Chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều

Bài hướng dẫn kỹ thuật trồng điều (còn gọi là cây đào lộn hột hay điều lộn hột) đây là giống cây lâu năm có tiềm năng kinh tế cao, thích nghi rộng, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, giá thu mua thành phẩm cao, góp phần giúp bà con cải thiện kinh tế. Bài viết được tổng hợp dựa trên kinh nghiệm thực tế kết hợp cùng tài liệu chuyên ngành uy tín, mời bà con cùng tham khảo

1, Tổng quan về cây điều

Cây điều là cây công nghiệp lâu năm thuộc họ xoài, có tên khoa học là Anacardium occidentale L., nguồn gốc từ Nam Mỹ, cây có tán rộng cao từ 3-9m, lá mọc so le, cuống ngắn, hoa nhỏ nở thành chùm, màu trắng, nhựa cây có mùi thơm đặc trưng, nhưng dễ gây kích ứng da khi tiếp xúc

Quả hình giống trái lê hoặc đào, chín màu vàng, cam hoặc đỏ, thịt quả mọng nước, có vị ngọt hoặc chát, mỗi quả có 1 hạt nằm bên ngoài. Hạt có chiều dài từ 2-3cm, hình thận, khi già có màu xám hoặc trắng. Chứa nhiều chất béo

Theo nghiên cứu đặc điểm thực vật, thực tế phần chúng ta gọi là quả chính là phần cuống của trái phình ra, khi nhìn tổng thể, ta có cảm giác hạt điều nằm bên ngoài trái điều, do đó chúng ta thường gọi cây điều là cây đào lộn hột hoặc điều lộn hột

Ở Việt Nam, cây điều được người Pháp mang đến trồng từ thế kỷ 18, tuy nhiên sau năm 1975 khi thống nhất đất nước, việc phát triển cây điều mới được chú trọng. Từ những năm 1990 Trung Tâm Điều thuộc Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam đã không ngừng nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn ra những giống điều cao sản, giúp Việt Nam dần đứng trong top 3 các nước xuất khẩu điều, hàng năm đóng góp từ 180.000 – 200.000 tấn trên tổng số sản lượng 1 triệu tấn điều toàn thế giới.

Sản phẩm thu hoạch từ cây điều chủ yếu là phần hạt, phục vụ cho sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, các loại dầu, ngoài ra một số sản phẩm từ cây điều còn giúp sản xuất các phụ gia trong ngành công nghiệp ô tô, chế tạo máy (lốp xe, dầu máy…)

Các địa phương thích hợp để trồng điều là vùng Đông Nam Bộ, Duyên Hải Miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.

2, Lựa chọn giống điều

Trước đây việc lựa chọn giống điều chủ yếu là tự phát, người dân thường lựa chọn những cây có năng suất cao, sinh trưởng mạnh để lấy hạt nhân giống, việc ươm từ hạt tạo ra sự lai tạo và phân ly giống rất lớn, không đáp ứng được năng suất mong muốn.

Do đó hiện nay đa phần các hộ canh tác thường sử dụng các giống điều ghép, ngoài các giống đã được định danh và cho phép lưu hành trên thị trường như giống điều PN1, giống điều AB29, giống điều AB0508, MH4/5, MH5/4… thì việc lựa chọn chồi để nhân giống điều phải đảm bảo cây mẹ có các chỉ tiêu như sau

  • Cây lấy chồi phải đang trong giai đoạn kinh doanh (8-15 tuổi) trở lên.
  • Năng suất cao và ổn định (20-40kg hạt/cây/năm – tương đương 2-4 tấn/ha)
  • Cành lá phát triển mạnh, trung bình 5 cành nhánh trên 1 cành chính
  • Có ít nhất 60% cành nhánh ra hoa, thời gian ra hoa kéo dài từ 30-60 ngày
  • Hoa lưỡng tính chiếm 10% trên một chùm hoa
  • Số lượng quả trên mỗi chùm ít nhất 5 chùm/quả
  • Số lượng hạt mỗi kg từ 120-150 hạt
  • Tỷ lệ thu hồi nhân từ 25-35%

3, Kỹ thuật nhân giống cây điều

a – Nhân giống hữu tính (từ hạt)

  • Chọn hạt giống to, đều, đủ độ già từ những cây mẹ có thông số như đã kể trên
  • Phơi hạt 2-3 nắng cất giữ nơi khô thoáng để duy trì tỷ lệ nảy mầm
  • Trước khi ươm hạt cần thả hạt trong nước muối 3-5%, loại bỏ những hạt nổi
  • Ngâm hạt trong 24-48 tiếng, rửa lại bằng nước sạch
  • Hạt có thể ươm trực tiếp trong bầu ươm không cần qua khâu ủ hạt chờ nảy mầm
  • Khi đặt hạt vào bầu ươm, cho chiều cong úp xuống, cuốn hạt quay về phía trên, lấp đất vừa phủ hạt. Sau khoảng 45-60 ngày có thể mang ra trồng
  • Ưu điểm của nhân giống từ hạt là dễ tiến hành, chi phí thấp, tỷ lệ sống cao, đôi khi có thể lai tạo ra giống năng suất vượt trội nhờ ưu thế lai, nhược điểm là tỷ lệ phân ly giống cao, khó đạt được năng suất mong muốn

b – Nhân giống vô tính (ghép chồi)

  • Để duy trì được đặc tính của cây mẹ, bà con nên nhân giống bằng phương pháp ghép chồi
  • Chồi ghép được lựa chọn từ những cây mẹ đã được định danh hoặc có chỉ tiêu giống như đã nêu ở phần trên
  • Phương pháp ghép chính là ghép nêm chồi, có thể thực hiện trên cây con trong bầu ươm hoặc cây đã trồng ngoài đồng ruộng
  • Nếu ghép trên cây con nên chọn những cây có độ tuổi trên 60 ngày trở lên, đường kính thân tương đương hoặc lớn hơn đường kính chồi ghép
  • Kỹ thuật ghép tương tự như kỹ thuật ghép bơ, bà con có thể tham khảo tại bài viết sau >>> Hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi bơ
  • Ưu điểm của nhân giống vô tính là giữ được gần như toàn vẹn đặc tính của cây mẹ, nhược điểm là kỹ thuật tiến hành phức tạp, tỷ lệ cây sống khi trồng chưa cao.

4, Yêu cầu về khí hậu, đất trồng điều

  • Nhìn chung khí hậu để cây điều sinh trưởng mạnh và cho năng suất ổn định nhất là từ miền trung trở vào phía nam. Các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là thích hợp nhất, các khu vực phía bắc do ảnh hưởng của gió lào, sương muối… nên không phù hợp để trồng điều
  • Đất trồng điều yêu cầu thoát nước tốt, tầng canh tác dày 1-2m, pH từ 5.0 – 7.0

5, Mật độ và quy cách trồng điều

Điều rất nhanh cho thu hoạch đặc biệt là điều ghép, sau khi trồng khoảng 18 tháng là bắt đầu có bông, một số giống cao sản năm thu bói có thể đạt từ 5-8 tạ/hecta

Do đó để tận dụng tối đa năng suất và hạn chế lãng phí đất trống, khi trồng điều bà con nên trồng dày ban đầu, về sau khi cây giao tán thì tỉa bỏ bớt các cây ở giữa. Khoảng cách ban đầu là 8x6m hoặc 10x5m (tương đương mật độ là 200 cây/ha) về sau tỉa thưa các cây ở giữa tạo khoảng cách 8×12 hoặc 10x10m (tương đương mật độ là 100-120 cây/ha)

Thông thường việc tỉa cây thường tiến hành vào năm thứ 8 trở đi

6, Kỹ thuật trồng điều

  • Đào hố 40x40x40cm thẳng hàng và cách nhau theo mật độ vừa nói ở phần trên
  • Mỗi hố bón lót 10-15kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5kg phân lân + 0,1 – 0,3kg phân đạm hoặc NPK
  • Việc chuẩn bị hố trồng cần tiến hành trước từ 15-30 ngày
  • Khi trồng nên thao tác nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu ươm.
  • Đặt bầu ươm chính giữa hố, mặt bầu cao hơn mặt đất 5-10cm, nén nhẹ xung quanh gốc, đồng thời vun gốc cao tránh đọng nước
  • Sau khi trồng cần cắm cọc cố định cây và tưới nước ngay để giữ ẩm cho cây con
  • Thời điểm trồng thích hợp nhất là cuối mùa khô đầu mùa mưa

7, Kỹ thuật chăm sóc cây điều

a – Bón phân: Có thể chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn kiến thiết (1-3 năm) và giai đoạn kinh doanh (năm thứ 4 trở đi).

  • Ở giai đoạn kiến thiết: Bón phân NPK có lượng đạm và lân cao (N,P cao) chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 1-2 tháng, nên hòa vào nước tưới vào gốc. Lượng phân tương ứng mỗi năm là 100g/gốc (năm 1), 200g/gốc (năm 2), 300g/gốc (năm 3). Từ năm thứ 2 cây bắt đầu cho bói, giai đoạn cây nuôi quả nên dùng phân NPK có lượng Kali cao để tăng chất lượng trái và hạt.
  • Ở giai đoạn kinh doanh: Bón mỗi gốc 300-500g phân NPK chia làm 2-3 đợt trong năm, thường là đầu và cuối mùa mưa. Giai đoạn cây nuôi trái bón nhiều Kali, giai đoạn cây ra chồi mới bón nhiều N,P. Khi cây chưa giao tán, bón theo rãnh dựa vào hình chiếu của tán cây xuống đất, khi cây giao tán, bón dọc theo rãnh giữa 2 hàng cây
  • Ngoài ra hàng năm nên phun các loại phân bón lá bổ sung trung vi lượng, 1-2 tháng/lần. Có thể kết hợp pha chung với thuốc trừ sâu để tiết kiệm nhân công
  • Phân chuồng 2-3 năm bổ sung 1 lần, bón theo rãnh đối xứng quanh cây, mỗi cây từ 20-30kg

b – Tưới nước: Linh động dựa theo tình hình khô hạn, nếu có điều kiện có thể đánh bồn đường kính 2-4m quanh gốc để tưới nước hoặc tưới bằng béc phun cũng được.

c – Cắt tỉa cành tạo tán: Khi cây cao khoảng 0,8-1m, tiến hành hãm ngọn, nuôi 3-5 cành chính mọc lên từ thân, tạo tán phát triển cân đối về các hướng, sau đó hàng năm sau vụ thu hoạch cắt tỉa cành sâu bệnh, cành khô, chồi vượt sát thân, cành hết khả năng mang trái

d – Làm cỏ: Giai đoạn cây còn nhỏ, có thể xen canh các loại cây ngắn ngày họ đậu, vừa giúp tăng thu nhập vừa giảm bớt cỏ dại, lưu ý khi trồng nên trồng các loại cây có chiều cao vừa phải, trồng cách cây điều 1-1,5 m để tránh cạnh tranh ánh sáng và không gian sinh trưởng của cây. Khi cây lớn, phần vỏ và thân đã gỗ hóa, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiếp xúc hoặc lưu dẫn để phun xịt hàng năm

8 – Phòng trừ sâu bệnh

  • Sâu đục thân, đục cành: Đầu mùa mưa nên phun thuốc trừ sâu vào gốc cây, vỏ cây để tiêu diệt ấu trùng. Trường hợp ấu trùng đã tấn công thì tiết hành cưa bỏ cành, dùng móc sắt bắt sâu con. Đồng thời dùng vôi, vải tẩm thuốc quấn quanh gốc để hạn chế và tiêu diệt ấu trùng, sâu con…
  • Sâu bọ hại lá và đọt non: Chủ yếu là bọ trĩ, rầy mềm và bọ xít muỗi. Gây hại quanh năm nhưng nặng nhất là giai đoạn cây phát chồi non, nên chủ động phun phòng các loại thuốc có tính độc mạnh, lưu dẫn để phòng trừ. Thường phun 15-30 ngày/lần
  • Bệnh khô cành, thán thư: Chủ yếu do các chủng nấm hại gây ra, nên phun phòng bằng thuốc COC85, Ridomil Gold, Aliette… đặc biệt là mùa mưa khi độ ẩm tăng cao, trường hợp cây có dấu hiệu nhiễm bệnh, nên phun 7-10 ngày/lần cho đến khi cây khỏi hẳn. Ngoài ra trong quá trình trồng điều nên cân đối giữa phân hữu cơ và phân hóa học. Thường xuyên bổ sung các chế phẩm Trichoderma giúp cây có hệ miễn dịch mạnh mẽ, sức sinh trưởng mạnh và cân đối hơn

Như vậy qua bài viết này, hy vọng bà con đã nắm được các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều để đạt được năng suất cao và ổn định nhất. Trường hợp cần mua cây giống điều cao sản (các giống PN1, AB29, AB0508…) bà con có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Trung Tâm Giống Cây Trồng Tiến Đạt
Vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 – Chị Thu
Giấy phép kinh doanh 40A8026362

Rất hân hạnh được phục vụ và hợp tác cùng bà con

Tìm kiếm : cách trồng mít siêu sớm, cây điều, cây điều cách trồng và chăm sóc, châm soc cây điêu, ky thuật cham soc cây điều, Kỹ thuật chăm sóc cây điều sau dịch bệnh