Chi tiết tin

Công vụ là thuật ngữ được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau do đó được hiểu theo các phạm vi rộng hẹp khác nhau. Hiện nay vẫn chưa có khái niệm chính thức được cộng đồng quốc tế công nhận về công vụ. Theo cách hiểu chung nhất về công vụ (Public service) là hoạt động phục vụ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa hẹp có thể coi công vụ là hoạt động của nhà nước. Đây cũng chính là cách quan niệm của nhiều nước trên thế giới về công vụ. Theo đó, công vụ gắn liền với con người làm việc cho nhà nước và những công việc của nhà nước được những con người đó thực hiện. Dưới đây có một số cách hiểu về công vụ:

Theo Luật Hành chính của Nga, công vụ là việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng nhằm thoả mãn nhu cầu chung của xã hội trên cơ sở đường lối chính trị đã hoạch định. Trong khi nhiều quốc gia khác lại coi công vụ là hoạt động của bộ máy hành chính.

Theo định nghĩa của Giáo trình Đại học Luật Hà Nội, công vụ là hoạt động mang tính chất nhà nước, nhằm thực hiện chức năng của nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích của nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Giáo trình Hành chính công của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, công vụ là hoạt động mang tính quyền lực và pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội.

Theo Điều 2 Luật Cán bộ, công chức, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

Theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.

Trong một số trường hợp cụ thể, các hoạt động đều do Nhà nước thực hiện nhưng có sự tham gia của nhiều lực lực khác (ví dụ trong phòng chống thiên tại) cũng có thể coi đó là hoạt động mang tính công vụ. Mặc dù về nhận thức có nhiều những quan niệm khác nhau về công vụ, nhưng nhìn một cách tổng thể có thể hiểu, mọi hoạt động của cán bộ, công chức đều là hoạt động công vụ. Đây là nghĩa đầy đủ nhất của từ công vụ, với nghĩa công vụ là phục vụ nhà nước- phục vụ nhân dân.

Từ những định nghĩa trên, có thể đưa ra kết luận Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội. Tuy nhiên trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, do đặc thù về thể chế chính trị nên công vụ còn bao gồm cả hoạt động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội.

Công vụ có những tính chất sau:

– Mục đích của công vụ là phục vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội.

– Nội dung hoạt động công vụ bao gồm các hoạt động thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của nhà nước, của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong lãnh
đạo, quản lý và tham gia quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời tổ chức
cung ứng và phục vụ các nhu cầu chung của xã hội, của nhân dân không vì mục
đích lợi nhuận.

– Chủ thể thực thi công vụ là cán bộ, công chức.

– Hoạt động công vụ không chỉ thuần tuý mang tính quyền lực nhà nước,
mà còn bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do nhà nước thành lập (được nhà
nước uỷ quyền) để phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động này đều do
cán bộ, công chức nhân danh nhà nước tiến hành. Bao gồm các hoạt động nhân
danh quyền lực nhà nước và các hoạt động của các tổ chức được nhà nước uỷ
quyền. ở các nước trên thế giới, khi đề cập đến công vụ, người ta ít nói đến yếu
tố quyền lực nhà nước mà thường chỉ nói tới công chức nhân danh pháp luật
hoặc nhân danh nhà nước mà thôi. Bởi lẽ, pháp luật là công cụ chính, chủ yếu do
nhà nước ban hành. Ngoài ra, ở Việt Nam do đặc thù về thể chế chính trị nên
hoạt động công vụ còn bao gồm cả hoạt động của cán bộ, công chức trong các
cơ quan của Đảng, của tổ chức chính trị – xã hội.

– Công vụ được tiến hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà
nước giao và tuân theo pháp luật.

– Hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp./.