Chu kì sống sản phẩm (Product Life Cycle) trong chiến lược Marketing là gì?
Chu kì sống sản phẩm (tiếng Anh: Product Life Cycle) là quá trình tồn tại và phát triển của sản phẩm. Mỗi giai đoạn của chu kì sống có những đặc điểm, mục tiêu và chiến lược marketing khác nhau.
Hình minh họa. Nguồn: Trang công nghệ.
Khái niệm chu kì sống sản phẩm
Chu kì sống sản phẩm trong tiếng Anh là New Product Cycle.
Chu kì sống sản phẩm là thuật ngữ mô tả trạng thái vận động của việc tiêu thụ một loại sản phẩm trên thị trường kể từ khi nó xuất hiện đến khi nó không bán được nữa. Đây cũng là quá trình biến đổi của doanh thu, chi phí và lợi nhuận theo thời gian của loại sản phẩm.
Chu kỳ sống mô tả sinh động các giai đoạn trong lịch sử tiêu thụ của một loại sản phẩm.
Trong suốt thời gian tồn tại của sản phẩm, nhu cầu về sản phẩm và các điều kiện kinh doanh trên thị trường sản phẩm đều biến đổi. Từng người kinh doanh phải nhận biết để kịp thời điều chỉnh chính sách và biện pháp marketing cho phù hợp.
Đặc điểm
– Các sản phẩm đều có thời gian tồn tại hữu hạn trên thị trường.
– Mỗi giai đoạn tồn tại trên thị trường có lượng sản phẩm tiêu thụ khác nhau, điều kiện kinh doanh, mức độ cạnh tranh… Tạo nên những thuận lợi hay đặt ra những thách thức khác nhau đối với người bán.
– Mức lợi nhuận do sản phẩm mang lại cũng khác nhau giữa các giai đoạn của chu kì sống.
– Mỗi giai đoạn của chu kì sống sản phẩm đòi hỏi các chiến lược marketing, sản xuất, tài chính và nhân sự khác nhau.
Các giai đoạn chu kì sống của sản phẩm
– Giai đoạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường
– Giai đoạn tăng trưởng
– Giai đoạn bão hòa
– Giai đoạn suy thoái
Chiến lược marketing theo chu kì sống của sản phẩm
Giai đoạn giới thiệu
Doanh nghiệp lựa chọn chiến lược thích hợp:
– Chiến lược hớt váng nhanh: Là chiến lược mà doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bán với mức giá cao, đồng thời xúc tiến mạnh nhằm thuyết phục thị trường về lợi ích sản phẩm.
– Chiến lược hớt váng từ từ: Là chiến lược mà doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bán với mức giá cao, nhưng hoạt động xúc tiến yếu.
– Chiến lược thâm nhập nhanh: Doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bán với mức giá thấp ngay từ đầu, nhưng vẫn đầu tư cho các hoạt động xúc tiến.
– Chiến lược thâm nhập từ từ: Doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bán với mức giá thấp, mức chi phí xúc tiến thấp.
Giai đoạn tăng trưởng phát triển
Doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến lược và phương thức duy trì hoạt động sau:
– Cải tiến đặc tính và chất lượng sản phẩm hoặc bổ sung các mẫu mã mới
– Tấn công các đoạn thị trường mới
– Phát triển thêm các kênh phân phối mới
– Doanh nghiệp lúc này chuyển từ quảng cáo nhận biết sản phẩm nói chung sang quảng cáo hình thức xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu.
– Giá bán cần điều chỉnh để thu hút khách hàng và hạn chế các đối thủ cạnh tranh.
Giai đoạn bão hòa
Doanh nghiệp có thể áp dụng các chiến lược marketing chủ yếu:
– Thay đổi thị trường
– Thay đổi sản phẩm
– Thay đổi hỗn hợp marketing
Giai đoạn suy thoái
Chiến lược marketing có thể theo các hướng chủ yếu:
– Chuyển hướng khai thác thị trường, củng cố vị thế cạnh tranh.
– Duy trì mức đầu tư hiện tại khi vẫn còn những khách hàng trung thành.
– Giảm có chọn lọc những hoạt động kinh doanh, rút khỏi các đoạn thị trường không hiệu quả.
– Thu hoạch để nhanh chóng giải thể vốn.
– Loại bỏ sản phẩm hay giải thể đơn vị kinh doanh.
– Bán hay chuyển nhượng cho người khác hoặc loại bỏ hoàn toàn.
– Quyết định thời điểm dừng sản xuất, chuyển sang sản phẩm khác thay thế.
– Đảm bảo phục vụ được những khách hàng trung thành.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)