“Cheap Thrills” – Hết tiền vẫn vui được chứ sao?
Nếu là fan của dòng nhạc tropical house hay fan của Rihanna thì chắc hẳn bạn sẽ thích “Cheap Thrills” đấy. Ca khúc này có nét rất giống với những bài hát trước đây của cô nàng, tuy nhiên không hiểu tại sao lại bị từ chối. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân có thể là do lời bài hát hơi “chọi nhau” với lời bài “Bitch Better Have My Money” (2015); nhưng có lẽ không phải vậy. Chính Sia cũng tự rút kinh nghiệm rằng bài hát hơi có màu sắc Brit-pop quá so với Rihanna, và phù hợp với bộ đôi Icona Pop hơn. Có chăng là Riri đang tìm kiếm một thứ gì đó khác cho album ANTI mà thôi.
“Come on, come on, turn the radio on
It”s Friday night and It won”t be long
Gotta do my hair, put my make up on
It”s Friday night and It won”t be long
‘Til I hit the dance floor
Hit the dance floor”
Bài hát bắt đầu như lời một cô gái nói với người yêu khi cả hai đang sửa soạn đi chơi. “Nào, nào, bật đài lên/ Giờ là tối Thứ Sáu và sẽ không lâu đâu (cho đến lúc em được “lên sàn”)”. “Tối Thứ Sáu” là một cụm từ thường gắn với các dịp ăn chơi, và cũng đã đi vào rất nhiều bài hát liên quan đến tiệc tùng. Điều này không có gì khó hiểu bởi, đối với nhiều người, tối Thứ Sáu như một chiếc bản lề cửa – đóng lại một tuần làm việc căng thẳng, mệt mỏi và mở ra hai ngày nghỉ ngơi, thư giãn là Thứ Bảy, Chủ Nhật.
Trong lời 2 của bài hát, “tối Thứ Sáu” được thay bằng “Thứ Bảy”, nhưng về ý nghĩa thì hai thời điểm này không khác nhau là mấy. Với lời thúc giục bật đài lên, cô gái có vẻ muốn dành thời gian đắm chìm trong âm nhạc nhiều hết mức có thể, và cũng là để “tạo không khí” cho phút “lên sàn” sắp tới.
“I got all I need
No I ain”t got cash
No I ain”t got cash
But I got you baby”
“Em có tất cả những thứ em cần rồi/ Không, em chẳng có tiền/ Không, em chẳng có tiền/ Nhưng em có anh, cưng ạ.” – Ta cảm giác như đây là một cuộc đối thoại, nhưng lời của chàng trai đã bị lược đi và chỉ còn lại lời của cô gái. “Nhưng em có anh, cưng ạ” – Đây có lẽ giống một lời bông lơn âu yếm hơn là một lời yêu nghiêm túc trong những bản tình ca lãng mạn (mà thường được chơi trong ánh nến lung linh của một bàn tiệc sang trọng với rượu hảo hạng và hoa hồng). Nghe câu nói nửa đùa nửa thật ấy, ta như có thể tưởng tượng đến cái nháy mắt hay nụ cười tinh nghịch của cô.
“Baby I don”t need dollar bills to have fun tonight
(I love cheap thrills)
Baby I don”t need dollar bills to have fun tonight
(I love cheap thrills)
But I don”t need no money
As long as I can feel the beat
I don”t need no money
As long as I keep dancing”
Theo Urban Dictionary và Rap Genius (hai “ổ” cư dân mạng nổi tiếng) thì “Cheap thrills” là những thú vui ngắn ngủi hoặc rẻ tiền – tức là bạn chỉ phải tốn một khoản tiền rất nhỏ hoặc thậm chí là không một đồng nào để có được nó. Nếu phân tích từng chữ ra thì “cheap” là rẻ, còn “thrill” là một cảm giác thích thú, khoan khoái đột ngột. Có thể thấy bản thân từ “thrill” cũng đã hàm ý một cái gì đó ngắn ngủi và không tồn tại lâu.
Ý nghĩa câu hát “Chừng nào em còn tiếp tục nhảy, thì em không cần tiền” càng khẳng định tính tạm thời của “Cheap thrills”, bởi không ai có thể sống mà nhảy mãi được cả. Như vậy, hai định nghĩa của cư dân mạng đều đúng. Vui, rẻ nhưng không bền – Đó là “Cheap Thrills”.
Chúng ta đều thích “Cheap Thrills”
Bài hát có ca từ đơn giản, không trau chuốt và cũng không thể hiện rõ ràng con người của Sia. Điều này vô cùng dễ hiểu vì Sia viết ca khúc này cho một người khác chứ không phải cho cô. Và do đó, cô chỉ đang “diễn” trong bài hát (cũng như cô “diễn” trong các bài khác của album – chính Sia đã nói điều này). Tuy nhiên, Cheap Thrills cũng giống các single khác của cô ở chỗ, chất nghệ của nó không nằm ở lời bài hát mà nằm ở phần hình ảnh trong MV.
Ca khúc có 2 MV. Một được đề là Lyric Video và một là Performance Edit. Lyric Video được thể hiện dưới dạng video đen – trắng, mô phỏng lại một cuộc thi nhảy trong một chương trình tạp kỹ từ cái thời “khuya lơ khuya lắc” nào đó, nên có một không khí rất vintage.
Ở bản Performance Edit, chúng ta gặp lại cô bé Maddie Ziegler. MV cũng có sự xuất hiện của Sia, như thường lệ, với bộ tóc giả sùm sụp và chiếc nơ to bản. Tất nhiên, cô không nhảy mà chỉ đứng yên hát vào micro.
Cả 2 MV đều có nội dung khá cũ và đơn giản, nhưng rất phù hợp với bài hát – theo tinh thần “vui là chính” và thật sự khiến khán giả vô thức đu đưa theo.
Có lẽ tất cả về Cheap Thrills chỉ có vậy. Tuy nhiên, một số cư dân mạng ở Rap Genius, với suy nghĩ sâu sắc hơn, đã cho rằng Sean Paul (khi hát với Sia trong bản Lyric Video) đã ngầm động viên cô ca sĩ qua những câu như “You worth more than diamond, more than gold”, “Free up yourself, get outta control” và “Cause nottin in this world ain”t more than what you worth”.
Thậm chí, có người còn cho rằng “more than diamond” ở đây ám chỉ đến hit Diamonds mà Sia viết cho Rihanna. Điều này không phải không có lý, bởi có thông tin là bên Riri đã chờ đợi bài hát mới của Sia dành cho Rihanna sẽ sâu sắc như Diamonds, và họ từ chối Cheap Thrills vì nó không đáp ứng được kỳ vọng này.
“Cheap Thrills” là một trong số rất nhiều bản hit khác của Sia
“Cheap Thrills” ra vào cuối năm 2015, đóng vai trò là single quảng bá cho album phòng thu thứ 7 – This is Acting (2016) của Sia. Album tập hợp những bài hát được Sia viết cho những nghệ sĩ khác và bị từ chối. Ca khúc này ban đầu được dành cho Rihanna, nhưng bị từ chối, và thế là Sia cứ bật bài hát rồi nghe liên tục trong ô tô. Cô cảm thấy nó “rất mùa hè và vui vẻ” nên quyết định đưa nó vào album của mình.
“Cheap Thrills” hiện tại có 3 bản, một bản solo của Sia, một bản hát với Sean Paul và một bản với Nicky Jam. Đây là ca khúc đầu tiên Sia đứng đầu Billboard’s Hot 100 với vai trò ca sĩ hát chính. Trước đây, cô từng làm được điều này với Diamonds (Rihanna) trong vai trò nhạc sĩ sáng tác.
Cuối tháng đến rồi, nếu bạn đang trong tình trạng “viêm màng túi” thì hãy đi tìm vài “Cheap thrills” để giữ cho mình một tâm trạng thật vui vẻ cho đến ngày lĩnh lương nhé!
Đỗ Hà