Chiến lược sản phẩm (Product strategy) là gì? Hướng tìm hiểu
Chiến lược sản phẩm (tiếng Anh: Product strategy) là các quyết định về sản phẩm của dự án do cấp quản lí cao nhất đưa ra, chiến lược sản phẩm quyết định sự thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của dự án và có tác động đến các quyết định khác.
Hình minh hoạ (Nguồn: tec)
Chiến lược sản phẩm
Khái niệm
Chiến lược sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là Product strategy.
Chiến lược sản phẩm là các quyết định về sản phẩm của dự án do cấp quản lí cao nhất đưa ra, chiến lược sản phẩm quyết định sự thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của dự án và có tác động đến các quyết định khác.
Theo John Fayerwaeher đưa ra 5 đặc điểm chủ yếu của sản phẩm: chức năng chủ yếu, chức năng bổ sung, thời gian tồn tại và chất lượng, các điều kiện sử dụng, duy trì và bảo dưỡng sản phẩm.
Việc sản xuất sản phẩm nào, tính chất, đặc điểm, các thông số kĩ thuật cũng như các thông tin cơ bản về sản phẩm cần phải nêu ra trong dự án đầu tư để xem xét (theo qui định hiện hành về nội dung cần nghiên cứu của dự án đầu tư).
Hướng tìm hiểu sản phẩm
Cần tiến hành tìm hiểu sản phẩm hiện đã có trên thị trường theo hai hướng: tiêu chuẩn hóa hay thích nghi hóa. Tùy thuộc vào sản phẩm mà dự án sẽ sản xuất để ra quyết định chiến lược về sản phẩm thích hợp.
Sản phẩm có thể được sản xuất theo tiêu chuẩn hóa đối với các sản phẩm có tính chất công nghiệp hay sản phẩm hóa học. Ngược lại, đối với các sản phẩm thực phẩm thì rất khó tiêu chuẩn hóa do thói quen, thị hiếu tiêu dùng khác nhau.
Đối với chiến lược thích ứng hóa sản phẩm cần phải xét đến ý thích và sở thích của người tiêu dùng, khả năng và chi phí cải tiến sản phẩm, các qui định và thể chế của nước nhập khẩu, hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm sản xuất để bán ra thị trường nước ngoài, khả năng thích nghi của sản phẩm với môi trường công nghệ, tự nhiên.
Căn cứ tìm hiểu tiềm năng phát triển của sản phẩm
Khi xem xét chiến lược sản phẩm đòi hỏi dự án phải tìm hiểu tiềm năng phát triển của sản phẩm trên các thị trường khác nhau. Để giải quyết được vấn đề này cần căn cứ vào các nhân tố sau:
– Thị trường: cầu thị trường, khả năng cạnh tranh…
– Sản phẩm: quan hệ giữa chi phí và khối lượng, khả năng thay đổi sản phẩm
– Mục tiêu và khả năng của dự án
– Việc xác định chiến lược về sản phẩm cần phải tiến hành xem xét xem việc bán sản phẩm ra thị trường bên ngoài có xu hướng như thế nào?
Các yếu tố vật chất như kích cỡ, màu sắc, bao bì và các dịch vụ hỗ trợ của sản phẩm sẽ ra sao? Việc lựa chọn chiến lược sản phẩm phụ thuộc vào quan hệ sản phẩm – thị trường – doanh nghiệp.
– Chiến lược sản phẩm còn đề cập đến chiến lược nhãn hiệu sản phẩm. Cần xác định sẽ thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm mà dự án sản xuất như thế nào? Nhãn hiệu đó đã có trên thị trường hay chưa?
– Chiến lược sản phẩm cũng bao gồm cả các dịch vụ gắn liền với sản phẩm như điều kiện sử dụng sản phẩm, khả năng, yêu cầu tổ chức bảo dưỡng sản phẩm, đặc biệt quan trọng nhất là các điều kiện sử dụng sản phẩm.
Các điều kiện này phụ thuộc vào nhân tố như: trình độ, học thức của người sử dụng, tính kĩ thuật của sản phẩm, tài liệu hướng dẫn sử dụng…
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về dự án đầu tư và công tác lập dự án đầu tư, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)