Chủ tịch xã, Bí thư đảng ủy xã là công chức hay viên chức?
Các chức vụ như ở chính quyền địa phương như Chủ tịch xã hay Bí thư đảng ủy xã là cán bộ, công chức hay viên chức? và Nhiều người thắc mắc chủ tịch xã là công chức hay viên chức hay là cán bộ? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trước khi đi vào trả lời câu hỏi trên chúng ta cùng tìm hiểu các khái niệm liên quan đến những chủ thể này và quy định của pháp luật có liên quan nhé.
1. Công chức là gì?
– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019).
– Các điều kiện để trở thành công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và chính quyền địa phương là:
+ Thứ nhất: Là công dân Việt Nam;
+ Thứ hai: Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm;
+ Thứ ba: Công chức trong biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước
– Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Như vậy theo các quy định trên có thể hiểu công chức là công dân Việt Nam làm việc trong các cơ quan, đơn vị trong khối Nhà nước từ trung ương đến địa phương để thực thi các hoạt động công vụ, trong biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Những đặc điểm của công chức bao gồm một số đặc điểm sau:
+ Tính chất công việc: Công chức là những người làm việc thường xuyên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội theo phân công vị trí việc làm rõ ràng. Tức là công chức sẽ làm việc theo tính chất xuyên suốt, liên tục, không gián đoạn về mặt thời gian (trừ một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật). Và thời gian công tác kéo dài từ khi được tuyển dụng, bổ nhiệm tới khi đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động.
+ Yêu cầu của công chức: Yêu cầu chung của công chức là phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định phù hợp với vị trí việc làm và phải được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo các quy định của pháp luật.
+ Nơi làm việc: Nơi làm việc của công chức có thể trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
+ Chế độ lao động: Công chức được biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các chế độ làm việc, điều kiện làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn được đảm bảo dựa trên các quy định của pháp luật.
2. Viên chức là gì ?
– Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 có quy định như sau: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
– Các đặc điểm của viên chức là:
+ Thứ nhất, viên chức phải là công dân Việt Nam;
+ Thứ hai, chế độ tuyển dụng của viên chức là được tuyển dụng theo vị trí việc làm. Mà việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Thứ ba, thời gian làm việc của viên chức được tính kể từ khi được tuyển dụng. Hợp đồng làm việc có hiệu lực cho đến khi chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;
+ Thứ tư, viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
+ Thứ năm, địa điểm làm việc của viên chức là làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sự quản lý của Nhà nước.
3. Chủ tịch xã, Bí thư đảng ủy xã là công chức hay viên chức?
– Căn cứ vào các phần phân tích ở trên có thể khẳng định hai chủ thể này không phải công chức và cũng không phải là viên chức.
– Vì căn cứ theo quy định tại các điểm a và điểm c khoản 2 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định về cán bộ cấp xã có các chức sau đây trong đó có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Bí thư đảng ủy là cán bộ.
– Mà căn cứ thêm tại điểm a và điểm c khoản 1 của Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quy định như sau:
“1. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:
a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
d) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
e) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
g) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
h) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.”
– Qua quy định trên cũng cho thấy Chủ tịch xã và Bí thư đảng ủy là cán bộ cấp xã. Hơn nữa theo Nghị định 06/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định những người là công chức. Theo Điều 3 Nghị định này cũng quy định rõ công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam không bao gồm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã.
Như vậy có thể khẳng định hai đối tượng Chủ tịch xã và Bí thư đảng ủy xã là cán bộ cấp xã không phải là công chức cũng không phải là viên chức.
– Quy định về cán bộ xã có quy định Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội.
Trên đây là phần tư vấn, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!