Chất vấn các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Sáng nay 07/7, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa 13 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh quan tâm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Hồ Trọng Phương được dành phần lớn thời gian để trả lời nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải 

chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải nêu câu hỏi, tổng kết 5 năm giai đoạn 2015 – 2020 thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ngãi đã thu hút được 35 dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, một số dự án triển khai dang dở, chậm tiến độ. Có dự án làm nửa vời hoặc dự án được cấp chủ trương đầu tư, giao đất nhưng không thực hiện để lãng phí đất đai, nông dân tham gia dự án rơi vào cảnh khó khăn, gây ảnh hưởng đời sống và bức xúc dư luận. Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào?

 

 

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi

 

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi trả lời chất vấn: Trong thời gian qua chúng ta đã thu hút được 35 doanh nghiệp trong đó có 20 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, có thu nhập và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, bên cạnh đó lĩnh vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, do vậy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất mong muốn được sự chia sẻ, đồng cảm, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực khó, sản xuất thì manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra chịu sự quyết định của thị trường rất lớn, do vậy rủi ro cho sản phẩm nông nghiệp rất là cao.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cũng đặt câu hỏi, việc hỗ trợ để các dự án đã có chủ trương đầu tư triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Nguyên nhân chậm giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án? Trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới như thế nào?
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Ngãi trả lời: Một số dự án nếu chúng ta đầu tư tốt như Dự án nuôi tôm an Thiên Phát ở Đức Phổ, đây là dự án theo ngành nông nghiệp giai đoạn đầu họ đầu tư công nghệ rất hiện đại, với khả năng sử dụng công nghệ cao để sản xuất những mặt hàng nuôi tôm chất lượng cao, xuất khẩu ổn định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, Dự án thứ 2 là nuôi heo công nghiệp để xuất khẩu của Công ty Ánh Bình Minh là dự án rất tốt nhưng trong quá trình thực hiện còn vướng về các thủ tục.

 

 

Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp

 

Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong 

giai đoạn 5 năm vừa qua, tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, một số dự án bị chậm tiến độ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành khác rà soát và điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc thu hồi đất, thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ.

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng

 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng yêu cầu làm rõ bức xúc của người dân về việc sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Hướng giải quyết trong thời gian đến?
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Theo quy định của UBND tỉnh có quy định rất rõ là sau khi dồn điền đổi thửa xong thì các địa phương phải đi kiểm tra, rà soát ở những vùng đã đưa vào sản xuất ổn định thì đề nghị phòng Tài nguyên môi trường của địa phương phải kiểm tra, giám sát và thực hiện đo vẽ gửi hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường để cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên nội dung này còn một số tồn tại, rất mong muốn các ngành chia sẻ và trong thời gian đền phải đặt ra lộ trình để giải quyết triệt để nội dung này.

 

 

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm về việc sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Thực ra việc cấp giấy chứng nhận không phải thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi chỉ thẩm định bản đồ, phòng tài nguyên môi trường cấp huyện thẩm định và trình UBND huyện thẩm định, sau đó chuyển hồ sơ qua văn phòng đăng ký đất đai in và cấp giấy.
 
Đại biểu Võ Thanh An đặt câu hỏi, thời gian vừa qua, các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, có loại tăng xấp xỉ 2,5 lần. Trong khi đó giá nông sản, giá gia súc, gia cầm thấp khiến cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Ngành nông nghiệp cho biết đã thực hiện giải pháp gì để hạn chế tác hại tiêu cực trước thực trạng trên đối với đời sống sản xuất của người nông dân.
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Ngãi trả lời: Nội dung này đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp sau. Thứ nhất là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, không được để các doanh nghiệp lạm dụng việc tăng giá, ghim hàng hoặc bán hàng trôi nổi không chất lượng gây thiệt hại đến việc sản xuất của bà con nông dân, phối hợp rất tốt giũa các Sở, ngành, Công an tỉnh và thanh tra sở đã thường xuyên kiểm tra và thanh tra đột xuất để quản lý chặt chẽ thị trường phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Về giải pháp kỹ thuật ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh, tham mưu cho các địa phương phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật tại địa phương để tăng năng suất.

 

Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh nêu vấn đề

 
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh nêu vấn đề, trong khoảng 20 năm qua, cây keo đã được trồng ở các địa phương của Quảng Ngãi và phát triển rất mạnh ở các huyện miền núi. Nếu đúng theo chu kỳ sinh trưởng thì phải trên 7 năm mới khai thác được. Tuy nhiên, khi giá tăng, rất nhiều hộ dân bán khi chỉ mới hơn 3 năm tuổi. Việc bán keo non chỉ mang lại cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài, người nông dân vẫn bị thiệt, ảnh hưởng đến nguồn nước và sạt lở đất. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

 

 

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Ngãi trả lời: Việc keo 3 năm đã bán thì chính quyền địa phương cùng với các Sở, ngành liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động để bà con thấy được việc ảnh hưởng rất lớn nếu chúng ta khai thác keo non, chính quyền địa phương phải quan tâm đến nội dung này để không cho khai thác keo non hoặc trồng rừng gỗ lớn để giữ nguồn nước, vì vậy đề nghị chính quyền địa phương phải có quy hoạch và quản lý tốt lĩnh vực này. Đồi với doanh nghiệp phải có cam kết không mua keo non. 
 
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh cũng đặt câu hỏi, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 56 ngày 09/12/2017 quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm đến năm 2020. Tỉnh ủy có Nghị quyết số 02 ngày 17/8/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện núi. Trong đó có nhiệm vụ phát triển rừng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, từng bước thay thế cây keo. Tuy nhiên, trong thực tiễn chậm có sự chuyển biến. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp thực hiện trong thời gian đến?
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Ngãi trả lời: Do thị trường của chúng ta vẫn còn dễ giải và chấp nhận thu mua tiêu thụ keo non, thứ hai là thời tiết khí hậu rất cực đoan, ảnh hưởng của bão gây thiệt hại rất lớn đến việc trồng keo của bà con, thứ 3 là chủ rừng được giao diện tích rất nhỏ từ 1 – 1,5ha thì người nông dân rất khó khăn.

 

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền

l

àm rõ thêm về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân

 

Làm rõ thêm về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, trong kêu gọi thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua còn thiếu sự phối hợp giữa các sở ban, ngành, địa phương. Tỉnh đã chỉ đạo rút kinh nghiệm. Để xử lý những vấn đề đặt ra đối với các dự án nông nghiệp, đối với dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai do chủ quan của nhà đầu tư sẽ tiến hành thu hồi. Vấn đề hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất tập trung để thu hút dự án.

Đối với việc khai thác keo non, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị cần nâng cao vai trò của chủ rừng, sự liên kết giữa tổ quản lý rừng, hợp tác xã trồng rừng và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ kiên quyết trong việc chỉ đạo việc trồng rừng gỗ lớn, tiến tới không cho phép xuất khẩu dăm gỗ và triển khai nhiều biện pháp khác để hướng đến mục đích cuối cùng là mang lại nguồn lợi lớn cho người dân từ những diện tích rừng gỗ lớn, đủ tuổi.

 

Trong sáng nay, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về việc tham mưu của ngành cho UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển nhằm phát huy lợi thế của tỉnh ven biển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Giải pháp khắc phục tình trạng giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, một số tàu cá không ra khơi đánh bắt hải sản hoặc có đi nhưng cầm chừng, vì khả năng thua lỗ là rất cao. Việc phát triển các mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị. Vấn đề phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cho biết những giải pháp khắc phục thị trường tiêu thụ và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng chuyên canh tập trung để tăng chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh./.
 

Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