Chính trị và Phát triển

Phong trào khởi nghiệp của sinh viên trong bối cảnh hiện nay

Đăng lúc: 17:08 22-09-2021 | 
Lượt xem: 4249

CT&PT – Hiện nay, khởi nghiệp là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Trong đó, phong trào khởi nghiệp của sinh viên chính là cơ hội để khai thác tốt nhất và tối đa mọi nguồn lực đổi mới và sáng tạo, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo ra nhiều việc làm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp, mà hình thức phổ biến nhất là thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh một lĩnh vực nào đó. 

Về đối tượng, bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể khởi nghiệp, không phân biệt giới tính và độ tuổi, thành thị hay nông thôn, chỉ cần một ý tưởng kinh doanh có khả năng thực hiện, có thể đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Khởi nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt, các công ty khởi nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo nguồn thu nhập cho người lao động. Bằng việc tạo ra lượng lớn việc làm cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế ở mức an toàn, khởi nghiệp thành công đã gián tiếp góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra như: trộm cắp, cờ bạc, đua xe…; đồng thời, góp phần giảm thiểu áp lực đối với nền kinh tế, trợ cấp xã hội, thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển.

Hiện nay, những ý tưởng khởi nghiệp được hình thành bởi các bạn trẻ đam mê làm giàu và sáng tạo, nhất là những bạn sinh viên đang đi học hoặc vừa ra trường ngày càng trở nên phổ biến. Những người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết, có sự nhanh nhạy và khả năng nắm bắt kiến thức, công nghệ mới, can đảm và khao khát khẳng định bản thân. Trong việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp, không thể không nói đến môi trường đào tạo người trẻ, sinh viên – đó là trường học. Trường học là nơi cung cấp kiến thức nền tảng, cơ sở lý thuyết vững chắc để sinh viên xác định kế hoạch cụ thể cho các dự án khởi nghiệp của mình. Nói cách khác, trường học là nơi sản sinh ý tưởng kinh doanh và thúc đẩy sự sáng tạo, tiền đề cho các dự án khởi nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều mô hình kinh doanh được nảy sinh từ nhu cầu học tập của sinh viên, nhằm phục vụ cộng đồng và xã hội. Trường học thực sự là môi trường lý tưởng, đóng vai trò tiên phong và quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công.

Thấy được tầm quan trọng và vai trò to lớn của phong trào khởi nghiệp đối với sự phát triển đất nước, năm 2016 được Đảng và Nhà nước chọn là “Năm Quốc gia khởi nghiệp” với những chủ trương, chính sách lớn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

2. Thực trạng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam trong thời gian qua

Để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Đảng và Nhà nước đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” nhằm mục tiêu: Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó, 50 doanh nghiệp kêu gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025: Hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm mục tiêu: Đến năm 2025, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp; 100% các đại học, học viện, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nhờ có chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã tích cực hỗ trợ và lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo tới sinh viên. Vì thế, phong trào khởi nghiệp của sinh viên tại Việt Nam đã có những khởi sắc, hướng tới mục tiêu tạo dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp với các yếu tố thuận lợi: sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu vượt bậc về công nghệ mới; thế hệ trẻ Việt Nam có lực lượng đông đảo, ham học hỏi, say mê sáng tạo. Bối cảnh mới và đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc là thuận lợi cơ bản nhất để phong trào khởi nghiệp thành công.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên với trọng tâm là Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV- STARTUP) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Sau 3 năm triển khai, cuộc thi đã thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên tham gia với các dự án chất lượng ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2018, có hơn 200 ý tưởng/dự án tham dự; năm 2019 con số này tăng lên gần 400; và đến năm 2020, đã có hơn 600 ý tưởng/dự án tham dự cuộc thi1.

Trong quá trình khởi nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên có cơ hội triển khai; tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. Có thể kể tên một số phong trào khởi nghiệp sinh viên tiêu biểu:

– Dự án khởi nghiệp thành lập ứng dụng WORKSVN – “Cổng thông tin kết nối Nhà trường và Doanh nghiệp” của nhóm sinh viên khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là dự án đem lại lợi ích cho cộng đồng, sinh viên, nhà trường, nhà tuyển dụng và xã hội;

– Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức năm 2017 với hai dự án đạt giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam”, mục tiêu của các dự án là biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh thông qua hỗ trợ toàn diện từ doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững.

– Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, rèn luyện kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực, hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp. Năm 2020, chủ đề của Cuộc thi là “Smart up for life”, hướng tới những sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ các lĩnh vực của cuộc sống như: giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…

Tóm lại, trong thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của sinh viên đã bước đầu đạt được kết quả nhất định: trang bị cho sinh viên kiến thức về khởi nghiệp; rèn luyện tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ, giúp họ dần trưởng thành, trở thành những người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đồng thời, khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới. Cùng với đó, phong trào khởi nghiệp của sinh viên đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước:

Thứ nhất, chương trình khởi nghiệp sinh viên đã tạo ra một lực lượng lao động lớn mà phần đông là những người trẻ có tinh thần chủ động, sáng tạo, đặc biệt là sự nhanh nhạy, nắm bắt nhanh khoa học và công nghệ, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường. Thông qua các hoạt động và chương trình khởi nghiệp, sinh viên trở nên tự tin, năng động, có ý thức hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của bản thân, từ đó nắm bắt những cơ hội cho tương lai vì sự phát triển chung của xã hội.

