Chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 08:56
4210 Lượt xem
(LLCT) – Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ trương đúng đắn đó được thể hiện rõ trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Trên cơ sở khái quát chủ trương của Đảng về công tác y tế, những kết quả đạt được, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.
Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới – Ảnh: dangcongsan.vn
Đảng ta xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thể hiện trong việc xây dựng y tế cơ sở, công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, xã hội hóa y tế, đổi mới tài chính y tế, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế. Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nền y tế Việt Nam có bước phát triển vững chắc, hướng tới công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển.
1. Chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ đổi mới
Về xây dựng y tế cơ sở
Y tế cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14-1-1993 của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII “về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân” nêu lên quan điểm mới có tính đột phá để Nhà nước và ngành y tế thực hiện: “Việc xác định số cán bộ y tế cơ sở là viên chức nhà nước do Chính phủ nghiên cứu và quyết định. Tổ chức các đội y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở những nơi có khó khăn thuộc vùng cao, vùng núi, vùng sâu, hải đảo”(1).
Lần đầu tiên tại Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22-01-2002 “Về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Ban Bí thư nêu quan điểm chỉ đạo: “Ngành y tế có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chuẩn quốc gia về y tế cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn và y đức của các cán bộ y tế, v.v..”(2). Quan điểm xây dựng chuẩn quốc gia về y tế là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã nâng tầm nhận thức về y tế cơ sở, đưa ra quyết sách mới: “Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh”(3). Chủ trương xây dựng sổ sức khỏe điện tử đã thể hiện tầm nhìn của Đảng trong việc ứng dụng công nghệ số trong y tế phù hợp với xu thế phát triển của y tế thế giới để đến năm 2030 có “95% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe”(4) được Đại hội XIII đề ra.
Đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời để không bị động trước các loại bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn”(5). Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá cao vai trò của y tế cơ sở là lá chắn có hiệu quả các loại bệnh lây nhiễm nói chung và dịch Covid-19 nói riêng ngay từ cơ sở.
Về công tác khám, chữa bệnh
Trong những năm đầu đổi mới, Đảng chỉ rõ sự cần thiết phải “đầu tư phát triển hai trung tâm y tế lớn, với trình độ cao ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khi có khả năng sẽ phát triển trung tâm ở miền Trung… Chú trọng đào tạo cán bộ giỏi về y học chuyên sâu cũng như y tế cộng đồng”(6). Đại hội XII nêu quan điểm cần thiết phải thống nhất triển khai kỹ thuật làm quy chuẩn cho các bệnh viện để hướng tới sự đồng bộ trong quản lý, kiểm tra chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động to lớn hoạt động chuyên môn y học như phát hiện sớm các loại bệnh hiểm nghèo; khai thác dữ liệu hồ sơ bệnh án, tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, thiết lập quy trình điều trị; sự hỗ trợ của các robot, công nghệ in 3D trong điều trị người bệnh. Tận dụng những lợi thế này đối với sự phát triển của y học trong những năm tới, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh… triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân”(7) và “phát triển hình thức khám, chữa bệnh trực tuyến”(8) vừa để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa để hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ cho cán bộ tuyến dưới.
Về y tế dự phòng
Quá trình đổi mới đất nước trong những năm qua kéo theo tình trạng di dân cơ học cộng thêm những biến đổi của cơ cấu bệnh tật đòi hỏi phải có một định hướng tổng thể hơn về y tế dự phòng. Đảng chủ trương phải đổi mới năng lực và phương thức hoạt động của lĩnh vực này để “kịp thời dự báo và có biện pháp ngăn ngừa để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sức khỏe do thay đổi lối sống, môi trường và điều kiện lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS và các bệnh mới phát sinh”(9).
Đại hội XIII nhấn mạnh chủ trương sắp xếp lại các trung tâm y tế dự phòng: “Tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới”(10). Thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện là chủ trương lớn của Đảng nhằm thống nhất và giảm bớt đầu mối quản lý để không những hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các đề án, chương trình, kế hoạch mà còn nâng cao chất lượng chuyên môn trong y tế dự phòng.
Xác định đúng các yếu tố nguy cơ của các loại bệnh lây nhiễm, đặc biệt là sự tồn tại dịch Covid-19 đối với đời sống cộng đồng, Đảng đưa ra quan điểm mới nhằm thích ứng lâu dài với dịch bệnh làm cơ sở định hướng hoạt động đối với y tế dự phòng: “Nâng cao chất lượng dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế”(11). Chính những quan điểm mang tính cấp bách và kịp thời đã giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch trong năm 2020, 2021.
Về đổi mới tài chính y tế
Từ năm 1989, Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách cho phép các cơ sở y tế thu một phần viện phí để hỗ trợ cho hoạt động của bệnh viện thay thế cho chính sách chăm sóc miễn phí trước đó. Thêm vào đó, Đảng có chủ trương đưa “kinh phí bảo vệ sức khỏe của công nhân, viên chức vào tiền lương… Mở rộng hình thức mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn”(12), là cơ sở cho bảo hiểm y tế ra đời năm 1992.
