Chia sẻ trải nghiệm sử dụng dịch vụ trung tâm chăm sóc mẹ và bé sau sinh ở Đài Loan – Tôi ở Đài Loan
Đài Loan được biết đến là nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu trên thế giới. Vì vậy mà từ dịch vụ sinh nở cho đến chăm sóc sức khỏe sau sinh đều trên cả tuyệt vời tuyệt vời. Dưới đây là chia sẻ rất chi tiết của chị Hà về trải nghiệm sử dụng dịch vụ trung tâm chăm sóc mẹ và bé (月子中心 ,từ sau viết tắt là TTCSM&B ) ở Đài Loan. Các bạn sắp sinh em bé có thể tham khảo dịch vụ này để tránh tình trạng mệt mỏi quá độ và trầm cảm sau sinh nhé!
(Bài viết do chị Thu Hà thực hiện được Tôi ở Đài Loan biên tập và đăng tải. Cảm ơn chị Hà vì một bài viết rất chi tiết và hữu ích cho các bạn khác)
Có 3 dịch vụ mọi người thường nhắc đến sau khi đẻ ở ĐL: TTCSM&B, bảo mẫu tại gia theo giờ và dịch vụ giao cơm cho mẹ sau sinh.
1. TTCSM&B
Trong các câu chuyện đi đẻ, bạn bè thường nhắc đến mấy câu chuyện cười kiểu như “vợ tao chỉ vì phải về nhà sớm không được ở lại TTCSM&B mà đến giờ còn chửi tao”, “biết vậy hồi đó tôi ở TTCSM&B lâu hơn, về nhà sớm khổ vãi”, “rút kinh nghiệm đẻ đứa thứ nhất, đứa thứ 2 tôi đẻ xong cứ ở TTCSM&B cả tháng mới về nhà”… vân vân và mây mây. Có nghìn lẻ câu chuyện xoay quanh TTCSM&B kể mãi không hết. Đây là nơi mà hầu hết các mẹ ở Đài Loan đều muốn ở 1 tháng trước khi về nhà, không kể là về nhà có ông bà chăm giúp hay không.
Dịch vụ cũng như tên gọi, TTCSM&B giống như 1 khách sạn / nơi nghỉ dưỡng có cả y tá bác sĩ, chuyên viên sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục… để giúp mẹ học và làm quen cách chăm sóc con, đồng thời chăm bé giúp mẹ khi mẹ cần nghỉ ngơi vì sức khoẻ sau sinh chưa hồi phục, tinh thần chưa chuẩn bị sẵn sàng để đồng hành cùng em bé 24/24…
Các bạn có thể tham khảo địa chỉ các TTCSM&B tại đây: https://davidhuang1219.pixnet.net/blog/post/326118618
TTCSM&B mình chọn trực thuộc viện công mình đẻ. Lý do chọn cũng như chọn viện : gần nhà, rẻ, có bác sĩ mình muốn đi khám. Vì vậy mà đẻ xong 3 đêm ở viện là mình đi thẳng sang TTCSM&B.
Cơ sở thiết bị TTCSM&B mình chọn thuộc loại “cơ bản” nhất. Phòng ngủ như hình, có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng. Ngoài ra còn có trung tâm y tá: phòng tiệt trùng nơi các y tá chăm sóc em bé, bình thường người lớn (gồm cả bố mẹ) không thể vào; phòng thư giãn cho mẹ (gồm có ghế massage, dụng cụ thể thao, phòng họp để các mẹ tham gia các khoá học). Và cả nơi để mẹ lấy nước uống, lấy quần áo chăn gối mới…
Mấy ngày đầu tiên vào TTCSM&B, mình còn mệt mỏi sau sinh + chưa biết chăm em bé thế nào nên thời gian ở cùng em bé khá ngắn. Bé cứ bú xong là mình cho về trung tâm, thay tã cũng nhờ y tá làm. Dần dần quen tay mình để bé ở cùng cả ngày, tối mới đưa về trung tâm. Lúc nào buồn chán thì mình thông báo với y tá 1 tiếng rồi 1 mình ra ngoài đi dạo. Nhờ vậy mà thời gian mới sinh, tâm trạng mình luôn thoải mái và nhiều thời gian rảnh rỗi.
Việc ăn uống trong viện cũng giống VN: ăn nhiều bữa và nhiều đồ bổ. Ngày 3 bữa chính 2 bữa phụ, mỗi bữa chính đảm bảo rau thịt cá hoa quả đầy đủ, bữa phụ hay bữa chính thì đều rất nhiều canh / trà. Quan sát các món ăn và học lớp dinh dưỡng dành cho mẹ cho con bú 1 tiếng ở đây là các mẹ hòm hòm biết về nhà nấu nấu nướng nướng ra sao rồi.
Một bữa trưa ở TTCSM&B (Ảnh: Thu Hà)
Chi phí ở TTCSM&B khá tốn kém, từ lúc mang thai có lẽ đây là nơi mình chi tiêu nhiều nhất : nơi mình ở 1 ngày gần 4tr VND (4800 NDT), đây đã là giá rẻ nhất nhì ở Taipei. Các trung tâm ở ngoài có thể giá mắc gấp đôi. Nhưng bù lại, dịch vụ tư thì phòng đẹp như khách sạn (màu sắc trang trí), nhiều lớp học cho các mẹ hơn (như lớp massage cho bé, lớp chọn tên cho bé…), nhiều hoạt động hơn (tặng quà khuyến khích mẹ dành nhiều thời gian chăm em…).
Ưu điểm của TTCSM&B thì khỏi nói rồi : được học cách chăm bé, được nhờ người chăm sóc em bé để thoải mái nghỉ ngơi mà không cảm thấy tội lỗi hay ngại ngùng. Tuy nhiên cũng có một hai điểm nho nhỏ mình không thích. Đơn cử là việc cho con ăn. Các y tá thường cho em bú theo yêu cầu của em mà không kể ngày tuổi. Con mình 3 ngày đã bú 60ml, 12 ngày đã bú 120ml. Con quấy khóc thì y tá sẽ cho con ăn thật nhiều để con yên tĩnh, sau đó mới là vỗ về ôm ấp. Hay như việc tắm rửa. Các bé thường tắm đêm vì ban ngày các mẹ thường đưa bé về phòng mẹ, đêm mới là lúc các bé tập trung lại 1 chỗ, y tá tắm một lượt sẽ tiện hơn nhiều.
2. Dịch vụ giao cơm cho mẹ sau sinh
Sau thời gian ở TTCSM&B, nếu các mẹ vừa muốn về nhà vừa muốn nghỉ ngơi thì có thể tham khảo 2 dịch vụ : bảo mẫu tại gia theo giờ và đặt cơm. Bảo mẫu của Đài Loan thì đảm bảo “chuyên nghiệp” : từ nấu cơm , làm việc nhà tới dạy mẹ cách chăm sóc con, một thằng bạn còn nói với mình : tao rất nhớ thời gian có bảo mẫu vì ngày nào cũng có cơm ngon ăn, còn có cả cơm hộp lên công ty nữa. Việc chọn thời gian và dịch vụ cũng đa dạng : từ 2-3 tiếng cho tới cả ngày, có nấu nướng hoặc không, có chăm em bé hoặc không…
Mình thì chọn đặt cơm cho mẹ sau sinh chứ không cần bảo mẫu. Vì sau thời gian ở TTCSM&B sức khoẻ mình đã 70% ok rồi, chỉ là chưa biết sắp xếp thời gian như nào khi gia đình có thành viên mới.
Cơm mình đặt đến theo bữa. Ngày 3 lần, đặt trong hộp giữ nhiệt. Ở Đài Loan đây là 1 dịch vụ riêng chứ không phải dịch vụ thêm thắt của cửa hàng, quán ăn. Nếu không có ai nấu cơm cho bạn sau sinh thì đây là dịch vụ đáng để cân nhắc. Sau thời gian 2 tuần đặt cơm thì mình đã có thể lên thời khoá biểu sinh hoạt mới cho 2 mẹ con, sức khoẻ cũng đã hồi phục rồi.
Một bữa sáng của dịch vụ đặt cơm sau sinh (Ảnh: Thu Hà)
Cho đến lúc này, khi bé đã gần đầy 2 tháng thì mình chưa thấy đẻ ở Đài Loan tốn kém gì trừ chi phí dùng dịch vụ sau sinh (TTCSM&B và đặt cơm sau sinh). So với vấn đề kinh tế, việc sắp xếp thời gian cho con có vẻ mới là vấn đề đau đầu cho các ông bố bà mẹ thời đại này.
Chị Hà chia sẻ:
“Cho đến lúc này, khi bé đã gần đầy 2 tháng thì mình chưa thấy đẻ ở Đài Loan tốn kém gì trừ chi phí dùng dịch vụ sau sinh (TTCSM&B và đặt cơm sau sinh). So với vấn đề kinh tế, việc sắp xếp thời gian cho con có vẻ mới là vấn đề đau đầu cho các ông bố bà mẹ thời đại này.”
Xem thêm:
Y tế Đài Loan: Chính trị gia xuất thân ngành y, góc nhìn từ những con số và trải nghiệm khám thai ở Đài Bắc
Chia sẻ kinh nghiệm tiêm vắc xin HPV ở Đài Loan ngừa ung thư cổ tử cung
Bài viết do chị Thu Hà và Tôi ở Đài Loan giữ quyền tác giả, vui lòng trích dẫn đầy đủ khi sử dụng.