Chủ nghĩa khắc kỷ là gì? Cách áp dụng vào cuộc sống

Cuộc sống này có muôn vàn khó khăn, trắc trở. Mỗi một con người đều có những hoàn cảnh riêng biệt, không ai giống ai. Nhưng làm thế nào để cuộc sống trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn? Đừng lo lắng! Chủ nghĩa khắc kỷ được tạo ra để giúp mọi người bình thản trước những nghịch cảnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?

Chủ nghĩa khắc kỷ (tiếng Anh: Stoicism) là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại (Hellenistic) được sáng lập bởi nhà hiền triết Zeno thành Citium ở Athens, Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Tuy nhiên vào lúc đó, chủ nghĩa này vẫn chưa được biết đến nhiều cho đến khi được Epictetus, Seneca và Marcus Aurelius áp dụng vào thực tế cuộc sống. Sở dĩ có tên là chủ nghĩa khắc kỷ như vậy là bởi những ai đi theo chủ nghĩa này thường đàm đạo tại Stoa Poikile (một lối đi có mái che với hàng cột dài).

Chủ nghĩa khắc kỷ, hay triết học khắc kỷ là một triết lý đạo đức cá nhân và một phương pháp luận để tìm kiếm sự khôn ngoan thực tế trong cuộc sống. Một nguyên tắc quan trọng của trường phái Khắc kỷ cổ đại là niềm tin rằng chúng ta không phản ứng với các sự kiện; chúng ta phản ứng với những đánh giá của chúng ta về chúng, và những đánh giá là tùy thuộc vào chúng ta.

Họ cũng khuyên rằng chúng ta không nên lo lắng về những điều ngoài tầm kiểm soát của mình vì mọi thứ trong cuộc sống có thể được chia thành hai loại – những thứ tùy thuộc vào chúng ta và những thứ không.

Đây quả thật là một triết lý sống hoàn hảo cho con người. Theo đó, nó giúp con người trở nên thông thái, làm chủ và biết các xử lý, ứng phó với mọi khó khăn trong cuộc đời, giúp chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc hơn. Trước tiên, chúng ta cần hiểu như thế nào là một cuộc sống hạnh phúc vì đây chính là mục đích, mục tiêu của chủ nghĩa này.

Tổng quan về chủ nghĩa khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ được Zeno xứ Citium thành lập ở Athens, Hy Lạp vào khoảng năm 300 trước Công nguyên..

Sự thành lập

  • Chủ nghĩa khắc kỷ được Zeno xứ Citium thành lập ở Athens, Hy Lạp vào khoảng năm 300 trước Công nguyên.
  • Cái tên này có nguồn gốc từ “Stoa Poikile”, nơi Zeno đã dạy từ đó.
  • Chủ nghĩa khắc kỷ là một trong những trường phái triết học lớn từ thời kỳ Hy Lạp hóa đến thời kỳ La Mã.
  • Lịch sử của chủ nghĩa Khắc kỷ thường được chia thành ba giai đoạn: Khắc kỷ sớm (thế kỷ 3 trước Công nguyên), Trung Khắc kỷ (thế kỷ 1 và 2 trước Công nguyên), và Khắc kỷ muộn (thế kỷ 1 và 2 sau Công nguyên).

Bốn đức tính cơ bản

Bốn đức tính cơ bản của chủ nghĩa khắc kỷ là khôn ngoan, dũng cảm, ôn hòa và công lý.

  • Trí tuệ bao gồm: ý thức tốt, tính toán tốt, nhanh trí, quyết đoán và tháo vát.
  • Lòng dũng cảm bao gồm: sức bền, sự tự tin, trí óc cao, vui vẻ và siêng năng.
  • Tính ôn hòa bao gồm: kỷ luật tốt, tính lịch thiệp, khiêm tốn và tự chủ.
  • Công lý bao gồm: lòng đạo đức, sự trung thực và đối xử công bằng.