Qua thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh, Đảng nhận thấy một phần lớn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế dành để trả lương cho cán bộ y tế, gồm lương và phụ cấp theo quy định mà chưa tính đến việc chi trả theo kết quả công việc, chưa tạo ra động lực nâng cao hiệu quả công việc và chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, gây khó khăn cho tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ của bệnh viện và cải thiện thu nhập của cán bộ y tế. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đưa ra quan điểm đột phá về đổi mới tài chính y tế: “Xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân”(13).
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đề cập việc thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế phải có “lộ trình, tính đúng, tính đủ và bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế ”(14).
Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế”(15). Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, không phải là tăng chi phí, mà trước đây các khoản Nhà nước bao cấp thì nay sẽ tính vào giá để chuyển phần ngân sách nhà nước đang bao cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (tính đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%(16). Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, người tàn tật và gia đình chính sách đã được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc hỗ trợ tối thiểu 70% phí mua bảo hiểm y tế.
Về xã hội hóa y tế
Nghị quyết số 04-NQ/HNTW (năm 1993) đã đặt nền móng cho chủ trương xã hội hóa y tế: “Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đa dạng hóa các hình thức tổ chức chăm sóc sức khỏe (nhà nước, tập thể, nhân dân), trong đó y tế Nhà nước là chủ đạo, tận dụng mọi tiềm năng sẵn có trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế”(17). Thực hiện chủ trương trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân (năm 1993) tạo hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển các cơ sở y, dược tư nhân của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Đảng xác định xã hội hóa y tế là một động lực phát triển: “Phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế nhà nước, y tế dân lập. Thí điểm hình thức liên doanh giữa cơ sở y tế nhà nước với nước ngoài cả về y và dược”(18); “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư; có chính sách khuyến khích về thuế, đất đai… để phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập”(19). Chủ trương này của Đảng nhằm tận dụng những thế mạnh về tài chính, vật chất, kỹ thuật của các cơ sở y tế ngoài nhà nước để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Đại hội XIII chủ trương: “Khuyến khích phương thức đối tác công – tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu”(20). Đồng thời, Đại hội cũng nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội hóa y tế: “Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước”(21).
Về xây dựng đội ngũ cán bộ y tế
Trong công tác đào tạo cán bộ y tế, chủ trương mở rộng quy mô, đa đạng hóa các hình thức đào tạo tại các trường y dược: “Sắp xếp lại mạng lưới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành”(22). Trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo cán bộ y tế phải được đổi mới về chương trình, nội dung, chủ động tiếp cận các chương trình đào tạo y khoa tiên tiến: “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”(23) nhằm thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/ vạn dân trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế ở tuyến cơ sở, Đại hội XIII xác định phải thực hiện luân chuyển cán bộ, quy hoạch lại mạng lưới y tế, sắp xếp và bố trí cán bộ ở các tuyến: “Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới”(24).
Chính sách đãi ngộ là một trong những giải pháp cần được xem xét cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp để cán bộ y tế yên tâm làm việc và cống hiến: “Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở… và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…”(25).
2. Kết quả thực hiện
Một là, mạng lưới y tế cơ sở được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc với 947 cơ sở y tế tuyến huyện (bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh), 11.100 trạm y tế xã(26). Đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 99,7% xã có cơ sở trạm, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã(27), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở.
Trong đại dịch Covid-19, các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác hỗ trợ thu dung, chỉ đạo tổ Covid cộng đồng, truy vết F0, F1, F2, nắm chắc địa bàn, quản lý biến động dân cư để phát hiện sớm và kịp thời cách ly những trường hợp mắc bệnh để không lây lan rộng trong cộng đồng.
Hai là, công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng đều qua các năm. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã từng bước và làm chủ được các kỹ thuật cao, giúp cho việc điều trị một số ca bệnh khó không phải chuyển tuyến(28).
Ba là, công tác y tế dự phòng đã có những bước chuyển biến rõ nét. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng chống các loại bệnh tật được triển khai hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các trung tâm y tế dự phòng được sắp xếp lại. Trong năm 2020, 2021, lĩnh vực y tế dự phòng đã ghi dấu ấn rõ nét trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân đồng thời thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Đảng và Chính phủ đề ra.
Bốn là, thực hiện chủ trương đổi mới tài chính y tế trong ngành y tế đã có những chuyển biến rõ nét. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế để các bệnh viện vừa có nguồn tài chính để đầu tư, vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế(29).
Năm là, công tác xã hội hóa y tế không chỉ tập trung vào các bệnh viện mà còn dịch chuyển sang lĩnh vực dự phòng. Mô hình hợp tác công – tư được mở rộng. Y tế tư nhân phát triển mạnh, từ 102 bệnh viện (năm 2010) lên 231 bệnh viện năm 2019 (chiếm 19,3% tổng số bệnh viện cả nước), góp phần đáng kể vào việc cung cấp các dịch vụ y tế(30).
