CHĂM SÓC SỨC KHỎE
CHĂM SÓC SỨC KHỎE
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Từ khi có Chỉ thị 14 của Ban Bí thư TW Đảng tháng 9/1987 ” về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam ” và Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng “về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân”, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Hội đã có những định hướng phát triển, đổi mới nội dung phương thức hoạt động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tập trung tăng cường phối hợp với ngành y tế trong CSSKBĐ cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, ưu tiên đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, những hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong tình trạng khẩn cấp ( đại dịch, dịch bệnh nguy hiểm, thảm hoạ…). Quan điểm và định hướng hoạt động của Hội là hướng về cơ sở, ưu tiên vùng nghèo, đối tượng nghèo, các đối tượng chính sách trong xã hội, làm tất cả mọi việc có thể làm được để hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao năng lực cộng đồng, hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững gắn với cải thiện nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, thực hiện phương châm vì dân, do dân, của dân, thích hợp với cộng đồng, ít tốn kém.
Các hoạt động trọng tâm về chăm sóc sức khoẻ của Hội đã được xác định rõ trong chiến lược và Luật hoạt động Chữ thập đỏ, tập trung vào các lĩnh vực sau:
– Tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, vận động hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện biện pháp chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình.
– Tổ chức lực lượng, tiến hành huấn luyện đào tạo bồi dưỡng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên có kiến thức, kỹ năng, phương pháp để thực hiện hoạt động CSSK.
– Tham gia, vận động và hướng dẫn nhân dân tham gia phòng chống dịch, bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
– Tổ chức cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo, hình thức khám chữa bệnh lưu động theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ, kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế an toàn và các hoạt động báo tin.
– Tổ chức hướng dẫn phổ biến trang bị kiến thức kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng.
– Tổ chức hệ thống trạm chốt, điểm sơ cấp cứu để hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân.
– Tuyên truyền vận động nhân dân hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CSSK DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
1. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu: có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức cũng như mô hình hoạt động, lấy việc cải thiện sức khoẻ của những người dễ bị tổn thương theo hướng CSSK cộng đồng làm mục tiêu chính
1.1. Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ dựa vào màng lưới tình nguyện cộng đồng:
100% các tỉnh/thành Hội đã tham gia tích cực hoạt động này. Số tình nguyện viên tuyên truyền hoạt động trong những năm qua là 206.408 người. Hàng năm, 15-17 triệu lượt người được tuyên truyền với các nội dung: tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, SARS, cúm gia cầm, lao, sốt rét, SXH, tiêu chảy, phòng chống tai nạn thương tích, suy dinh dưỡng, tuyên truyền người dân thực hiện các hoạt động nước sạch VSMT, VSTP, TCMR.
Đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1):
– Là thành viên Hội duy nhất trong 18 thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia;
– Tổ chức 10 lễ ra quân tại các tỉnh biên giới giáp Lào Campuchia, Trung Quốc (có CTĐ nước bạn tham gia) và các tỉnh đang/có nguy cơ bùng phát dịch cao;
– Xây dựng được màng lưới cán bộ và TNV (hơn 2000 TNV) tại 10 tỉnh/thành trọng điểm tuyên truyền hiệu quả cho người dân và sẵn sàng đáp ứng khi đại dịch xảy ra. Tại những tỉnh còn lại: cán bộ chủ chốt đã được đào tạo sẵn sàng triển khai các hoạt động.
– Nhiều tài liệu, đa dạng về chủng loại, phong phú, hấp dẫn được phân phối trên toàn quốc; 87.000 hộ gia đình đã được nhận xà phòng tiệt trùng dự phòng cúm gia cầm;
– Tổ chức 6 hội thảo khu vực và Trung ương để tìm biện pháp hiệu quả cho người dân có thể tự phòng chống dịch. Tổ chức hội thảo Quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức trong và ngoài nước. Thường xuyên được mời đi báo cáo tại các hội nghị thế giới và khu vực. Những hoạt động trên làm nổi rõ vai trò của CTĐ trong những hoạt động trên cộng đồng;
1.2. Các hoạt động hỗ trợ:
79,3% số tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách xây dựng được 45.000 giếng nước và 35.000 nhà vệ sinh.