Các triết gia khắc kỷ nổi bật

  • Các triết gia khắc kỷ giai đoạn đầu bao gồm: Zeno của Citium, Cleanthes, Chrysippus, Diogenes của Babylon, và Antipater của Tarsus.
  • Các triết gia khắc kỷ từ giai đoạn trung bao gồm: Cato the Younger, Panaetius và Posidonius.
  • Các triết gia khắc kỷ từ giai đoạn sau bao gồm: Seneca The Younger, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius.

Các kỷ thuật khắc kỷ

  • Hình dung tiêu cực: Chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta nên dành thời gian tưởng tượng rằng chúng ta đã đánh mất những thứ mà chúng ta quý trọng. Rằng vợ chúng ta đã bỏ đ, xe của chúng ta bị đánh cắp, hoặc chúng ta mất việc. Theo chủ nghĩa khắc kỷ, làm điều này sẽ khiến chúng ta coi trọng vợ, xe và công việc của mình hơn những gì chúng ta đang làm.
  • Phân loại kiểm soát: Phân biệt giữa những thứ mà chúng ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ mà chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được và những thứ mà chúng ta có thể nhưng không hoàn toàn kiểm soát được.
  • Nội tại hóa các mục tiêu: Chủ nghĩa khắc kỷ đã tìm ra cách để duy trì sự bình an bất chấp sự tham gia của họ với thế giới xung quanh: Họ nội tâm hóa các mục tiêu của mình. Mục tiêu của họ không phải là thay đổi thế giới, mà là cố gắng hết sức để mang lại những thay đổi nhất định. Ngay cả khi nỗ lực của họ không hiệu quả, họ vẫn có thể yên tâm khi biết rằng họ đã hoàn thành mục tiêu: Họ đã làm những gì có thể.
  • Chủ nghĩa định mệnh đối với Quá khứ & Hiện tại: Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ ủng hộ chủ nghĩa định mệnh đối với quá khứ và hiện tại, có những điều chúng ta có thể thay đổi và hành động trong tương lai. Quá khứ đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được. Chúng ta không có toàn quyền kiểm soát hiện tại trong thời điểm này.
  • Tự phủ nhận: Như một phần mở rộng của hình dung tiêu cực, “Bên cạnh việc suy ngẫm về những điều tồi tệ đang xảy ra, đôi khi chúng ta nên sống như thể chúng đã xảy ra”.
  • Thiền khắc kỷ: Thường xuyên đánh giá sự tiến bộ của bản thân trong việc thực hành chủ nghĩa khắc kỷ.

Quan điểm của chủ nghĩa khắc kỷ về hạnh phúc

Cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp là cuộc sống đầy ắp niềm vui với những người xung quanh, với công việc, là khi ta được thoả mãn những sở thích của mình; chúng ta có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác; là lúc chúng ta có thể vượt qua khó khăn trong cuộc sống để đạt tới thành công; là cuộc sống luôn có mục đích của riêng nó, để học tập, làm việc, hi vọng chứ không nhàm chán…

Theo Zeno đó là “một cuộc sống trôi đi êm ả”. Có nghĩa là không có sự xung khắc giữa chính ta và thế giới quanh mình. Nhưng thực tế có phải như vậy không? – Không ạ. Cuộc sống của chúng ta hiếm khi trôi chảy, nó bao gồm rất nhiều rắc rối, từ mâu thuẫn của chính chúng ta cho đến thế giới xung quanh. Cũng giống như khi chúng ta đang đi đường thì bị mắc kẹt ở phố đông người, nó khiến cho ta bị trễ giờ làm, trễ hẹn, khiến ta bỏ lỡ nhiều thứ.

Tại sao lại có chuyện này xảy ra? Tại sao chúng ta không đi trên một con đường khác đẹp hơn, không bị tắc đường để bực bội và mất đi cơ hội? Theo chủ nghĩa khắc kỷ thì tất cả những chuyện này xảy ra vì chúng ta không sống theo lẽ tự nhiên. Sống theo lẽ tự nhiên là chúng ta phải thỏa mãn 2 yếu tố:

  • Sống phù hợp với bản chất con người: Đó là tính hợp lý, là điều khác biệt của loài người chúng ta so với các chủng loài khác, là bởi vì chúng ta có thể sử dụng lý do cho các hành động một cách phong phú của mình.
  • Sống phù hợp với thế giới, vật chất xung quanh: Đó là sự hòa hợp của tất cả mọi vật xung quanh chúng ta, tất cả những gì đang xảy ra và cách nó xảy ra.