Sáu là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ cùng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Năm 2003, cán bộ toàn ngành y tế có 241.498(31) người, đến năm 2010 có 344.876 người(32), đến năm 2018 tăng lên 472.558 người(33); số bác sĩ tăng từ 25,3 nghìn năm 1996(34) lên 96,2 nghìn năm 2020, đạt 8,8 bác sĩ/vạn dân(35).
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Cụ thể là: (1) mạng lưới y tế cơ sở tuy rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật. (2) chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; tình trạng vượt tuyến dẫn đến quá tải ở một số bệnh viện trung ương và thành phố lớn chưa được giải quyết triệt để. (3) hệ thống y tế dự phòng không ổn định và thiếu thống nhất, tác động tới hiệu quả sử dụng nguồn lực y tế, giảm khả năng cung ứng dịch vụ lồng ghép, toàn diện và liên tục; một số bệnh lây nhiễm chưa được khống chế triệt để. (4) chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho phát triển y tế công cộng và phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế ở vùng khó khăn. (5) quản lý nhà nước về xã hội hóa y tế còn hạn chế, dẫn đến tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa y tế để trục lợi, vi phạm pháp luật ở một số cơ sở y tế. (6) số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bố không đều giữa các vùng, các tuyến, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng(36).
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cần nhận thức đúng đắn lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần là lĩnh vực cung cấp dịch vụ mà còn là hoạt động nhân đạo vì tính mạng, sức khỏe của mỗi cá nhân, vì hạnh phúc mỗi gia đình và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe không phải chỉ là của bản thân ngành y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, lan tỏa tầm quan trọng của công tác y tế bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú đến người dân và các tổ chức.
Hai là, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền, ngành y tế khi vận dụng quan điểm của Đảng trong việc hoạch định chủ trương, kế hoạch, đề án về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần xuất phát từ những điều kiện, tiền đề vật chất để xây dựng mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong công tác lãnh đạo, các cấp uỷ và ngành y tế phải xem xét những vấn đề cần ưu tiên, giải quyết trước mắt với những vấn đề cần có chiến lược lâu dài tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội trong lãnh đạo công tác y tế.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về y tế.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý để thiết lập cơ chế phù hợp và tạo ra môi trường vận hành có hiệu quả cho các chủ thể y tế, đồng thời điều chỉnh, xử lý nghiêm những biểu hiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế v.v.. Các cấp chính quyền cần tăng cường vai trò chỉ đạo trong việc lập kế hoạch, quản lý, điều tiết các chương trình và đề án theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
Bốn là, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các lĩnh vực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Đầu tư xây dựng hệ thống y tế cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo tuyến y tế, có chính sách hỗ trợ thích đáng để cán bộ yên tâm công tác.
Phát triển các bệnh viện theo hướng phổ cập, chuyên sâu và hội nhập quốc tế; chú trọng đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ cán bộ y tế.
Thực hiện tốt phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiếp tục đổi mới tài chính y tế, tăng tỷ lệ chi ngân sách của địa phương cho y tế dự phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2017) của Đảng, đưa các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội hằng năm.
Mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại để khắc phục tình trạng thiếu hụt về số lượng và chất lượng gắn với cải cách chế độ chính sách cho cán bộ y tế.
Khuyến khích cá nhân và tổ chức tham gia giám sát, phản biện trong xây dựng các chủ trương, cơ chế về xã hội hóa y tế; đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế trong các lĩnh vực y tế dự phòng, xây dựng y tế cơ sở.
_________________
(1), (6), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.525, 523.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.61, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.76.
(3), (23), (25) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.143, 147-148, 148.
(4), (5), (7), (8), (10), (11), (15), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.266, 268, 267, 151, 267, 268, 137, 267, 151.
(9), (13), (19), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.64, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.140, 142, 145, 143-144.
(12), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 267, 419.
(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, 302-303.
(16), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.48, 137.
(26) Bộ Y tế: Niên giám thống kê y tế, Nxb y học, Hà Nội, 2020, tr.52.
(27), (28), (29), (30), (36) Bộ Y tế: Báo cáo số 1611/BC-BYT ngày 31-12-2019 Tổng kết công tác y tế năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020, Hà Nội, 2019, tr.4, 5, 12, 16-17.
(31) Bộ Y tế: Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2009 – JAHR 2009, Hà Nội, 2009, tr.49.
(32) Bộ Y tế: Niên giám thống kê y tế năm 2010, Nxb Y học, Hà Nội, 2011, tr.51.
(33) Bộ Y tế: Niên giám thống kê y tế năm 2018, Nxb Y học, Hà Nội, 2020, tr.63.
(34) Bộ Y tế: Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2007 – JAHR 2007, Hà Nội, 2008, tr.36.
(35) Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.836.
ThS ĐỖ THỊ NHƯỜNG
Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên