Chi phí là gì? Chi phí cơ hội, chi phí đầu ra và chi phí cố định?
Chi phí là gì? Chi phí cơ hội là gì? Chi phí đầu ra là gì? Chi phí cố định là gì? Tìm hiểu các khái niệm liên quan đến chi phí?
Chi phí là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình kinh doanh, duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vậy chi phí là gì? Có bao nhiêu loại chi phí? Chi phí cơ hội, chi phí đầu ra và chi phí cố định được hiểu như thế nào?
1. Chi phí là gì?
Chi phí là một trong những yếu tố trung tâm của công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau. Chi phí sản xuất có thể hiểu một cách trừu tượng là biểu hiện bằng tiền của những hao phí lao động sống và lao động vật hóa phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh được tính cho một thời kỳ nhất định; hoặc chi phí là những phí tổn về nguồn lực, tài sản cụ thể và dịch vụ sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những nhận thức chi phí có thể khác nhau về quan điểm, hình thức thể hiện chi phí, tuy nhiên chúng đều có những điểm chung:
– Chi phí là hao phí tài nguyên (kể cả hữu hình và vô hình), vật chất, lao động;
– Những hao phí này phải gắn liền với mục đích sản xuất kinh doanh;
– Phải định lượng được bằng tiền và được xác định trong một khoảng thời gian nhất định.
Đây chính là bản chất kinh tế của chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ bản chất kinh tế này, ta có thể phân biệt được chi phí với chi tiêu, chi phí với vốn. Chi phí gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh, được tài trợ từ vốn kinh doanh và được bù đắp từ thu nhập hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, chỉ tiêu là sự giảm đi đơn thuần các loại vật tư tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp bất kể nó được dùng cho mục đích nào.
Tuy nhiên, chi phí và chi tiêu cũng có mối quan hệ nhất định. Chi tiêu là cơ sở phát sinh chi phí, không có chi tiêu thì không có chi phí. Chi phí và chi tiêu không những khác nhau về lượng mà còn khác nhau về thời gian, có những khoản chi tiêu kỳ này chưa được tính vào chi phí (như mua nguyên vật liệu nhưng chưa sử dụng) và cũng có những khoản tính vào chi phí kỳ này nhưng thực tế lại chưa chi tiêu (như chi phí trích trước). Sự khác biệt giữa chi phí và chi tiêu trong các doanh nghiệp là do đặc điểm, tính chất vận động và phương thức chuyển dịch giá trị của từng loại tài sản vào quá trình sản xuất và yêu cầu kỹ thuật hạch toán chúng.
Chi phí cũng khác với vốn, vốn là biểu hiện bằng tiền những tài sản của doanh nghiệp nên bản thân chúng chưa tạo nên phí tổn.
Chi phí trong tiếng Anh được hiểu là Cost.
Chi phí có rất nhiều loại vì vậy cần phải phân loại nhằm phục vụ cho công tác quản lý và hạch toán. Phân loại là việc sắp xếp các loại chi phí khác nhau vào từng nhóm theo đặc trưng nhất định. Tuy nhiên lựa chọn tiêu thức phân loại nào là phải dựa vào yêu cầu của công tác quản lý hạch toán.
a) Phân theo yếu tố chi phí
- Yếu tố nguyên liệu, vật liệu bao gồm: Nguyên vật liệu chính ( 60% ) nguyên vật liệu phụ ( 20%) và các phụ tình thay thế -> Căn cứ vào định mức.
- Tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương phản ánh tổng số tiền lương và các khoản phụ cấp mang tính chất lượng phải trả cho người lao động.
- Bảo hiểm các loại theo quy định được tính trên tổng số tiền lương và các khoản đóng bảo hiểm.
- Yếu tố chi phí bên ngoài, phản ánh toàn bộ chi phí dịch vụ mua ngoài để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. : điện, nước, điện thoại, thuê nhà, tiếp khách, quảng cáo, khuyến mại, chiếm từ 10 -> 12%
- Yếu tố chi phí bằng tiền khác phản ánh toàn bộ bằng tiền mà thực chất doanh nghiệp phải bỏ ra.: Công tác phí, thuế GTGT không được khấu trừ, hội nghị, thuế môn bài,..
- Yếu tố chi phí khấu hao tài sản cố định phân bổ công cụ dụng cụ là khoản chi phí phản ánh tổng số trích khấu hao và phân bổ công cụ dụng cụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong kỳ .
b) Phân theo khoản mục chi phí
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (621)
- Chi phí nhân công trực tiếp (622)
- Chi phí sản xuất chung (627)
- Chi phí bán hàng (641)
- Chi phí quản lý (642)
2. Chi phí cơ hội là gì?
Trong kinh tế học, chi phí cơ hội được hiểu là chi phí đại diện cho những lợi ích mà một cá nhân, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì lựa chọn phương án khác. Chi phí cơ hội hay chi phí kinh tế (opportunity cost or economic cost) là khái niệm phản ánh chi phí sử dụng các nguồn lực khan hiếm vào việc sản xuất hàng hoá haowjc dịch vụ bằng giá trị của các cơ hội bị bỏ qua. Chẳng hạn, khi sử dụng nhiều nguồn lực hơn để sản xuất lương thực, thì người ta sẽ còn lại ít nguồn lực hơn để sản xuất đồ uống.
Hiểu một cách đơn giản, chi phí cơ hội là khái niệm phản ánh chi phí sử dụng các nguồn lực khan hiếm vào việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ bằng giá trị của các cơ hội bị bỏ qua.
Trong hoạt động kinh doanh, dù báo cáo tài chính không hiển thị chi phí cơ hội nhưng các chủ doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng chi phí cơ hội để đưa ra quyết định khi có nhiều sự lựa chọn.
Ví dụ: Khách hàng A có 100 triệu đồng, nếu khách hàng này chọn gửi ngân hàng lãi 7 triệu đồng mỗi năm còn nếu đầu tư vào vàng thì lãi 10 triệu mỗi năm. Khi khách hàng A quyết định đầu tư vào vàng thì chi phí cơ hội là 7 triệu và lãi thực nhận của khách hàng này là 3 triệu chứ không phải là 10 triệu.
Chi phí cơ hội được xác định bằng công thức sau:
OC = FO – CO
Trong đó :
- OC (Opportunity cost): Chi phí cơ hội
- FO (Return on best foregone option): Lợi nhuận của lựa chọn hấp dẫn nhất
- CO (Return on chosen option): Lợi nhuận của lựa chọn được chọn
Chi phí cơ hội là một trong những điểm khác biệt mấu chốt giữa khái niệm chi phí kinh tế và chi phí kế toán. Đánh giá chi phí cơ hội là cơ sở để đánh giá chính xác chi phí thực tế của bất cứ hoạt động nào. Trong trường hợp không có một chi phí kế toán, hay chi phí bằng tiền rõ ràng nào gắn với hoạt động đó, thì việc bỏ qua chi phí cơ hội có thể tạo ra ảo tưởng rằng các lợi ích có thể đạt được mà không mất một chi phí nào. Chi phí cơ hội không nhìn thấy trở thành chi phí ẩn của hoạt động đó.
Ví dụ: Một người có ngôi nhà mặt phố Hàng Bông mở một shop nhỏ kinh doanh quần áo thời trang, mỗi tháng cô ta phải chi ra 50 triệu tiền giá vốn hàng bán, 5 triệu cho chi phí điện thoại, điện, nước, thuế môn bài … liên quan đến hoạt động kinh doanh. Doanh thu của cửa hàng đạt 70 triệu /tháng. Chủ cửa hàng cho rằng mình có lợi nhuận 15 triệu. Trên thực tế, chủ cửa hàng đã bỏ qua số tiền 20tr có thể thu được nếu đem cho người khác thuê cửa hàng thay vì tự kinh doanh (20 triệu /tháng), và 5tr thu nhập cô ta có thể thu được nếu đi làm ở chỗ khác thay vì ở nhà bán hàng. 25 triệu này chính là chi phí ẩn trong hoạt động kinh doanh quần áo nói trên. Điều đáng nói là theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, những chi phí ẩn này không được hạch toán vào chi phí khi tính thuế.
Cần lưu ý chi phí cơ hội không phải là tổng giá trị các lựa chọn bị bỏ lỡ mà chỉ là giá trị của lựa chọn tốt nhất có thể bởi vì người ta không thể nào cùng một lúc sử dụng nhiều lựa chọn thay thế được. Trong ví dụ ban đầu, chi phí cơ hội của quyết định xây bệnh viện là việc mất một khu đất trống để xây trung tâm thể thao, xây bãi đậu xe, hoặc số tiền có thể thu được nếu bán khu đất đó, chứ không thể là tổng của 3 lựa chọn đó vì xét cho cùng khu đất đó không thể nào cùng lúc được sử dụng cho hơn một mục đích được.