Do đó, những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc đời bạn, những trận tắc đường hay kẹt xe là điều bình thường của cuộc sống này. Nó chỉ bất thường trong cách suy nghĩ của chúng ta.

Quan điểm của chủ nghĩa khắc kỷ về đau khổ

Chúng ta thường tin rằng chúng ta hạnh phúc hoặc đau khổ bởi vì may mắn hoặc xui xẻo, bởi do những người xung quanh không đối xử tốt với chúng ta, lấy đó làm lý do để cảm ơn hay để than phiền.

Nhưng trên thực tế thì chúng ta tự xử lý các sự việc đó và tự cho chúng là tốt hay xấu – đây là những điều dẫn đến hạnh phúc hay bất hạnh, chính bởi cách chúng ta gọi tên chúng. Cùng một sự việc xảy ra nhưng với người này là thảm họa còn với người kia là cơ hội tốt để thay đổi để trải nghiệm cái mới.

“Tôi đánh giá bạn đau khổ bởi vì bạn chưa bao giờ sống qua đau khổ. Bạn đã đi qua cuộc sống mà không có đối thủ – không ai biết bạn có khả năng gì, kể cả chính bạn. ” – Seneca

Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ có cái nhìn rất khác về sự đau khổ so với hầu hết mọi người. Họ mong đợi những rủi ro và sử dụng chúng như cơ hội để trau dồi đức tính của mình. Điều đó không có nghĩa là họ vui mừng khi những rắc rối bủa vây họ, nhưng họ cố gắng không than thở một cách bất cần, và họ tích cực tìm kiếm lợi ích bất cứ khi nào có thể.

Hãy tưởng tượng bạn bị gãy chân và phải ngồi trên giường trong 4 tháng để chữa lành. Một người theo phái khắc kỷ sẽ cố gắng hướng suy nghĩ của họ khỏi sự suy ngẫm vô ích “đau khổ là tôi” và thay vào đó tập trung vào cách họ có thể làm điều gì đó hiệu quả khi nằm liệt giường (ví dụ: viết cuốn sách đầu tiên của họ). Họ sẽ cố gắng sắp xếp lại sự kiện như một cách để trau dồi sự kiên nhẫn và trở nên sáng tạo hơn.

Khi có một sự kiện bất lợi xảy ra, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ cố gắng không để nó phá hỏng sự bình an của họ, và thay vào đó, họ cố gắng thu được lợi ích bất cứ khi nào có thể.

Những câu nói hay của các triết gia khắc kỷ

Hoa Sen Phật xin chia sẻ 20 trích dẫn hay của các nhà triết học nổi tiếng theo chủ nghĩa khắc kỷ. Để chúng ta có thể suy ngẫm và rút ra bài học nào đó từ phong cách sống bình thản và bản lĩnh này.

1. “Đừng lãng phí thời gian để tranh cãi xem một người tốt phải là người như thế nào.”  – Marcus Aurelius

2. “Khắc kỷ là người biến nỗi sợ hãi thành sự thận trọng, nỗi đau thành sự biến đổi, sai lầm thành sự khởi đầu và mong muốn thành việc thực hiện.” – Nassim Nicholas Taleb

3. “Chủ nghĩa khắc kỷ dạy cách giữ một tâm trí bình tĩnh và lý trí cho dù điều gì xảy ra với bạn. Nó giúp bạn hiểu và tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, không lo lắng và chấp nhận những gì bạn không thể kiểm soát.” – Jonas Salzgeber

4. “Chỉ cần ghi nhớ rằng: chúng ta càng coi trọng những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, chúng ta càng có ít khả năng kiểm soát hơn.” Epictetus

5. “Sự yên tĩnh đến khi bạn ngừng quan tâm đến những gì người khác nói, hoặc nghĩ, hoặc làm.” Marcus Aurelius