Thứ hai, xuất phát từ các dự án khởi nghiệp sáng tạo thành công của sinh viên, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã ra đời và trở thành yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường. Bản thân mỗi doanh nghiệp lại có vai trò lớn trong việc liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tiếp tục hợp tác và mở rộng, tạo điều kiện cho sinh viên hình thành ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, cùng đội ngũ lao động trẻ, dồi dào đã góp phần hình thành nên một nền kinh tế năng động, sáng tạo, chủ động đón đầu sự phát triển của khoa học hiện đại, nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào khởi nghiệp của sinh viên vẫn còn một số những hạn chế như:

Một là, hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp cho sinh viên tại các trường đại học còn chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ trường đại học trên số doanh nghiệp tại Việt Nam là rất nhỏ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hai là, hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng chưa được triển khai rộng rãi. Hiện nay, một số trường đã có sinh viên tham gia chương trình “Khởi nghiệp quốc gia” dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, song mới chỉ dừng lại ở các hoạt động nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo ra động lực thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp.

Ba là, có 10/120 trường báo cáo đã bước đầu hình thành các câu lạc bộ “Vườn ươm doanh nhân”. Song, việc sinh hoạt và tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ này chưa thực sự hiệu quả do thiếu đội ngũ cố vấn hoặc do các thầy, cô chưa có đủ thời gian để hỗ trợ sinh viên.

Bốn là, thông tin khởi nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi. Qua một khảo sát đối với sinh viên của một số trường đại học cho thấy, 66,6% sinh viên hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp. Số lượng sinh viên biết đến các chương trình khởi nghiệp chỉ đạt 33,4%, và trên thực tế, số lượng sinh viên tham gia các chương trình khởi nghiệp do VCCI khởi xướng hằng năm chỉ đạt 0.016%2.

Năm là, các hoạt động khởi nghiệp mới chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ sinh viên theo học các ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin tham gia. Các cuộc thi về khởi nghiệp chưa thực sự tạo được động lực đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng; chưa thực sự hỗ trợ toàn diện về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và lập nghiệp đối với sinh viên.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào khởi nghiệp của sinh viên

Một là, tiếp tục bổ sung các chính sách ưu tiên về khởi nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên

Các cơ quan, ban ngành cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên lớn mạnh, giúp sinh viên có động lực và tự tin vào khả năng của bản thân, sẵn sàng đương đầu với thử thách để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, góp phần hình thành nên một nền kinh tế trẻ, năng động và hiệu quả.

Hai là, tích cực triển khai hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của phong trào khởi nghiệp trong sinh viên

Các trường đại học, cao đẳng cần tăng cường công tác truyền thông để tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhà trường, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được thể hiện bản thân, được trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường.

Đẩy mạnh vai trò của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên của các trường trong việc tạo ra các sân chơi, đề xuất ý tưởng và tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Ba là, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt chú trọng nhu cầu của thị trường lao động

Cần đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo, gắn giáo dục và đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, có định hướng rõ ràng trong việc ưu tiên các chính sách và nguồn lực cho các ngành STEM (thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Mathematics – Toán học). Sinh viên cần được bồi dưỡng, rèn luyện tinh thần doanh nhân, tư duy đổi mới, sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, cần tạo dựng văn hóa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ, nhất là đối với sinh viên, để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sinh viên đã có ý chí tự thân lập nghiệp, sẵn sàng cho tương lai, cống hiến năng lực của bản thân vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, tăng cường thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, tập đoàn đối với các dự án được hình thành từ ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước, việc tìm kiếm đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, tập đoàn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên là hết sức cần thiết, tạo động lực lớn đối với các ý tưởng khởi nghiệp. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE) là hai tổ chức phi chính phủ tiêu biểu đã và đang đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân và doanh nghiệp xã hội, áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường đặc biệt trong hệ thống các trường đại học.

Bên cạnh đó, cần xây dựng điểm sáng tạo trong các cơ sở đào tạo về không gian làm việc chung; xây dựng dữ liệu học liệu thông qua mạng để chia sẻ tri thức, đóng góp thiết thực cho phong trào khởi nghiệp của sinh viên.

1. Trung tâm Truyền thông Giáo dục: Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 22/12/2020, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=7147.

2. Tinh thần khởi nghiệp của sinh viên đang ở đâu?,  Trang thông tin điện tử Đại học Hoa Sen, ngày 07/12/2018, https://news.hoasen.edu.vn/vi/tin-hoa-sen/tinh-than-khoi-nghiep-cua-sinh-vien-viet-nam-dang-o-dau-5263.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015”.

3. Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

4. Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, Hà Nội, 2018.

TS. NGUYỄN THỊ NHƯ

ThS. TẠ THỊ HOA BAN

Đại học Hà Nội

Chia sẻ: