Chính sách công ở Việt Nam:Lý luận và thực tiễn | HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA

Trên các ấn phẩm ở Việt Nam những năm gần đây, thuật ngữ “Chính sách công” được sử dụng với nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về chính sách công ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn; nhiều vấn đề liên quan đến chính sách công cần phải tiếp tục được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ có hạn, bài viết dừng lại ở góc độ nhận thức khái lược bước đầu về lý luận và thực tiễn “Chính sách công” ở nước ta.

Chính sách công

Ở các nước phát triển và các tổ chức kinh tế quốc tế, thuật ngữ “Chính sách công” được sử dụng rất phổ biến. Có thể nêu ra một số quan niệm sau:

Chính sách công bao gồm các hoạt động thực tế do chính phủ tiến hành (Peter Aucoin, 1971).

Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm các nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt các mục tiêu đó (William Jenkin, 1978).

Chính sách công là cái mà chính phủ lựa chọn làm hay không làm (Thomas R. Dye, 1984).

Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân (B. Guy Peter, 1990).

Chính sách công là một kết hợp phức tạp những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra (William N. Dunn, 1992).

Chính sách công bao gồm các quyết định chính trị để thực hiện các chương trình nhằm đạt được những mục tiêu xã hội (Charle L. Cochran and Eloise F. Malone, 1995).

Nói cách đơn giản nhất, chính sách công là tổng hợp các hoạt động của chính phủ/chính quyền, trực tiếp hoặc thông qua tác nhân bởi vì nó có ảnh hưởng tới đời sống của công dân (B. Guy Peters, 1999).

Thuật ngữ chính sách công luôn chỉ những hành động của chính phủ/chính quyền và những ý định quyết định hành động này; hoặc chính sách công là kết quả của cuộc đấu tranh trong chính quyền để ai giành được cái gì (Clarke E. Cochran, et al, 1999).

Chính sách là một quá trình hành động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề (James Anderson, 2003).

Chính sách công là một quá trình hành động hoặc không hành động của chính quyền để đáp lại một vấn đề công cộng. Nó được kết hợp với các cách thức và mục tiêu chính sách đã được chấp thuận một cách chính thức, cũng như các quy định và thông lệ của các cơ quan chức năng thực hiện những chương trình (Kraft and Furlong, 2004).

Từ các quan niệm trên, chính sách công có thể được nhìn nhận như sau:

Trước hết, là một chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của mỗi nước.

Thứ hai, về mặt kinh tế, chính sách công phản ánh và thể hiện hoạt động cũng như quản lý đối với khu vực công, phản ánh việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cộng cho nền kinh tế.

Thứ ba, là một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để: (i) Khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cho nền kinh tế, khuyến khích cả với khu vực công và cả với khu vực tư; (ii) Quản lý nguồn lực công một cách hiệu quả, hiệu lực, thiết thực đối với cả kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn. Nói cách khác chính sách công là một trong những căn cứ đo lường năng lực hoạch định chính sách, xác định mục tiêu, căn cứ kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực công như ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên đất nước.

Thực tiễn chính sách công ở một số quốc gia và ở Việt Nam

Qua thực tế hoạt động của khu vực công ở nhiều quốc gia, qua đánh giá của nhiều chuyên gia ở nhiều tổ chức liên quan của nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, có thể thấy:

Thứ nhất, ở các quốc gia, chính sách công và quản lý đối với khu vực công là chưa tốt, chưa hiệu quả. Bởi vì, mọi chính sách công đều liên quan tới sử dụng nguồn lực công (như tiền, tài sản, tài nguyên,…); các nước, trong hoạch định chính sách công chưa phản ánh đúng mục tiêu và những ràng buộc hữu hiệu đối với việc sử dụng nguồn lực công. Các thiếu sót, sai lầm thường thể hiện ở các góc độ sau: Xây dựng, hoạch định, đề ra chính sách công chưa đúng thực tế, nhiều tham vọng lớn, kỳ vọng quá cao; Trong tổ chức thực thi chính sách công, quản lý chính sách công còn yếu kém; Đánh giá hiệu quả, hiệu lực của chính sách công chưa thuyết phục, khách quan.

