Chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Biên phòng – Chủ trương bảo vệ Tổ quốc của Đảng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh mới, trước sự phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ XHCN”1.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên Bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thể hiện sự phát triển trong tư duy lý luận của Đảng. Nội hàm bảo vệ Tổ quốc rất rộng, nhưng nội dung cốt lõi là: kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ XHCN. Đó là quyết tâm sắt đá và ý chí kiên trì, bền bỉ đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Trong tình hình phức tạp hiện nay, trước những khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức gay gắt nhất, nguy hiểm nhất đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng Chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Vì vậy, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất liền, biển đảo của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu và hành động, nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Đề cập đến vấn đề này, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (10/2019), đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”2. Tiếp đó, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng ngày 15/10/2019, về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, quan điểm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển3.
Đó là nguyên tắc chiến lược, là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là lợi ích cao nhất của đất nước cả trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chúng ta cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC)…
Cùng với việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì vấn đề bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ XHCN phải được đặt ra cấp thiết. Bởi lẽ, về lý luận và pháp lý, mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới dù có chế độ chính trị khác nhau, nhưng chế độ chính trị đó phải được gắn liền với lãnh thổ quốc gia và được quản lý, bảo vệ theo luật pháp của quốc gia đó, được luật pháp, cộng đồng quốc tế công nhận về chủ quyền cũng như chế độ chính trị của quốc gia đó. Hơn nữa, chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị luôn gắn bó chặt chẽ biện chứng với nhau.
Trong chủ quyền quốc gia đã bao hàm những chủ quyền cơ bản là quyền tối cao về lãnh thổ, quyền tối cao trong lãnh thổ gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, lập pháp, lập hiến, tư pháp, quyền độc lập trong chính sách ngoại giao. Xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia là yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tách rời chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị là tư duy một chiều, sai lầm cả về quan điểm, lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn lịch sử 92 năm qua là minh chứng hùng hồn khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng chính trị lãnh đạo duy nhất đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước Việt Nam thống nhất, độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo của Đảng được đưa vào Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chế độ chính trị mà chúng ta đang xây dựng là chế độ XHCN, với 8 đặc trưng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Chế độ chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
Mặt khác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải gắn liền với bảo vệ chế độ XHCN, với bảo vệ Đảng và Nhà nước, là nguyên tắc bất di bất dịch, là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta hiện nay và mai sau. Bởi độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Trong mối quan hệ biện chứng đó, độc lập dân tộc là mục tiêu, tiền đề và là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH, không có độc lập dân tộc thì không thể xây dựng CNXH; còn xây dựng CNXH là nhằm tăng cường nguồn lực vật chất-kỹ thuật ngày càng dồi dào hơn, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập dân tộc.
Thực tế cũng chứng minh, chỉ có cách mạng XHCN mới giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi áp bức bóc lột, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bảo đảm dân tộc thực sự có độc lập, đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ chính bản thân mình.
Chủ trương bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong thời kỳ mới là hệ thống các quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quan điểm về xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng… Những chủ trương đó góp phần quan trọng tạo nên những “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; qua đó, tạo thế và lực mới để Việt Nam hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, từng bước xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1 Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2021, tr.156.
2 Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Toan-van-phat-bieu-be-mac-Hoi-nghi-Trung-uong-11-cua-Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong/377229.vgp
3 http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=42377