Tuy nhiên, hầu hết các chi phí cơ hội rất khó so sánh. Chi phí cơ hội chỉ có ý nghĩa trong điều kiện khan hiếm nguồn lực, vì khi đó người ta sẽ buộc phải đánh đổi, nếu tiến hành hoạt động này thì phải bỏ hoạt động khác.
Chi phí cơ hội thường được thể hiện dưới dạng giá tương đối, tức là giá của một lựa chọn trong tương quan với lựa chọn khác.
Ví dụ: Giá một bình sữa là $4 và một ổ bánh mì là $2 thì giá của một bình sữa là 2 ổ bánh mì. Đặc trưng này thể hiện rất rõ trong phân tích lợi thế so sánh của Ricardo.
Khái niệm chi phí cơ hội được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều lý thuyết, phân tích kinh tế như:
– Lựa chọn của khách hàng
– Khả năng sản xuất
– Giá của tư bản (vốn)
– Quản lý thời gian
– Lựa chọn nghề nghiệp
– Phân tích lợi thế so sánh.
3. Chi phí cố định là gì?
Chi phí cố định trong tiếng Anh là Fixed cost. Chi phí cố định còn được gọi là định phí hay chi phí bất biến. Chi phí cố định là chi phí không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về mức độ hoạt động trong một phạm vi phù hợp.
Đặc trưng của chi phí cố định
– Khác với chi phí biến đổi, chi phí cố định không bị ảnh hưởng bởi mức độ hoạt động. Khi mức độ hoạt động tăng lên hoặc giảm xuống, các chi phí cố định vẫn giữ nguyên.
– Các chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tiền lương cho cán bộ quản lí, chi phí quảng cáo khuyến mãi, chi phí bảo hiểm, v.v… là những chi phí cố định.
Phân loại
Chi phí cố định (định phí) xét theo khía cạnh quản lí bao bao gồm: chi phí cố định bắt buộc (định phí bắt buộc) hay chi phí cố định không bắt buộc (định phí không bắt buộc, định phí tùy ý). Cụ thể:
– Chi phí cố định bắt buộc là các chi phí có liên quan tới máy móc thiết bị và các cấu trúc tổ chức cơ bản của một công ty, thông thường nó được coi là chi phí không thể cắt bỏ được.
– Chi phí cố định không bắt buộc là các chi phí cố định phát sinh từ quyết định hàng năm của các cấp quản lí nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Chúng thường không có mối liên hệ rõ ràng với các mức độ của khả năng hay hoạt động đầu ra như chi phí quảng cáo, chi phí nghiên cứu và phát triển.
Sự khác nhau giữa chi phí có định và chi phí biến đổi
Chi phí cố định
– Khái niệm: Chi phí cố định là một loại chi phí mà không bị thay đổi phụ thuộc vào các chi phí là doanh thu (bảo hiểm, thuê nhà, thuê tài sản, lãi vay) hoặc quy mô của hoạt động sản xuất.
– Bản chất: không bị thay đổi bởi tác động liên quan, chi phí này vẫn được giữ nguyên.
– Ví dụ: công ty A có khoản chi phí cố định: 1 tỷ/tháng để thuê địa điểm sản xuất, lãi suất vay vốn ngân hàng trước đó để sản xuất điện thoai. Trường hợp công ty A không thực hiện sản xuất 1tháng, hoặc công ty vẫn duy trì sản xuất không nghỉ tạm thời thì chi phí này vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ chi trả, đây là chi phí cố định.
Chi phí biến đổi
– Khái niệm: Chi phí biến đổi là loại chi phí bị thay đổi theo các chi phí là doanh thu bao gồm bảo hiểm, thuê nhà, thuê tài sản, lãi vay hoặc quy mô của hoạt động sản xuất.
– Bản chất: Có bị thay đổi bởi các tác nhân như khối lượng, số lượng sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ phát sinh thay đổi là tăng hoặc giảm.
– Ví dụ: Công ty B thực hiện hoạt động sản xuất mỹ phẩm, chi phí nguyên liệu vật liệu để sản xuất mỹ phẩm 1 hộp 100ml là 300 nghìn đồng. Nếu công ty sản xuất 1000 hộp mỹ phẩm thì chi phí bỏ ra là 300 triệu đồng, Nếu công ty không sản xuất sản phẩm đó thì công ty sẽ không phải chịu khoản chi phí nào để sản xuất mỹ phẩm, đây là chi phí biến đổi.
Kết luận: Chi phí là yếu tố quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Các loại chi phí có thể phát sinh sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, nên những nhà lãnh đạo cần cân đối để có chiến lược kinh doanh cho phù hợp.