Chứng ám ảnh sợ xã hội

Chứng ám ảnh sợ xã hội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: theodysseyonline.com

Ám ảnh sợ xã hội là hiện tượng quá lo sợ bị người khác đánh giá về mình và cảm thấy vô cùng bối rối. Hiện tượng này có thể nặng nề tới mức gây ảnh hưởng tới việc đi làm, đi học hoặc trong các hoạt động đời sống hàng ngày.

Người ta ai cũng có lúc cảm thấy bất an hoặc bối rối. Ví dụ như gặp người lạ, hoặc phát biểu tại nơi công cộng là những việc khiến người ta hồi hộp, lo lắng. Nhưng với những người bị mắc chứng ám ảnh sợ xã hội thì họ lo lắng về những việc này cũng như những việc khác trong hàng tuần trước đó.

Người bị chứng ám ảnh sợ xã hội rất sợ thực hiện những việc thông thường trước mặt người khác. Ví dụ họ sợ phải ký trước mặt người bán hàng, hoặc không dám ăn uống trước mặt người khác, hoặc không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Phần lớn những người mắc chứng này đều hiểu rằng không có gì phải sợ hãi cả, nhưng họ không thể kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình. Đôi khi họ chọn cách không đến một nơi nào đó, hoặc dự một sự kiện nào đó bởi họ nghĩ rằng ở đó, có thể họ sẽ làm một việc gì đó khiến họ xấu hổ, bối rối. Đối với một số người thì chứng ám ảnh sợ xã hội chỉ là vấn đề trong một vài trường hợp, nhưng đối với một số người thì hội chứng này xuất hiện gần như tại hầu hết các tình huống trong đời sống.

Nguyên nhân gây ra ám ảnh sợ xã hội

Đôi khi, ám ảnh sợ xã hội là hiện tượng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên người ta vẫn chưa biết được chắc chắn nguyên nhân vì sao trong gia đình, có người thì bị, có người thì không. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều vùng trong não có liên quan tới sự sợ hãi và lo lắng. Bằng cách nghiên cứu thêm về sự sợ hãi và lo lắng trong não, các nhà khoa học có thể tìm ra cách điều trị tốt hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem liệu căng thẳng thần kinh cũng như những yếu tố môi trường có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này không.

Dấu hiệu và triệu chứng của ám ảnh sợ xã hội

Những người bị chứng ám ảnh sợ xã hội thường có những hiện tượng sau:

– Rất lo lắng khi ở cùng người khác và khó nói chuyện với người khác, mặc dầu họ rất muốn làm được điều này.

– Rất để ý đến bản thân trước mặt người khác và luôn cảm thấy bối rối.

– Rất sợ bị người khác đánh giá.

– Lo lắng trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước những sự kiện có đông người tham dự.

– Không thích đến đến những nơi có nhiều người.

– Khó kết bạn và khó duy trì quan hệ bạn bè.

– Đỏ mặt, toát mồ hôi hoặc run sợ khi ở chỗ có nhiều người.

– Cảm thấy lo sợ hoặc đau bụng khi ở chỗ đông người.

Những người dễ mắc chứng ám ảnh sợ xã hội

Chứng ám ảnh sợ xã hội ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người Mỹ thành niên. Nữ giới và nam giới đều có nguy cơ bị mắc chứng này như nhau. Thông thường, chứng bệnh này xuất hiện khi còn bé hoặc ở đầu giai đoạn trưởng thành. Có một vài chứng cớ cho thấy chứng này có thể di truyền. Ám ảnh sợ xã hội thường đi kèm theo các hội chứng rối loạn lo lắng hoặc căng thẳng thần kinh khác. Nếu bệnh nhân tự mình mua thuốc uống thì sẽ dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc.

Chẩn đoán ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu từ khi còn ít tuổi. Bác sĩ có thể khẳng định một người mắc chứng này nếu người đó có triệu chứng trong vòng ít nhất 6 tháng. Nếu không được điều trị, ám ảnh sợ xã hội có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là cả đời.

