Chi tiết tin

Qua đó, tiếp tục có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng và tạo điều kiện tiền đề tốt cho Việt Nam trong Chu trình đánh giá lần hai về việc thực thi Công ước đối với Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản tham nhũng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Phòng, chống tham nhũng của các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Luật.

Tại cuộc họp liên ngành giữa Thanh tra Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan (ngày 25/2/2016), nhiều vấn đề quan trọng về định hướng xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đưa ra bàn thảo. Đa số các đại biểu nhất trí với dự thảo mà Thanh tra xây dựng với các nội dung về vị trí, vai trò của Luật PCTN, phạm vi điều chỉnh, quy định nội dung về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, về xử lý hành vi tham nhũng và vi phạm pháp luật về PCTN hay xử lý tài sản tham nhũng. Cụ thể, về vị trí, vai trò của Luật PCTN, cần tiếp tục xác định vai trò của Luật PCTN là tạo ra một cơ chế phòng, ngừa, phát hiện tham nhũng toàn diện và sâu rộng, mang tính phòng ngừa sớm trong xã hội, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội “nói không với tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh tham nhũng hoặc dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Liên quan đến nội dung này, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật PCTN lần này nên tập trung sửa đổi các quy định mang tính phòng ngừa là chủ yếu; tăng cường các quy định nhằm đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động công quyền.

Trong mối quan hệ với các Bộ luật hình sự và các Luật chuyên ngành, văn bản quy định pháp luật theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các văn bản có quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử phạt vi phạm hành chính, thì Luật PCTN được coi là đạo luật chung quy định về các nguyên tắc, biện pháp, cơ chế phòng ngừa tham nhũng, xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp các luật khác đã có quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thì áp dụng theo quy định của pháp luật đó. Trường hợp luật khác không quy định, quy định không rõ ràng, không đầy đủ hoặc vi phạm các nguyên tắc của Luật này thì áp dụng quy định của Luật này – tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần xem lại tính khả thi của nội dung này.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN, hầu hết các đại biểu tán thành chủ trương mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực nhà nước. Do vậy, Luật này quy định về hành vi tham nhũng, việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ có sự thay đổi cho phù hợp với tính chất là đạo luật điều chỉnh cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước, cũng như bổ sung nội dung về xử lý hành chính, xử lý kỷ luật đối với pháp nhân, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Bộ luật hình sự trong việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Về nội dung phòng ngừa tham nhũng, cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật PCTN nhằm khắc phục những hạn chế được nhận diện qua đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật PCTN; trong đó, cần chỉnh lý và hoàn thiện các quy định về thực hiện công khai, minh bạch nhằm đảm bảo thực chất, đặc biệt là làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian thực hiện công khai, minh bạch; chỉnh lý và hoàn thiện chế định trách nhiệm giải trình theo hướng gắn kết với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các ngành, lĩnh vực và địa phương về các vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định cơ chế và các hình thức xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giải trình; đồng thời quy định trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện tách nhiệm giải trình rõ ràng, khả thi hơn, gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác; chỉnh lý, hoàn thiện các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức về phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, qua đó khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và loại trừ trách nhiệm hoàn toàn khi họ đã áp dụng tất cả các biện pháp, phương thức theo thẩm quyền để ngăn chặn. hành vi tham nhũng; chỉ xử lý trách nhiệm trong những trường hợp còn lại. Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm chính trị cụ thể bao gồm những nội dung gì; vấn đề xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu làm được thì tốt nhưng rất khó, nên xây dựng quy định như thế nào cho khả thi; hay các quy định về minh bạch tài sản thu nhập cần đặt trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam,…

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề cập đến vấn đề bổ sung các quy định về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích không chỉ liên quan đến cá nhân mỗi cán bộ, công chức mà cần đặt họ trong các mối quan hệ khác nhau, đặc biệt trong quan hệ công vụ, gia đình, thân thích và các quan hệ xã hội nói chung,…

Liên quan đến vấn đề xử lý hành vi tham nhũng và xi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, một số đại biểu còn băn khoăn đối với nội dung quy định rõ về các hành vi tham nhũng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm; quy định về thẩm quyền, hình thức xử lý tương ứng và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi tham nhũng,…

Có thể nói, sửa đổi một bộ luật là cả vấn đề lớn không chỉ liên quan đến một ngành, một lĩnh vực mà còn ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, nhất là vấn đề nhạy cảm và khó khăn như công tác phòng, chống tham nhũng. Tính đến khi phải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ còn khoảng 07 tháng nữa, việc thống nhất được ý kiến của các bộ, ngành và nhân dân để có thể hoàn thiện được các quy định gắn liền với thực tiễn, khả thi và có chế tài đủ mạnh, thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩ sẽ thể hiện được quyết tâm chính trị cao độ của toàn Đảng, Chính phủ và toàn dân nhằm thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng./.