Chính “chỉ tiêu” đã tước quyền lưu ban/cho lưu ban của cả thầy và trò – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Việc học sinh không có quyền lưu ban đều xuất phát từ 2 tiếng chỉ tiêu. Vì thế, bỏ chỉ tiêu thi đua cũng chính là đưa giáo dục trở về với giá trị thật vốn có.
Thời chúng tôi còn đi học, mỗi lần học sinh nào đó lơ là trong học tập thường được nghe thầy cô dọa “cho ở lại lớp”, chỉ nghe 3 tiếng ấy là đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt và chăm chỉ học tập ngay.
30 năm trong nghề thì gần 10 năm đầu (từ 1994 đến khoảng 2007) giáo viên chúng tôi vẫn luôn sử dụng “câu thần chú” này để học sinh chăm lo học hành. Tuy nhiên, những năm từ 2007 trở về sau, cho đến nay câu thần chú “ở lại lớp” đã mất hẳn.
Giáo viên không những không bao giờ nói trước học sinh câu nói ấy vì nói cũng bằng thừa, chính học sinh cũng nhận ra rằng học có yếu thế nào cuối cùng cũng được lên lớp thôi.
Điều vô lý, chính phụ huynh có nhu cầu cho con được ở lại lớp để lấy lại căn bản về kiến thức cũng còn không được. Thời trước là bị lưu ban nhưng nay lưu ban được xem là “quyền”, là ‘đặc ân” chỉ dành cho một số rất ít học sinh vô cùng đặc biệt.
Không ít người ngoài ngành đặt câu hỏi “Ai đã tước quyền lưu ban của học sinh?”. Là giáo viên? Hay là Ban giám hiệu?
Trong thực tế thì chưa có một hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nào ra lệnh cho giáo viên buộc học sinh yếu phải lên lớp. Chưa có một văn bản, một quy định nào ở trường học không cho phép học sinh yếu lưu ban.
Nhìn ngoài là thế, nhưng chỉ giáo viên mới biết, mới hiểu sức mạnh của “sóng ngầm”, mới hiểu vì sao mình khó có thể làm khác.
“Học sinh yếu là do thầy cô dạy yếu”
Học sinh thì có em này, em kia. Có em thông minh nhanh nhẹn, học một hiểu mười, nhưng cũng có không ít em trí tuệ phát triển chậm nên giảng hoài vẫn không thể tiếp thu kịp.
Một em còn đỡ, có lớp xui xẻo gặp tới vài ba em có vấn đề về nhận thức, có những bé trí não không bình thường, thay vì làm giấy xác nhận khuyết tật nhưng nhiều gia đình không chịu.
Những bé này vẫn phải học như các bạn, không đánh giá được dưới chuẩn. Vì thế, nếu ở lại cũng bị tính chỉ tiêu.
Tuy nhiên, để gây sức ép cho giáo viên không được cho học sinh ở lại lớp, họ thường quy chụp kiểu học sinh yếu là do giáo viên dạy chưa nhiệt tình, dạy chưa đúng phương pháp.
Có lần, tôi đánh giá 4 học sinh đạt loại yếu. Phó hiệu trưởng nhà trường lúc đó nói rằng, tỷ lệ học sinh yếu của lớp cô khá cao nên từ tuần sau tôi sẽ thường xuyên vào lớp dự giờ xem cô dạy dỗ thế nào.
Là giáo viên, ai muốn giờ dạy của mình luôn có một người ngồi bên dưới nói là dự giờ nhưng thực chất ngồi xăm soi nhìn để bắt lỗi? Không muốn điều đó xảy ra thì chỉ còn cách đừng đánh giá học sinh bị yếu.
Học sinh yếu, giáo viên phải bồi dưỡng trong hè
Cuối năm học, tôi và một số đồng nghiệp có học sinh yếu lưu ban. Hiệu trưởng nhà trường lúc đó, yêu cầu các thầy cô giáo lên kế hoạch ôn tập cho các em để tổ chức kiểm tra lại. Hiệu trưởng nói, kiểm tra lần 1 không đậu thì kiểm tra lần 2, nếu lần 2 không được thì kiểm tra lần 3.
Dạy suốt cả năm học, giáo viên chỉ được nghỉ 2 tháng hè nhưng lại được yêu cầu phải xuống trường (hoặc chở học sinh yếu về nhà) dạy phụ đạo.
Rồi lên kế hoạch ôn luyện, ra đề kiểm tra, chấm…thử hỏi giáo viên nào không cảm thấy phiền và mệt mỏi? Giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu đầu năm sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Trường học nào thì đầu năm cũng đưa ra biết bao là chỉ tiêu. Nào là chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu huy động trẻ đến trường, chỉ tiêu về phổ cập, chỉ tiêu hiệu quả đào tạo…
Từng tổ, từng giáo viên cũng thống nhất chỉ tiêu (không thống nhất cũng không được) và bắt buộc thực hiện. Chỉ tiêu luôn ở mức 98 đến 99%, nghĩa là một lớp chỉ cần 1 em lưu ban cũng đã vượt chỉ tiêu đăng ký.
Khi giáo viên không đạt chỉ tiêu đăng ký, ít thì xếp hoàn thành nhiệm vụ (mức thấp), nhiều rất dễ rơi vào khung không hoàn thành nhiệm vụ.
Chẳng có giáo viên nào đi dạy mà muốn mình xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thế, chẳng ai bảo ai cũng tự biết phải làm gì với những học sinh yếu kém.
Tất cả cũng tại 2 chữ “chỉ tiêu”
Không phải ban giám hiệu muốn gây sức ép cho giáo viên bởi suy cho cùng ban giám hiệu cũng từ giáo viên mà ra nên nhiều lãnh đạo rất thông cảm và thấu hiểu. Tuy nhiên, chính họ cũng chịu áp lực từ trên xuống, và cũng như giáo viên không thể làm khác.
Hiệu trưởng cũng phải chịu sức ép từ phòng giáo dục. Có lần, họp tổng kết năm học toàn ngành, trường tôi đã bị nêu tên vì chất lượng dạy học chưa tốt nên mới có nhiều học sinh xếp loại chưa hoàn thành.
Chưa dừng lại ở đó, nhà trường phải nêu nguyên nhân, hướng khắc phục trong thời gian tới. Học sinh lưu ban nhiều sẽ ảnh hưởng đến phổ cập giáo dục nên phòng giáo dục cũng đâu có được yên. Chỉ cần một trường học không đạt phổ cập giáo dục thì cả xã phường, kéo theo cả huyện thị ấy cũng không thể đạt.
Có thể thấy, nguồn gốc sâu xa dẫn đến việc học sinh không có quyền lưu ban đều xuất phát từ 2 tiếng chỉ tiêu. Vì thế, bỏ chỉ tiêu thi đua cũng chính là đưa giáo dục trở về với giá trị thật vốn có.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thuận Phương