Chờ đợi bất ngờ gì từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều?
Theo hãng tin UPI (Mỹ), tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/2, Tổng thống Mỹ cố gắng đạt được tiến triển nào đó trong mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên – điều mà người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cho biết là lãnh đạo Triều Tiên chưa muốn.
Các nhà làm luật và các nhà phân tích về Triều Tiên không kỳ vọng nhiều vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này, với lập luận là sự bất nhất của Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều năm ngoái diễn ra tại Singapore không mấy tiến triển.
Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump xem ra cũng đã hạ thấp kỳ vọng về hội nghị lần này. “Tôi không muốn hối thúc ai”, Tổng thống Donald Trump phát biểu.
Việc phi hạt nhân hóa có được xác định rõ và đạt được tiến triển?
Mục tiêu tổng thể của ngoại giao Mỹ đối với Triều Tiên là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thống nhất được nội hàm của vấn đề phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên từ lâu cho rằng, phi hạt nhân hóa bao hàm cả ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc, trong khi phía Mỹ phản đối quan điểm này.
Các quan chức cao cấp từng cho rằng, để có thể đạt được tiến triển tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này, các nhà đàm phán phải xác định rõ nội hàm vấn đề phi hạt nhân hóa trước khi diễn ra Hội nghị.
Các nhà nghiên cứu Triều Tiên đang chờ đợi xem liệu Bình Nhưỡng có đưa ra nỗ lực nào hướng tới phi hạt nhân hóa hay không, như việc cho phép thanh tra quốc tế giám sát việc tháo dỡ Tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
“Có nhiều việc mà ông ta (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) có thể làm để thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa của mình”, ông Mike Pompeo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Một bước đi thực tế, rõ ràng, có thể kiểm chứng là điều gì đó mà tôi biết là Tổng thống Donald Trump đang tập trung cao độ để đạt được”, ông Mike Pompeo nhấn mạnh.
Liệu có tuyên bố hòa bình?
Một khía cạnh khác cũng được rất nhiều người quan tâm là trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này tại Hà Nội, liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhất trí đưa ra một tuyên bố hòa bình để chính thức chấm dứt chương trình Triều Tiên.
Được biết, chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc năm 1953, song chỉ là đình chiến, chứ chưa có hiệp ước hòa bình, có nghĩa rằng, về mặt kỹ thuật, cuộc chiến này chưa chấm dứt.
Những người ủng hộ tuyên bố hòa bình cho rằng, việc này sẽ mở đường để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Các quan chức Hàn Quốc, trong đó có Tổng thống Moon Jae-in, là những người muốn thúc đẩy nhanh việc này.
“Chúng tôi không biết, tuyên bố chấm dứt chiến tranh dựa trên khuôn khổ nào, song một khả năng là Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được thỏa thuận”, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích lời ông Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những người phản đối tuyên bố hòa bình lại cho rằng, việc này là vô nghĩa bởi đó không phải là một hiệp ước. Thậm chí, có người lập luận, việc này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, như việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Liệu có đạt được thỏa thuận về việc mở văn phòng liên lạc?
Trong các đề nghị, các quan chức Mỹ đã thảo luận về khả năng mở các văn phòng liên lạc với Triều Tiên.
Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, việc này sẽ cải thiện liên lạc với Bình Nhưỡng, song không giảm áp lực trừng phạt đối với nước này.
Trong khi đó, những người phản đối nhận định, việc này là quá sớm trước khi Triều Tiên có những bước đi quan trọng nhằm phi hạt nhân hóa.
Liệu có điều bất ngờ xảy ra?
Với Tổng thống Donald Trump, bất ngờ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Cuối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Singapore năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố rằng, ông trì hoãn cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn – việc mà ông nói là “trò chơi chiến tranh quá tốn kém”.
Tuyên bố này đã làm cả Lầu Năm Góc và phía Hàn Quốc ngạc nhiên.
Với thực tế như vậy, nhiều người nghĩ rằng, Tổng thống Donald Trump cũng có thể tạo ra cú sốc tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này tại Hà Nội.