Chung tay bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta!

MT&XH – Ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, rác thải, thiên tai… đang ngày càng đe dọa cuộc sống của mọi sinh vật trên Trái Đất. Nhưng chính con người lại là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hiệu ứng môi trường lớn như vậy. Vì vậy, chúng ta cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường để nâng cao môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tại sao chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường sống?

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ tất yếu không chỉ của riêng ta. Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, là những hành động giữ cho môi trường trong xanh, sạch đẹp, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn và khắc phục các hậu quả con người gây ra cho môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Môi trường là nơi con người khai thác nguồn tài nguyên và năng lượng cần thiết cho hoạt động sản xuất và cuộc sống như đất, nước, không khí, khoáng sản và các dạng năng lượng ánh sáng, gió,… Các sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp và văn hoá, du lịch của con người đều bắt nguồn từ các tài nguyên thiên nhiên tồn tại trên trái đất.

Môi trường hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh internet)

Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại. Tất cả sự sống trên Trái Đất đều là nhân tố tạo nên môi trường sống. Vì vậy, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mỗi người nói riêng và cho cả nhân loại nói chung.

Môi trường không chỉ là không gian sống của con người và sinh vật mà môi trường còn là nơi cung cấp những tài nguyên thiên nhiên như rừng, khoáng sản, động thực vật quý hiếm,… phục vụ cho cuộc sống của con người.

Không những thế, môi trường còn là nơi chứa những chất thải mà con người tạo ra, chính vì vậy môi trường có vai trò quan trọng và mang tính sống còn với con người.

Môi trường hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trên thực tế, môi trường hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như ô nhiễm không khi, ô nhiễm nguồn nước, đất,… điều đó đã và đang đe dọa tới cuộc sống của con người. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, việc khai thác bừa bãi các nguồn lợi từ thiên nhiên đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Và điều đó càng đồng nghĩa với việc cuộc sống của con người càng thêm khó khăn.

Còn đối với các nước phát triển thì với sự phát triển của nền kinh tế lại làm tăng sử dụng các chất CFC với tốc độ và khối lượng lớn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng khí thải độc hại vào môi trường, là nguyên nhân chính gây thủng tầng ozon và hiệu ứng nhà kính. Hậu quả của ô nhiễm môi trường chính là tác nhân của việc trái đất nóng lên, khí hậu biến đổi thất thường, mưa axit, băng tan ở hai cực…

Ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khỏe con người, sự sống của các loài sinh vật, làm giảm chất lượng môi trường.

Môi trường ô nhiễm điển hình như khi thiên nhiên, khí hậu ngày càng khắc nghiệt,nắng nóng nhiệt độ cao, mưa bão, lũ quét xuất hiện thất thường, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, hàng loạt loài động vật bị tuyệt chủng hay đứng trước bờ vực tuyệt chủng, cháy rừng trên diện rộng… Đó là các vấn đề về môi trường mà chúng ta đã và đang phải đối mặt.

Con người đã ngày càng tác động quá nhiều đến môi trường, việc khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự tái sinh. Biểu hiện dễ thấy nhất là các hậu quả như cháy rừng, biến đổi khí hậu, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, băng tan, mưa axit,…

Với tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức trầm trọng như hiện nay thì muốn bảo vệ môi trường cần có sự chung tay giúp sức của tất cả mọi người. Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại để giữ gìn và bảo vệ cuộc sống của toàn thể mọi người. Mỗi chúng ta hãy cùng chung tay vì một môi trường xanh và không ô nhiễm.

Ở Việt Nam chúng ta, tình trạng mất cân bằng sinh thái cũng đang diễn ra, bão lụt xảy ra thường xuyên, khí hậu biến đổi thất thường. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề quan trọng đối với nhiều thành phố lớn, các khu đông dân cư và vùng ven biển.