6. “Không quan trọng bạn chịu đựng những gì, mà là bạn chịu đựng nó như thế nào.” Seneca

7. “Một viên đá quý không thể được đánh bóng mà không có ma sát, cũng như một người đàn ông hoàn hảo mà không có thử thách.”- Seneca

8. “Con người chinh phục thế giới bằng cách chinh phục chính mình.” – Zeno của Citium

9. “Thành công dựa trên sự sẵn sàng làm việc của bạn cho dù có trở ngại nào cản đường bạn đi chăng nữa.” – David Goggins

10. “Khi một ai đó có nền tảng chính xác trong cuộc sống, họ không cần phải nhìn ra bên ngoài để được chấp thuận.” – Epictetus

11. “Sức mạnh tối thượng trong cuộc sống là hoàn toàn tự chủ, hoàn toàn là chính mình.” – Robert Greene

12. “Chịu đựng thử thách với một tâm hồn bình tĩnh sẽ cướp đi sức mạnh và gánh nặng của nó.” – Seneca

13. “Một người lý trí có thể tìm thấy sự bình yên bằng cách nuôi dưỡng sự thờ ơ với những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.” – Naval Ravikant

14. “Nếu bạn dễ bị khiêu khích, bạn rất dễ bị kiểm soát.” – Zeno của Citium

15. “Giữa kích thích và phản ứng, có một khoảng trống. Trong không gian đó là quyền lực của chúng ta để lựa chọn cách mà chúng ta phản ứng.” – Viktor Frankl

16. “Quy tắc đầu tiên là giữ một tinh thần thoải mái. Thứ hai là nhìn thẳng vào mặt mọi thứ và biết chúng là như thế nào.” – Marcus Aurelius

17. “Người khôn ngoan không bị thuận lợi nâng lên cũng không bị nghịch cảnh đè bẹp; vì anh ấy luôn cố gắng dựa vào bản thân, và tìm kiếm mọi niềm vui từ chính mình.” – Seneca

18. “Chủ nghĩa khắc kỷ là thuần hóa cảm xúc, không phải là loại bỏ chúng.” Nassim Nicholas Taleb

19. “Chúng ta thường sợ hãi hơn là bị tổn thương; và chúng ta thường đau khổ trong tưởng tượng hơn là trong thực tế ”. – Seneca

20. “Chủ nghĩa khắc kỷ, hiểu một cách đúng đắn là một phương pháp chữa trị một căn bệnh. Căn bệnh này là sự lo lắng, đau buồn, sợ hãi và nhiều cảm xúc tiêu cực khác ảnh hưởng đến con người và ngăn cản họ trải nghiệm cuộc sống vui vẻ.” – William B. Irvine

Cách áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào cuộc sống

Đừng coi bản thân mình là khác biệt

Nếu như mẹ của người khác qua đời thì chúng ta nói: “Cuộc sống mà dù sao thì cái chết vẫn sẽ xảy ra thôi.” Còn nếu mẹ của chúng ta mất thì chúng ta lại nói, “Tôi thật buồn, tôi sẽ phải sống sao đây? Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi chứ?”

Nếu như có những chuyện buồn xảy ra, khó chịu nhỏ hay thậm chí là thảm họa xảy ra với người khác chứ không phải chúng ta, thì chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua, giữ được bình thản trước chuyện đó. Nhưng tại sao chúng ta lại có lối suy nghĩ như vậy? Liệu có phải chúng ta cho rằng mình là con cưng của vũ trụ, mọi chuyện đau buồn không nên xảy ra với mình.

Chẳng phải sẽ tốt hơn sao nếu như chúng ta có thể phản ứng với mọi chuyện xấu như khi chúng xảy ra với người khác. Chúng ta không phải người đặc biệt gì cả. Những gì xảy ra với chúng ta thì chắc chắn cũng từng xảy ra với nhiều người trước đó và sẽ xảy đến với nhiều người khác trong tương lai.

Vậy nên, cách tốt nhất để chúng ta vượt qua mọi chuyện đau buồn đó là hãy nghĩ rằng: Chuyện này cũng đã xảy ra với nhiều người khác, họ có thể vượt qua được thì mình sẽ vượt qua được.