Ám ảnh sợ xã hội có thể chỉ xảy ra trong một tình huống (ví dụ như trò chuyện với người khác, ăn uống hoặc viết trên bảng trước mặt người khác) hoặc cũng có thể xảy ra ở nhiều tình huống hơn (ví dụ như ám ảnh sợ xã hội tổng hợp), trong đó người mắc chứng này hầu như cảm thấy lo sợ trước bất kỳ người nào khác ngoài người thân trong gia đình.

Trước hết, nếu lo ngại mình bị mắc chứng này, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm để chắc chắn rằng những vấn đề thể chất khác không phải là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia tâm thần.

Điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội

Thông thường, chứng ám ảnh sợ xã hội được điều trị bằng tâm lý trị liệu, uống thuốc, hoặc kết hợp cả hai hình thức này.

Tâm lý trị liệu điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội

Biện pháp điều trị hành vi thông qua nhận thức là liệu pháp điều trị rất có hiệu quả đối với hội chứng ám ảnh sợ xã hội. Phương pháp điều trị này giúp cho người mắc hội chứng có thêm nhiều cách suy nghĩ, ứng xử và phản ứng với từng tình huống để giúp cho người đó ít cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Phương pháp này cũng giúp cho người ta học và thực hành những kỹ năng xã giao.

Điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội bằng thuốc

Các bác sĩ có thể sẽ kê đơn để điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội. Hầu hết các loại thuốc dùng điều trị chứng này là thuốc chống lo lắng và chống trầm cảm. Thuốc chống lo lắng là loại thuốc mạnh và có nhiều loại khác nhau. Có loại có tác dụng ngay, nhưng thường thì không nên uống các loại thuốc này trong thời gian dài.

Các loại thuốc chống trầm cảm được dùng để chữa trầm cảm nhưng cũng có tác dụng đối với chứng ám ảnh sợ xã hội. Các loại thuốc này thường được kê cho chứng ám ảnh sợ xã hội hơn là các loại thuốc chống lo lắng. Thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng sau khi bắt đầu uống vài tuần. Một vài loại có thể gây những tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, hoặc khó ngủ.

Những tác dụng phụ này thường không thành vấn đề đối với nhiều người, nhất là khi bắt đầu với liều lượng thấp và sau đó nâng dần lên. Nếu thấy xuất hiện những tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ.

Có một loại thuốc chống trầm cảm có tên là chất ức chế Monoamine oxidase (gọi tắt là MAOIs), đặc biệt có hiệu quả trong việc điều trị ám ảnh sợ xã hội. Tuy nhiên loại thuốc này hiếm khi là lựa chọn đầu tiên cho việc điều trị bởi khi MAOIs kết hợp với một số thực phẩm nhất định hoặc các loại thuốc khác, nó sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Điều quan trọng là phải biết rằng mặc dù các loại thuốc chống trầm cảm đều an toàn và có hiệu quả đối với nhiều người, chúng cũng có thể gây nguy hại cho một số người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Thường thì trên vỏ hộp các loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn được gắn hình ảnh chiếc “hộp đen”. Đây là biểu tượng cảnh báo rằng các loại thuốc chống trầm cảm có thể khiến người uống có suy nghĩ về tự tử hoặc có ý định tự tử.

Cần phải theo dõi sát những người mới bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm, đặc biệt khi lần đầu tiên được điều trị bằng loại thuốc này.

Một loại thuốc khác được gọi là thuốc chẹn beta có tác dụng khống chế một số triệu chứng cơ thể của chứng ám ảnh sợ xã hội. Ví dụ như ra mồ hôi nhiều, run rẩy, hoặc tim đập nhanh. Loại thuốc này thường được kê cho những triệu chứng thường được gọi là “nỗi lo sợ trên sân khấu”.

Một số người đáp ứng tốt hơn với phương pháp điều trị hành vi do nhận thức, một số người lại đáp ứng tốt hơn với biện pháp điều trị bằng thuốc. Có người lại đáp ứng tốt với việc kết hợp hai biện pháp điều trị trên. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn.