Chủ đề 453 | Internal Revenue Service

Để thảo luận về những yếu tố cấu thành một khoản nợ hợp lệ, xin tham khảo Ấn Phẩm 550, Thu Nhập và Chi Phí Đầu Tư (tiếng Anh) và Ấn Phẩm 535, Chi Phí Kinh Doanh (tiếng Anh). Thông thường, để khấu trừ một khoản nợ xấu, ắt hẳn trước đây quý vị đã tính số tiền này vào thu nhập hoặc cho vay tiền mặt của quý vị. Nếu quý vị là người nộp thuế bằng tiền mặt (phần lớn các cá nhân nộp cách này) thì thông thường quý vị không thể khấu trừ khoản nợ xấu cho tiền lương, tiền công, tiền thuê, phí, tiền lời, cổ tức và các hạng mục tương tự. Đối với một khoản nợ xấu, quý vị phải cho thấy rằng ý định của mình vào lúc giao dịch là cho vay chứ không phải làm quà. Nếu quý vị cho thân nhân hay bạn bè vay nhưng hiểu rằng có thể họ sẽ không hoàn trả thì quý vị phải coi số tiền đó là món quà chứ không phải tiền vay và quý vị không thể khấu trừ như là nợ xấu.

Có hai loại nợ xấu – trong hoạt động kinh doanh và ngoài hoạt động kinh doanh

Nợ Xấu Phát Sinh từ Hoạt Động Kinh Doanh – Thông thường, khoản nợ kinh doanh xấu là thua lỗ từ món nợ vô giá trị được tạo nên hoặc hình thành trong quá trình buôn bán hoặc kinh doanh hoặc có liên quan đến hoạt động buôn bán hoặc kinh doanh khi món nợ trở thành vô giá trị một phần hoặc hoàn toàn. Khoản nợ có liên quan mật thiết đến hoạt động buôn bán hoặc kinh doanh nếu động cơ chính của việc mắc nợ có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Quý vị có thể khấu trừ số tiền này trên Bảng C (Mẫu 1040), Lợi Nhuận hoặc Lỗ từ Kinh Doanh (Doanh Nghiệp Cá Thể) hoặc trên đơn khai thuế thu nhập kinh doanh hiện hành của quý vị.

Sau đây là thí dụ về nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh (nếu trước đó được tính vào thu nhập):

  • Khoản vay cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối và nhân viên
  • Bán hàng theo tín dụng cho khách hàng hoặc
  • Bảo đảm tiền vay kinh doanh

Doanh nghiệp khấu trừ nợ xấu toàn bộ hoặc một phần, từ thu nhập gộp khi tính thu nhập chịu thuế. Để biết thêm thông tin về các phương pháp khai nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh, xin tham khảo Ấn Phẩm 535, Chi Phí Kinh Doanh (Tiếng Anh).

Nợ Xấu Phát Sinh Ngoài Hoạt Động Kinh Doanh – Tất cả các nợ xấu khác được phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh. Nợ xấu phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh phải hoàn toàn vô giá trị để được khấu trừ. Quý vị không thể khấu trừ nợ xấu phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh chỉ vô giá trị một phân.

Khoản nợ trở nên vô giá trị khi các sự kiện và hoàn cảnh xung quanh cho thấy không có kỳ vọng hợp lý về tiền nợ sẽ được trả. Để cho thấy một khoản nợ vô giá trị, quý vị phải chứng minh rằng quý vị đã thực hiện các bước hợp lý để thu nợ. Quý vị không cần phải ra tòa nếu quý vị có thể chứng minh rằng phán quyết của tòa án cũng không giúp quý vị thu nợ. Quý vị chỉ có thể khấu trừ trong năm mà khoản nợ trở nên vô giá trị. Quý vị không cần phải đợi cho đến khi khoản nợ đáo hạn để quyết định khoản nợ đó là vô giá trị.

Khai báo nợ xấu phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh dưới dạng tiền lỗ của vốn ngắn hạn trong Phần 1, dòng 1 trên Mẫu 8949, Bán và Những Cách Phát Mãi Khác đối với Tài Sản Vốn (tiếng Anh)Nhập tên của người mắc nợ và “khai báo nợ xấu kèm theo” vào cột (a). Nhập phần cơ bản về nợ xấu vào cột (e) và ghi số 0 vào cột (d). Dùng dòng riêng cho từng khoản nợ xấu. Số tiền này phải chịu mức giới hạn lỗ của vốn ngắn hạn. Việc khấu trừ cho khoản nợ xấu ngoài hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải tuyên khai chi tiết riêng biệt kèm theo đơn khai của quý vị. Bản tuyên khai phải bao gồm: mô tả khoản nợ, bao gồm cả số tiền và ngày đáo hạn; tên người mắc nợ và bất kỳ mối quan hệ kinh doanh hoặc gia đình nào giữa quý vị và người mắc nợ; nỗ lực thu nợ của quý vị; và tại sao quý vị quyết định khoản nợ này là vô giá trị. 

Thông Bổ Sung

Để biết thêm thông tin về nợ xấu phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh, xin tham khảo Ấn Phẩm 550, Thu Nhập và Chi Phí Đầu Tư (tiếng Anh). Để biết thêm thông tin về nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh, xin tham khảo Ấn Phẩm 535, Chi Phí Kinh Doanh (Tiếng Anh)PDF.