Nhìn nhận sự việc từ trên cao

Mọi người thường gặp phải những rắc rối không đáng kể như tưởng tượng của mình. Nhưng rồi chúng ta cứ làm rối tinh lên và quên mất rằng đây chẳng phải điều gì quá to tát so với toàn bộ cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta cứ tập trung vào một điều duy nhất và cho rằng điều này thực sự quan trọng, nhưng thực ra nó chưa bao giờ quan trọng như ta tưởng.

Nếu như chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về sự việc đó, hãy nhìn nó từ trên cao. Hãy tưởng tượng như chúng ta đang ở trên bầu trời nhìn xuống và thấy bản mình như một chấm nhỏ nằm trong một ngôi nhà nhỏ ở trong một thành phố nhỏ, trong một quốc gia nhỏ bé so với toàn hành tinh. Và khi ấy toàn bộ hành tinh lại vô cùng nhỏ bé so với vũ trụ.

Khi ấy, bạn có thấy không? Mọi chuyện thật tầm thường và nhỏ bé. Cái nhìn này sẽ giúp cho bạn bình thản, mọi thứ chỉ là phù du và không quan trọng như trước kia bạn từng nghĩ. Vậy nên, khi gặp chuyện khó khăn bế tắc gì thì hãy nghĩ nó theo chiều hướng nhìn từ trên xuống để mọi việc được đơn giản hóa.

Định hướng suy nghĩ sang tích cực

“Những thứ bên ngoài không phải là vấn đề. Đó là đánh giá của bạn về chúng và bạn có thể xóa ngay bây giờ. ” – Marcus Aurelius

Lối sống khắc kỷ đã tiến vào Tâm lý học hiện đại. Liệu pháp Hành vi Nhận thức là dựa trên ý tưởng rằng cách chúng ta suy nghĩ (nhận thức), cách chúng ta cảm thấy (cảm xúc) và cách chúng ta hành động (hành vi) đều tương tác với nhau.

Cụ thể, suy nghĩ của chúng ta quyết định cảm xúc và hành vi của chúng ta. Vì vậy, chủ nghĩa khắc kỷ là một tư tưởng cổ xưa đã được khoa học tâm lý hiện đại chứng minh! Theo nhiều cách, suy nghĩ của một người quyết định trải nghiệm của họ về thực tế.

Đối với hai người phải trải qua cùng một khó khăn, sự đánh giá khác nhau của họ về cùng một nỗi bất hạnh đó có thể dẫn đến những cảm xúc và hành vi hoàn toàn khác nhau. Khi một người có thể cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng khi mất việc làm, một người khác có thể cảm thấy được giải phóng và hy vọng về cơ hội mới.

Theo dõi nhà phê bình nội tâm của một người để hướng tới sự lạc quan hơn có thể là một lợi ích cho sức khỏe tâm lý. Hãy nhớ rằng, bản thân sự kiện đó không khiến chúng ta buồn mà là chính suy nghĩ của chúng ta về nó.

Hãy nhớ rằng vạn vật đều vô thường

Bạn nghĩ rằng: Tôi đi làm và mua được chiếc xe, căn nhà,… thì đó là của tôi. Nhưng chiếc xe hơi của bạn có thể bị đánh cắp, căn nhà của bạn có thể bị thiêu rụi trong chốc lát. Ngay chính bản thân bạn cũng có thể mất đi sức khỏe. Trong đạo Phật gọi đó là vô thường. Vì vậy, bạn có thể mất đi những thứ đang là của bạn chỉ trong chốc lát.

Đừng quá dính mắc vào bất cứ thứ gì, không có gì là quan trọng đâu. Các nhà khắc kỷ còn nói rằng: Khi bạn hôn vợ mình, hãy nhắc nhở với bản thân là mình đang hôn một người trần tục sắp chết và có thể rời bỏ bất cứ lúc nào. Bạn sống và đừng quá lệ thuộc vào bất cứ điều gì thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Hoa Sen Phật – Tham khảo: whatisstoicism.com

Bài liên quan sẽ được cập nhật sau!