84% số tỉnh đã vận động cộng đồng tham gia các hoạt động VSMT, dời chuồng gia súc xa nhà, vệ sinh chuồng trại, đường làng ngõ xóm.
2. Sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng:
Có 63/63 tỉnh/thành tham gia các hoạt động sơ cấp cứu, thành lập đội ngũ hướng dẫn viên, đào tạo sơ cấp cứu cho TNV:
Số trạm chốt, điểm sơ cấp cứu và số TNV SCC tăng nhanh: năm 2001 có 6500, năm 2006 tăng lên hơn 11.282 trong đó 1.684 trạm sơ cấp cứu phối hợp với trạm y tế. Số TNV SCC tăng từ 101.087 người lên 300.753 người.
Tài liệu đào tạo SCC được hoàn thiện với sự hỗ trợ của các hội quốc gia.
Hàng năm, số lớp đào tạo về sơ cấp cứu là 2.800 – 3.000 lớp. Tổng số người được đào tạo sơ cấp cứu mỗi năm từ 170.000 – 200.000 người.
Số người được sơ cấp cứu tại cộng đồng hàng năm: 100.000 – 120.000 lượt người; trong đó khoảng 30% được vận chuyển tới cơ sở y tế.
Uy tín của Hội Chữ thập đỏ được nâng lên qua hoạt động sơ cấp cứu:
– Nhiều tổ chức đã tin cậy mời CTĐ đào tạo SCC.
– Bộ Y tế đã nhất trí với vai trò nòng cốt của Hội CTĐ Việt Nam trong hoạt động đào tạo SCC ở cộng đồng.
3. Tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo:
Đến nay cả nước đã có 63 tỉnh/thành Hội tổ chức thực hiện vận động HMNĐ
Có sự chuyển đổi cơ cấu người hiến máu (Trong nhiệm kỳ trước: Người bán máu chuyên nghiệp: 85%, người tình nguyện: 14%; đến nay, người bán máu chuyên nghiệp chỉ còn 32% và người hiến máu tình nguyện đã tăng lên 59%). Toàn quốc có 10 người đã hiến từ 50 – 78 đơn vị máu. Hàng ngàn người hiến máu trên 10 lần. Nhiều mô hình hay xuất hiện như hiến máu nhiều lần, hiến máu dự bị, gia đình hiến máu..
Hội nghị hiến máu nhân đạo toàn quốc lần 1 do Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức, là mốc quan trọng trong hoạt động hiến máu nhân đạo. Tại hội nghị, vai trò của Hội Chữ thập đỏ đã được đánh giá cao.
4. Khám chữa bệnh nhân đạo:
Tổ chức nhiều nội dung và mô hình hoạt động khám chữa bệnh phong phú, được dư luận trong cộng đồng ủng hộ và hưởng ứng:
Với 1488 cơ sở KCB CTĐ, trong đó 559 cơ sở đạt chuẩn theo qui chế, trong 6 năm qua mô hình khám chữa bệnh tại chỗ đã thực hiện khám bệnh miễn phí cho hơn 233.700 lượt và phối hợp phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 1.200 người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam. Khám cho hơn 15.000.000 lượt và 2.100.000 lượt bệnh nhân nghèo được cấp thuốc miễn phí. Thành lập được Ban Bảo trợ khám chữa bệnh nhân đạo và huy động được các tổ chức trong, ngoài nước ủng hộ thuốc và vật tư y tế (trị giá trên 9 tỷ đồng) để duy trì hoạt động trong những năm qua.
Hoạt động Khám chữa bệnh lưu động là một mô hình rất phù hợp cho các vùng sâu, vùng xa là những nơi người nghèo ít có khả năng tiếp cận với y tế. Phát triển mô hình này, ngày 28/2/2005 Đoàn Thầy thuốc tình nguyện khám chữa bệnh nhân đạo lưu động trực thuộc Trung ương được thành lập và sau 2 năm hoạt động đã khám và cấp thuốc miễn phí cho trên 3.000 lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, các đối tượng chính sách. Đoàn Thầy thuốc tình nguyện phía Nam ngoài khám trong nước còn giúp CTĐ Campuchia phẫu thuật mắt cho 423 người đục thuỷ tinh thể, cấp phát thuốc cho 4.061 người với trị giá 1,2 tỷ đồng.
Bếp ăn tình thương cho người nghèo trong bệnh viện phát triển tốt:
– Hoạt động này đã được phát triển, mở rộng tại 63 tỉnh/thành (các nhiệm kỳ trước chỉ có ở vài ba tỉnh), đã cung cấp được 3 triệu xuất ăn/năm.
– Thành lập được Ban Bảo trợ bếp ăn tình thương để duy trì hoạt động của bếp bền vững.
5. Phòng chống HIV/AIDS:
Đã xây dựng được chiến lược định hướng cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2010. Nhờ chiến lược này, 47 tỉnh/thành Hội đã tổ chức tốt các hoạt động, xây dựng được màng lưới rộng khắp với gần 10 ngàn TNV Chữ thập đỏ tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Kết quả cụ thể đạt được:
– Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Tổ chức 1.195 lớp đào tạo cho 18.485 lượt cán bộ, hội viên, TNV và đối tượng dễ bị tổn thương. Tiếp cận, tư vấn được 20.773 lượt người (5.610 người) nhiễm HIV/AIDS…
– Giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS: Tổ chức tết nguyên đán, tết trung thu cho người nhiễm và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Phát động các cuộc thi viết, vẽ tranh, thả diều, phát hành tuyển tập các bài hát về HIV/AIDS. Tổ chức các lễ mít tinh nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS hàng năm, các đêm ca nhạc tuyên truyền và vận động gây quỹ…
– Phát triển các chương trình chăm sóc, hỗ trợ và tạo việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS: Cung cấp 6.104 gói chăm sóc hỗ trợ cho 3.809 người nhiễm HIV/AIDS; 7.707 tuần thực phẩm cho 3.265 bệnh nhân AIDS nghèo; 17.171 ngày ăn (tương ứng 51.513 xuất ăn) cho 987 bệnh nhân trong bệnh viện. Tổ chức dạy nghề cho 508 người nhiễm. Tạo việc làm cho 525 người…
6. Tham gia phát triển bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân là một hoạt động mới của Hội Chữ thập đỏ các cấp
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân nhằm giúp mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết với Bảo hiểm xã hội các nội dung phối hợp trong công tác vận động nhân dân mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.
Đến tháng 10/2005 đã có 25 tỉnh/thành Hội hưởng ứng tích cực vận động nhân dân mua thẻ bảo hiểm y tế. Phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội địa phương vận động nhân dân mua được 82.000 thẻ trong tổng số 270.000 thẻ bảo hiểm y tế đã bán trong năm 2004.
III. CÁC MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CSSKBĐ HIỆU QUẢ CẦN ĐƯỢC PHỔ BIẾN, NHÂN RỘNG
1. Một số vấn đề mới, mô hình hay
– Các mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu (Mô hình trẻ tới trẻ tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, Hoạt động tiết kiệm – tín dụng cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi vay vốn để xây công trình vệ sinh, Câu lạc bộ các bà mẹ).
– Các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng (Mô hình trạm, chốt, điểm sơ cấp cứu dựa vào nhà dân dọc đường quốc lộ, Các đội xích lô, taxi sơ cấp cứu lưu động).
– Các mô hình khám chữa bệnh nhân đạo (Đoàn Thầy thuốc tình nguyện KCB lưu động, Xe nha khám chữa răng lưu động, Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện…).
– Các mô hình trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS (Mô hình chăm sóc hỗ trợ tại cộng đồng, Trung tâm đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người nhiễm lồng ghép trong trung tâm nhân đạo của tỉnh/thành Hội).
Các mô hình này đã được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện những năm qua, đã khẳng định được tính hiệu quả và bền vững.
2. Cách làm sáng tạo
Các nội dung hoạt động của công tác chăm sóc sức khoẻ không những đã bám đúng định hướng chỉ đạo của Đại hội VII mà còn vận dụng linh hoạt để tạo những hoạt động đặc thù nên với nguồn kinh phí không nhiều vẫn gây được hiệu quả lớn.
Huy động tốt sức mạnh của cộng đồng trong việc phối kết hợp liên ngành do vậy đã kêu gọi được sự ủng hộ cả về tài chính, kỹ thuật, nhân lực của các ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước.
