Chu kỳ sống của sản phẩm là gì? 4 Giai đoạn chính trong chiến lược
Khi một sản phẩm được tung ra thị trường cho đến khi ngừng lưu thông được xem là một chu kỳ sống. Nhưng vòng đời sản phẩm thực sự hoạt động như thế nào và làm thế nào để giúp các công ty tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của họ? Hãy cùng MarketingAI đọc bài viết “Chu kỳ sống của sản phẩm và bí quyết kéo dài “tuổi thọ” trên thị trường”
Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Chu kỳ sống của sản phẩm đề cập đến khoảng thời gian kể từ khi một sản phẩm được ra mắt người tiêu dùng cho đến khi nó biến mất hoàn toàn khỏi thị trường. Khái niệm này được các nhà quản lý và các chuyên gia Marketing sử dụng để quyết định khi nào nên tăng giá, giảm giá, mở rộng thị trường hoặc thiết kế lại bao bì.
Nguyên lý hoạt động chu kỳ sống của sản phẩm
Vòng đời của một sản phẩm được chia thành bốn giai đoạn – giới thiệu, tăng trưởng, chín muồi và suy tàn. Một sản phẩm bắt đầu bằng một ý tưởng, nó không có khả năng tiến xa hơn cho đến khi trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D). Sau khi được cho là khả thi và có khả năng sinh lời, sản phẩm được sản xuất, Marketing và tung ra thị trường.
Chu kỳ sống của sản phẩm
4P trong marketing là gì? Ví dụ về 4P marketing của Starbucks
Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm
Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm Vinamilk
Một ví dụ về dòng sữa bột Optimum Mama của Vinamilk, loại sữa dành cho các bà mẹ mang thai và cho con bú. Ở giai đoạn đầu tiên, Vinamilk quảng cáo rầm rộ trên các trang báo, các blog làm mẹ và tâm sự của cha mẹ. Sau khi người tiêu dùng đã có một cái nhìn khái quát về sản phẩm, hãng sẽ bày sản phẩm trên các kệ hàng tại siêu thị, đại lý và các cơ sở bán hàng của Vinamilk. Sau đó, lấy feedback, nhận xét của khách hàng để cải tiến và tăng uy tín của sản phẩm. Sau khi thu nhận ý kiến đóng góp, Vinamilk đã bổ sung lợi khuẩn, một vài chất xơ và một số dưỡng chất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại sản phẩm vẫn chưa đến thời kỳ suy thoái vì Vinamilk liên tục cải tiến và nâng cấp sản phẩm để giai đoạn chín muồi được kéo dài lâu hơn.
Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm Iphone
Iphone 6 cũng là một ví dụ của chu kỳ sống. Ngay khi mới ra mắt, Apple đã quảng cáo rầm rộ thông qua các site báo, buổi ra mắt Iphone 6, email Marketing,… Ngay khi khách hàng đã biết đến sản phẩm, Apple mở hàng loạt các cửa hàng trưng bày sản phẩm mới để người dùng có cơ hội trải nghiệm thử sản phẩm. Quảng cáo thông qua các KOLs và tài trợ các bộ phim. Khi đã đến giai đoạn chín muồi, ông lớn công nghệ đã tung ra chiến lược tập trung vào một nhóm đối tượng trung thành, đưa ra các trải nghiệm mới về dịch vụ, bảo hành,… Giai đoạn cuối cùng, sau khi nhận được nhiều phản hồi về camera lỗi và màn hình mờ ảo của Iphone 6, Apple quyết định ngừng sản xuất và nghiên cứu Iphone 7 – được cải tiến và có nhiều công nghệ tiên tiến hơn.
Các giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm
Giai đoạn triển khai – Market Development
Giai đoạn này là lúc sản phẩm được giới thiệu lần đầu tới khách hàng. Nhìn chung, một công ty phải đầu tư đáng kể vào quảng cáo và chiến dịch Marketing trong giai đoạn này để khiến nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm và lợi ích của nó, đặc biệt nếu nếu đó là loại mặt hàng mới trên thị trường.
Giai đoạn triển khai cần đưa ra các chiến lược Marketing phù hợp
Trong giai đoạn giới thiệu, thường có rất ít hoặc không có sự cạnh tranh với sản phẩm, vì các đối thủ cạnh tranh chỉ mới biết đến sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty vẫn thường gặp vấn đề về tài chính do mặt hàng chưa thực sự phổ biến trên thị trường. Các công ty cần tung giá ưu đãi để thu hút sự tham gia của khách hàng và đánh giá lại chiến lược bán hàng sau mỗi chiến dịch.
Giai đoạn tăng trưởng – Market Growth
Nếu sản phẩm được khách hàng đón nhận, nó sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng. Giai đoạn này có đặc trưng là nhu cầu ngày càng tăng, sản xuất được mở rộng. Khoảng thời gian dành cho giai đoạn triển khai trước khi sản phẩm của công ty tăng trưởng mạnh sẽ khác nhau giữa các ngành và sản phẩm.