Cách làm giảm thiểu tác động của chúng ta lên môi trường

1. Trồng và bảo vệ cây xanh

Cây xanh là lá phổi của hành tinh này, ngăn xói mòn đất và cung cấp hệ sinh thái cho mọi sinh vật sống. Trồng cây xanh xung quanh nhà, nơi làm việc, hạn chế sử dụng đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên, vừa tiết kiệm chi phí, hạn chế khai thác tài nguyên rừng, giảm lượng đồ phế thải vào môi trường.

2. Hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật

Tỷ lệ người bị ung thư, tim mạch, Parkinson và não ngày càng tăng cao có góp phần không nhỏ của các thực phẩm bị vun trồng dưới tác động của các loại phân bón, thức ăn và hóa chất. Chính chúng góp phần giết chết dần con người. Thời đại này, chúng ta đang hạn chế dần các loại hóa chất, tận dụng các phương pháp canh tác và nuôi trồng sạch, tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát địch hại.

3. Rút các phích khỏi ổ cắm

Hành động nhỏ này có lẽ nhiều người trong chúng ta không bao giờ để ý đến. Nhưng các thiết bị gia dụng cắm phích cắm (đang ở chế độ chờ) trong thời gian dài đã làm tiêu tốn một lượng điện lớn, gây lãng phí điện năng và tài nguyên.

Trước khi ra khỏi nhà, rút hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị như máy sấy tóc, máy vi tính, tivi, thiết bị sạc điện thoại di động.

4. Sử dụng năng lượng sạch

Năng lượng gió, năng lượng mặt trời đang và sẽ là xu hướng điện năng trong tương lai. Sạch, không gây ra khí thải hay hiệu ứng nhà kính. Tận dụng tài nguyên vô tận và bảo vệ tài nguyên hữu hạn.

5. Giảm sử dụng – tái sử dụng – sử dụng sản phẩm tái chế

Giảm sử dụng – tái sử dụng – sử dụng sản phẩm tái chế (Ảnh internet)

Hãy đối mặt với thực tế là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn cái mà thiên nhiên có thể cung cấp cho chúng ta và mọi thứ đang dần cạn kiệt, kể cả nước! Vì vậy, trước hết hãy giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân. Sau đó là tái sử dụng và tái chế các sản phẩm để hạn chế rác thải và tiết kiệm tài nguyên.

6. Giảm sử dụng túi nilông

Bạn có biết để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu barrel dầu hỏa và những chiếc túi nhựa đã sản xuất ra phải mất đến hàng trăm năm mà vẫn không thể phân hủy hết. Hãy sử dụng các sản phẩm có khả năng tái chế: giấy, chất liệu tự hủy… để gói sản phẩm thay vì sử dụng loại túi plastic này.

7. Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cho gia đình

Hãy dùng đèn huỳnh quang mặc dù chúng đắt hơn một tí nhưng bền hơn và tiết kiệm đến 75% điện năng so với bóng đèn bình thường. Lưu ý khi bỏ rác thải là đèn huỳnh quanh hãy cẩn thận đừng để bị vỡ, thủy ngân trong đèn có thể ngấm vào đất, gây hại.

Hãy thay đổi, thay đổi và thay đổi trong chính những suy nghĩ của mỗi chúng ta. Đó là tất cả những gì mà chúng ta mang lại không chỉ cho bản thân mà cho con cháu chúng ta mai sau nữa. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn tất cả các bạn hãy cùng tôi thực hiện. Và chỉ khi như vậy chúng ta mới có một hành tinh xanh mãi mãi.

Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

  • Nâng cao ý thức của người dân, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác lung tung
  • Hạn chế sử dụng chất tẩy rửa để ngừa tắc cống thoát nước
  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường
  • Xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế
  • Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường
  • Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ phụ trách công tác môi trường
  • Đầu tư, trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại
  • Trồng cây, gây rừng
  • Chôn lấp và đốt rác thải một cách khoa học
  • Sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như gió, mặt trời
  • Tái chế rác thải
  • Phòng chóng ô nhiễm
  • Sử dụng những sản phẩm hữu cơ
  • Sử dụng điện hợp lý
  • Hạn chế sử dụng túi nilon

Phan Tú