệm của mình đã được quy định trong Luật…

Khi tiến hành công tác nghiên cứu, thống kê tại nhiều địa phương, người có trách nhiệm thường tự tin khẳng định, ở địa phương họ không có bạo lực gia đình (bởi lẽ, trong sổ sách của họ, không có cặp vợ chồng nào phải ra tòa chịu trách nhiệm pháp lý vì hành vi bạo hành và chính quyền- đoàn thể địa phương cũng chưa phải vào cuộc can thiệp vụ nào). Chính vì vậy, các vụ bạo hành gia đình trên thống kê và trên thực tế bao giờ cũng là con số “một trời- một vực”.

Bạo lực gia đình là một hiện tượng tiêu cực đi ngược lại những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, mang lại những hậu quả nặng nề, gây cản trở trong việc thực hiện các chính sách kinh tế -xã hội của Đảng và Nhà nước. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần phải làm tốt và đồng bộ việc thực thi pháp luật gắn với thực hiện bình đẳng giới; xây dựng gia đình văn minh- tiến bộ – bình đẳng- hạnh phúc. Đẩy mạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng trong công tác can thiệp, xử lý nghiêm người gây bạo lực, trợ giúp có hiệu quả các nạn nhân. Hãy cùng chung tay vì một xã hội nói không với bạo lực gia đình.