Chính sách tài khóa là gì? Phân biệt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là gì? Phân biệt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là công cụ giúp nhà nước cải thiện, ổn định tình hình kinh tế thông qua chính sách thuế và đầu tư, chi tiêu của chính phủ. Vậy chính sách tài khóa là gì, tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế như thế nào, hãy cùng tìm hiểu mọi thông tin cần thiết trong bài viết này.

Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là hệ thống các chính sách tài chính đề cập đến việc sử dụng chính sách thuế và chính sách chi tiêu của chính phủ để tác động đến các điều kiện kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa thể hiện quan điểm, cơ chế và phương thức huy động các nguồn lực tài chính hình thành ngân sách nhà nước để thực hiện các khoản chi cần thiết trong mỗi thời kỳ.

Chính sách này bao gồm tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ, việc làm, lạm phát, tăng trưởng kinh tế,…Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, chính phủ có thể tăng chi tiêu hay giảm thuế suất để kích thích nhu cầu và thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Ngược lại, để chống lại lạm phát, chính phủ có thể tăng lãi suất hoặc cắt giảm chi tiêu để hạ nhiệt nền kinh tế. 

Chính sách tài khóa là chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ thực hiện

Phân loại chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa mở rộng

Chính sách tài khóa mở rộng (Expansionary Policy) là việc Chính phủ thực hiện tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế, hay kết hợp cả hai giúp tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách tài khóa mở rộng được sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng chậm với các ưu điểm:

  • Tạo cơ hội việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định, từ đó sẽ chi nhiều tiền hơn trong tương lai. 

  • Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để họ đầu tư và phát triển. Từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động giúp phát triển nền kinh tế. 

Chính sách tài khóa mở rộng thường được đặc trưng bởi thâm hụt chi tiêu. Điều này xảy ra khi chi tiêu của chính phủ vượt quá thu từ thuế và các nguồn khác. Trên thực tế, chi tiêu thâm hụt có xu hướng là kết quả của sự kết hợp giữa cắt giảm thuế và chi tiêu nhiều hơn. Chính sách này thường được kết hợp với chính sách tiền tệ giúp thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển nền kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Chính sách tài khóa thắt chặt

Chính sách tài khóa thắt chặt (Contractionary Policy) là việc Chính phủ thực hiện giảm chi tiêu công, tăng nguồn thu từ thuế, hay kết hợp cả hai. Những việc này giúp giảm tổng cầu, khiến nền kinh tế không phát triển quá nóng. Chính sách này được áp dụng để đưa nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, thiếu ổn định, lạm phát cao trở về trạng thái cân bằng và ổn định hơn.

Hiểu đơn giản là khi chính phủ giảm chi tiêu công, tăng thuế, kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại khiến người dân có ít tiền hơn. Khi cầu giảm, doanh nghiệp sẽ sản xuất hàng hóa ít hơn. Điều này giúp cung cầu được cân bằng, từ đó giúp kiểm soát lạm phát. Nếu chính sách tài khóa mở rộng liên quan đến thâm hụt chi tiêu thì chính sách tài khóa thắt chặt được đặc trưng bởi thặng dư ngân sách. 

Các công cụ của chính sách tài khóa và cách thức hoạt động

Chi tiêu của chính phủ

Chi tiêu của chính phủ gồm có chi mua hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng, cụ thể:

  • Chi mua hàng hóa dịch vụ là Chính phủ sử dụng ngân sách đầu tư cho quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hay trả tiền lương cho cán bộ nhà nước…

  • Chi chuyển nhượng là Chính phủ chi ngân sách trợ cấp những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, thương bệnh binh…

Cả hai khoản chi trên tác động trực tiếp hay gián tiếp tới tổng cầu của nền kinh tế. Nếu Chính phủ chi mua hàng hóa dịch vụ thì cầu hàng hóa tăng, trực tiếp làm tăng tổng cầu. Nếu Chính phủ chi ngân sách trợ cấp xã hội, thu nhập của người dân tăng thì sẽ mua sắm nhiều hơn, gián tiếp làm tăng tổng cầu.

Chi tiêu chính phủ tăng thì tổng cầu của nền kinh tế tăng, cầu tăng khiến cung tăng từ đó giúp nền kinh tế từng bước phục hồi và tăng trưởng, đạt được mục tiêu phát triển. Ngược lại, nếu chi tiêu chính phủ giảm thì tổng cầu giảm, ổn định lại sự phát triển quá nóng của nền kinh tế. 

Thuế

Thuế gồm có hai loại là thuế trực thu và thuế gián thu, cụ thể:

  • Thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp vào thu nhập, tài sản của người chịu thuế, và người chịu thuế cũng chính là người nộp thuế. Các loại thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thừa kế, thuế tài sản, thuế đất…

  • Thuế gián thu là thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá hàng hóa và dịch vụ, người chịu thuế không phải là người nộp thuế. Một số loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu… 

Nếu như chi tiêu chính phủ là chi ra, thì thuế là thu vào nên thuế có tác động ngược lại so với chi tiêu chính phủ. Nếu thuế tăng thì thu nhập của người dân giảm, họ sẽ giảm chi tiêu, từ đó tổng cầu giảm và GDP cũng giảm. Nếu thuế giảm thì giá cả hàng hóa dịch vụ giảm, người dân chi tiêu nhiều hơn, tổng cầu tăng và GDP đều tăng.

Công cụ của chính sách tài khóa là chi tiêu chính phủ và thuế

Tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế

  • Chính sách tài khóa là công cụ giúp Chính phủ tác động toàn diện đến nền kinh tế trong mọi trường hợp, từ đó ổn định lại nền kinh tế đang biến động.

  • Chính phủ dùng hai công cụ của chính sách tài khóa để phân bổ hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Với chính sách tài khóa, Chính phủ có thể tập trung phát triển một lĩnh vực trọng tâm của quốc gia.

  • Đây là công cụ hiệu quả giúp phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân, tạo ra một môi trường an toàn, ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.

  • Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tài khóa là tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.

Chính sách tài khóa ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế

Phân biệt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Theo dõi bảng phân tích dưới đây để thấy được sự khác biệt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. 

Chính sách tài khóa

Chính sách tiền tệ

Định nghĩa

Liên quan đến việc chính phủ thay đổi thuế suất và mức chi tiêu của chính phủ để tác động đến tổng cầu trong nền kinh tế

Liên quan đến việc thay đổi lãi suất và ảnh hưởng đến cung tiền

Mục đích

Kiểm soát tổng cầu giúp tăng sản lượng, tăng cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế

Kiểm soát cung tiền để ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái, dòng tiền, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát,…

Người tạo chính sách

Chính phủ

Ngân hàng trung ương

Công cụ thực hiện

Thuế và chi tiêu của chính phủ

Lãi suất, tỷ giá hối đoái, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở,…

Lời kết

Trên đây là những thông tin cơ bản về chính sách tài khóa cũng như sự khác biệt của chính sách này với chính sách tiền tệ giúp hỗ trợ trong quá trình đầu tư. Đừng quên thường xuyên theo dõi những tin tức mới nhất về thị trường chứng khoán hôm nay tại Stock Insight  để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!