Trong giai đoạn tăng trưởng, sản phẩm trở nên phổ biến và dễ nhận biết hơn. Một công ty vẫn có thể chọn đầu tư mạnh vào quảng cáo nếu sản phẩm phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, các chiến dịch Marketing có thể sẽ hướng đến việc phân biệt sản phẩm của mình với các sản phẩm khác thay vì giới thiệu hàng hóa ra thị trường. Một công ty cũng có thể tinh chỉnh sản phẩm của mình bằng cách cải thiện chức năng dựa trên phản hồi của khách hàng.
Về mặt tài chính, giai đoạn tăng trưởng của vòng đời sản phẩm dẫn đến doanh số bán hàng tăng và doanh thu cao hơn. Khi đối thủ cũng đưa ra các sản phẩm tương tự, cạnh tranh tăng lên, có khả năng công ty buộc phải giảm giá và có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Giai đoạn chín muồi – Market Maturity
Giai đoạn chín muồi của vòng đời sản phẩm là giai đoạn mang lại nhiều lợi nhuận nhất, thời điểm mà chi phí sản xuất và Marketing giảm xuống. Một số nhà phân tích coi giai đoạn chín mười là khi khối lượng bán hàng “đạt mức tối đa”.
Khối lượng bán hàng ở giai đoạn này “đạt mức tối đa”
Tùy thuộc vào hàng hóa, một công ty có thể bắt đầu quyết định cách đổi mới sản phẩm của mình hoặc giới thiệu những cách thức mới để chiếm được sự hiện diện lớn hơn trên thị trường. Điều này bao gồm lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng và nghiên cứu nhân khẩu học cũng như nhu cầu của họ. Trong giai đoạn này, sự cạnh tranh ở mức cao nhất. Các công ty đối thủ đã có một khoảng thời gian để giới thiệu sản phẩm cạnh tranh và cải tiến sản phẩm. Mức bán hàng cũng đang ở mức ổn định và công ty phải cố gắng để sản phẩm của mình tồn tại trong giai đoạn chín muồi càng lâu càng tốt.
Giai đoạn suy thoái – Market Decline
Khi sự cạnh tranh ngày càng tăng bởi các công ty khác bắt chước thành công, sản phẩm có thể mất thị phần và bắt đầu suy thoái. Doanh số sản phẩm bắt đầu giảm do bão hòa thị trường và các ra đời sản phẩm thay thế. Công ty có thể chọn không tiếp tục Marketing tới các khách hàng cũ vì họ có thể đã xác định liệu có trung thành với sản phẩm của công ty hay không.
Nếu một sản phẩm bị loại bỏ hoàn toàn, công ty sẽ ngừng hỗ trợ cho sản phẩm đó và loại bỏ hoàn toàn các chiến dịch Marketing. Ngoài ra, công ty có thể quyết định cải tiến sản phẩm hoặc giới thiệu một mô hình thế hệ tiếp theo. Nếu việc nâng cấp đủ lớn, công ty có thể chọn quay lại vòng đời sản phẩm bằng cách giới thiệu phiên bản mới ra thị trường.
Sản phẩm có dấu hiệu đi xuống và ngừng sản xuất
Giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm ảnh hưởng đến cách tiếp thị sản phẩm tới người tiêu dùng. Một sản phẩm mới cần được giải thích, trong khi một sản phẩm trưởng thành cần đưa ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.
Chiến lược marketing theo chu kỳ sống của sản phẩm
Giai đoạn 1: Lựa chọn 1 trong 4 chiến lược
Các chiến lược Marketing được sử dụng trong giai đoạn triển khai bao gồm:
– Hớt váng nhanh – tung ra sản phẩm với giá cao và mức độ khuyến mãi cao.
– Hớt váng chậm – tung ra sản phẩm với giá cao và mức khuyến mãi thấp.
– Thâm nhập nhanh – tung ra sản phẩm với giá thấp kèm theo khuyến mãi lớn.
– Thâm nhập chậm – tung ra sản phẩm với giá thấp và khuyến mãi tối thiểu.
Chọn 1 trong 4 chiến lược trên sau đó, bạn nên hướng tới việc:
– Xây dựng một bản sắc thương hiệu rõ ràng.
– Kết nối với các đối tác phù hợp để quảng bá sản phẩm.
– Tổ chức các chương trình thử nghiệm hoặc đưa các mẫu hoặc thử nghiệm tới thị trường mục tiêu.
– Giới hạn sản phẩm hoặc dịch vụ cho một loại đối tượng cụ thể – chọn lọc có thể thúc đẩy nhu cầu.
Giai đoạn 2: Đề ra các chiến lược kinh doanh quyết liệt
Các chiến lược Marketing được sử dụng trong giai đoạn tăng trưởng chủ yếu nhằm mục đích tăng lợi nhuận. Một số chiến lược phổ biến mà bạn có thể thử là:
– Cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.
– Thêm các tính năng mới hoặc dịch vụ hỗ trợ để tăng thị phần.
– Thâm nhập các phân khúc thị trường mới.
– Giữ giá cao ở mức hợp lý để duy trì nhu cầu và lợi nhuận.
– Tăng kênh phân phối để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
– Chuyển thông điệp Marketing từ nhận biết sản phẩm sang yêu thích sản phẩm.
– Hớt váng giá sản phẩm nếu lợi nhuận của bạn quá thấp.
Thâm nhập các thị trường mới
Giai đoạn tăng trưởng là khi bạn thấy doanh thu, lợi nhuận và thị phần của mình tăng lên nhanh chóng. Các chiến lược của bạn nên tìm cách tối đa hóa những cơ hội này.
Giai đoạn 3: Thay đổi
Khi doanh số của bạn đạt đỉnh, sản phẩm của bạn sẽ bước vào giai đoạn chín muồi. Điều này thường có nghĩa là thị trường của bạn đang có nguy cơ bị bão hòa và bạn cần thay đổi chiến thuật Marketing để kéo dài vòng đời của sản phẩm. Các chiến lược phổ biến có thể hữu ích trong giai đoạn này thuộc một trong hai loại:
– Sửa đổi thị trường – điều này bao gồm việc tham gia vào các phân khúc thị trường mới, xác định lại thị trường mục tiêu, giành được khách hàng của đối thủ cạnh tranh, chuyển đổi khách hàng mới.
– Sửa đổi sản phẩm – ví dụ: điều chỉnh hoặc cải thiện các tính năng, chất lượng, giá cả của sản phẩm và phân biệt nó với các sản phẩm khác trong cùng thương hiệu.
Giai đoạn 4: Kết thúc chu kỳ sống của sản phẩm
Trong giai đoạn cuối của sản phẩm, bạn sẽ thấy doanh thu và lợi nhuận giảm dần. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, sự tiến bộ công nghệ và các lựa chọn thay thế trên thị trường.
Ở giai đoạn này, bạn sẽ có nhiều lựa chọn, nếu muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể:
– Giảm chi tiêu Marketing trên các sản phẩm.
– Giảm số lượng các cửa hàng phân phối.
– Thực hiện giảm giá để thu hút khách hàng mua sản phẩm.
– Tìm cách sử dụng khác cho sản phẩm.
– Duy trì sản phẩm và chờ đối thủ rút khỏi thị trường trước.
– Thu hoạch sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi ngừng cung cấp
Chiến lược giảm giá để thu hút lượng lớn khách hàng
Một tùy chọn khác là doanh nghiệp của bạn ngừng sản xuất thông qua::
– Bán thương hiệu cho doanh nghiệp khác.
– Giảm giá đáng kể để loại bỏ tất cả hàng tồn kho.
Nhiều doanh nghiệp thấy rằng chiến lược tốt nhất là sửa đổi và cải tiến sản phẩm trong giai đoạn chín muồi để tránh bước vào giai đoạn suy thoái.
Một số lưu ý khi sử dụng chu kỳ sống của sản phẩm
Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của việc lập kế hoạch và phân tích, vòng đời sản phẩm không đúng với tất cả mọi ngành và không hoạt động nhất quán trên tất cả các sản phẩm. Hãy xem xét các dòng đồ uống phổ biến có sản phẩm chính đã ở giai đoạn chín muồi trong nhiều thập kỷ, trong khi các sản phẩm phụ hoặc biến thể của những đồ uống này từ cùng một công ty đã thất bại.
Vòng đời sản phẩm cũng có thể không chính xác trong các ngành có hạn chế về pháp lý hoặc thương hiệu. Ví dụ như việc xem xét thời hạn bằng sáng chế mới là 20 năm kể từ thời điểm đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp tại Mỹ. Mặc dù một loại thuốc có thể chỉ mới bước vào giai đoạn phát triển, nhưng nó có thể bị ảnh hưởng bất lợi khi bằng sáng chế của nó hết hạn bất kể đang ở giai đoạn nào.
Một hạn chế nữa của vòng đời sản phẩm là sự lỗi thời theo kế hoạch trong tương lai. Khi một sản phẩm bước vào giai đoạn chín muồi, một công ty có thể bắt đầu lên kế hoạch thay thế sản phẩm đó. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi sản phẩm hiện vẫn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và vẫn còn hạn sử dụng lâu dài. Đối với những nhà sản xuất có xu hướng giới thiệu sản phẩm mới vài năm một lần, điều này có thể dẫn đến lãng phí sản phẩm và sử dụng không hiệu quả các nguồn lực phát triển sản phẩm.
Chiến lược ra mắt sản phẩm mới nhanh và hiệu quả nhất
Kết
Các công ty thường gặp rắc rối khi họ không hiểu rõ về cách lên chiến lược trong từng giai đoạn chu kỳ sống của sản phẩm. Kiểm tra xem sản phẩm của công ty bạn đang ở đâu trong vòng đời sản phẩm, từ đó có thể giúp sản phẩm tiếp tục đổi mới để theo kịp công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ, theo kịp đối thủ cạnh tranh và có khả năng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm trên thị trường.
Minh Anh – MarketingAI
Đánh giá post