Nói chung chính sách công còn thiếu tính rõ ràng, chưa có căn cứ thỏa đáng, thuyết phục. Đối với khu vực tư còn bị gò bó, cản trở, thậm chí có tính kìm hãm, đối với khu vực công có tính chất còn lạm dụng, gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.

Quy trình soạn thảo chính hiện nay ở Việt Nam

Thứ hai, đối với các tổ chức nghiên cứu về chính sách công.

Các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức có tính chuyên môn cao liên quan về chính sách công ở nhiều quốc gia, quốc tế đã có nhiều hoạt động, nhiều đóng góp về mặt lý thuyết. Về thực tiễn, thông qua các dự án khác nhau, các tổ chức nghiên cứu trên đã hỗ trợ các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để nâng cao năng lực hoạch định, quản lý, thực thi, đánh giá chính sách công của nước mình, song tốn kém và hiệu quả hỗ trợ còn hạn chế. Lý do là do sự tiếp cận cả về lý thuyết lẫn kỹ thuật, công nghệ hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách công còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, nhiều vấn đề chính sách ở Việt Nam đang được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ. Trong diễn đàn Quốc hội, đã có những ý kiến bàn về vai trò của các nhóm tư vấn, nghiên cứu độc lập, có đề xuất về việc các đại biểu quốc hội nên được trao quyền trình các dự án luật… Tuy nhiên, theo GS. Kenichi Ohno, Việt Nam đang có một quy trình hoạch định chính sách có một không hai. Hầu hết chính sách được xây dựng với sự can dự hạn chế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được phép có ý kiến sau hoặc khi có vấn đề phát sinh. Chính sách được xây dựng trên cơ sở các phân tích và mục tiêu không thực tế, không được giới doanh nghiệp ủng hộ. Hơn nữa, các chính sách không có sự phối hợp giữa các Bộ, chỉ là bản liệt kê các chính sách mà thiếu kế hoạch hành động cụ thể. Mỗi Bộ ngành có nhiều kế hoạch nhưng lại không xác định được lĩnh vực ưu tiên. Vì vậy, Việt Nam nên bắt đầu một quy trình hoạch định chính sách mới, với sự tham gia cả tất cả các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nước ngoài, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia. Đôi khi, các doanh nghiệp hoặc các nhà khoa học có thể vạch ra một chiến lược trình Chính phủ. Chính sách không đơn thuần chỉ là một văn bản hành chính của Nhà nước.

Qua nghiên cứu và vận dụng chính sách công ở Việt Nam, có thể thấy: (1) Đây là vấn đề là khá mới ở nước ta, vì trước đây vẫn có quan niệm về tài sản công, sử dụng nguồn lực công, nhưng theo quan niệm, theo nhận thức công hữu, sở hữu công cộng, của chung đất nước, của toàn dân. Do nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ về chính sách công theo quan niệm mới, hiện đại nên trên thực tế việc tổ chức thực thi chính sách quản lý còn nhiều yếu kém, lãng phí. Vì vậy, cần phải làm rõ nội hàm chính sách công, cả từ khái niệm, các phạm trù, nội dung, các đặc điểm, các yếu tố tác động, chi phối chính sách công. (2)Nghiên cứu về chính sách công ở Việt Nam cần đặt trong bối cảnh đang trong quá trình chuyển đổi, vừa xóa cũ, vừa tiếp thu cái mới, tính đan xen giữa cơ hội và thách thức như một tất yếu, có thành, có bại, do đó phải có niềm tin, có định hướng cơ bản về vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, cần phải có cách tiếp cận hệ thống, cơ bản, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, thu hút chuyên gia về chính sách công, hợp tác quốc tế với các trung tâm, các viện nghiên cứu ở các nước về lĩnh vực chính sách công, nhất là với các nước phát triển./.


Theo (TS. Đặng Ngọc Lợi – Tạp chí kinh tế và dự báo)

Nguồn : thanhtra.edu.vn