Mạnh dạn, sáng tạo thực hiện các ý tưởng, đa dạng hoá các mô hình do vậy đã làm biểu tượng và hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ ngày càng đậm nét trong cộng đồng.
Các cách làm sáng tạo như việc tích cực bám cơ sở để phát hiện và nhân rộng các điển hình, gối các dự án, từng bước mở rộng địa bàn; Lấy hoạt động hiện tại làm cơ sở cho những hoạt động tiếp theo sâu và rộng hơn; Sáng tạo trong thiết kế các hoạt động (Đoàn thầy thuốc khám chữa bệnh tình nguyện lưu động, Tết cho người nhiễm HIV/AIDS…); Lồng ghép hoạt động dự án với các nguồn lực sẵn có để đưa phong trào đến cơ sở (Hội thi TNV giỏi, làm đĩa CD, thi vẽ tranh phòng chống HIV/AIDS…) đã làm cho hiệu quả các chương trình ngày càng rõ nét và mang tính bền vững.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC CSSKBĐ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Các lĩnh vực ưu tiên
1.1. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu:
Tập trung vào Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Nước sạch – Vệ sinh môi trường, Phòng chống bệnh tật, Phòng chống suy dinh dưỡng…
Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và cộng đồng về kiến thức vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh giúp người dân biết tự chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền ở cộng đồng dân cư và người dễ tổn thương.
Nước sạch vệ sinh môi trường : Hỗ trợ cộng đồng cải thiện điều kiện vệ sinh như nước sạch (giếng nước, bể nước,…) và vệ sinh môi trường (hỗ xí, …)
Vận động, hướng dẫn cộng đồng tham gia phòng chống bệnh thông thường, phòng chống suy dinh dưỡng và các chương trình y tế quốc gia.
1.2. Sơ cấp cứu
Xây dựng và nâng cao chất lượng màng lưới đào tạo Sơ cấp cứu trong toàn quốc đồng thời chuẩn hoá chương trình, nội dung tài liệu đào tạo Sơ cấp cứu.
Phát triển và tổ chức đào tạo lực lượng Tình nguyện viên Sơ cấp cứu và tiến hành cấp Giấy chứng nhận.
Thực hiện các hoạt động Sơ cấp cứu tại cộng đồng và củng cố phát triển hệ thống trạm, chốt Sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Chuẩn hoá phương tiện Sơ cấp cứu và hệ thống thông tin báo cáo hoạt động Sơ cấp cứu.
1.3. Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trong các tình huống khẩn cấp: bao gồm chăm sóc sức khoẻ trong thảm hoạ và các dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm
Chăm sóc sức khoẻ trong thảm hoạ: thành lập đội ứng phó thảm hoạ bao gồm những tình nguyện viên sơ cấp cứu và huy động thêm lực lượng khi cần, đào tạo sơ cấp cứu trong thảm hoạ. Xây dựng danh mục cơ số trang thiết bị và thuốc, sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp, tổ chức vận chuyển nạn nhân.
Sơ cấp cứu trong dịch bệnh: chủ yếu tập trung vào giáo dục vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng lây nhiễm bệnh nguy hiểm.
1.4. Khám chữa bệnh nhân đạo đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam và chăm sóc dinh dưỡng cho bênh nhân nghèo
Tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Phối hợp với các bệnh viện tiến hành phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo
Đa dạng hoá các loại hình khám chữa bệnh Chữ thập đỏ: Phòng khám Chữ thập đỏ, tổ chẩn trị đông y, bệnh viện Chữ thập đỏ… Tăng cường áp dụng điều trị Đông y, Tây y, Đông Tây y kết hợp, trồng và sử dụng cây thuốc Nam, áp dụng các biện pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Đẩy mạnh việc tổ chức các đội khám chữa bệnh lưu động đến cộng đồng ở vùng nghèo, xa xôi hẻo lánh, ít có điều kiện khám chữa bệnh như Tây Bắc, Tây Nguyên…..
Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh Hội Chữ thập đỏ, bằng cách đầu tư trang thiết bị và kiện toàn đội ngũ cán bộ y bác sỹ chuyên trách cả về cơ cấu và chất lượng, huy động các giáo sư, bác sỹ, các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của các bệnh viện quân đội và dân y tham gia hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế quân đội nghỉ hưu, biên phòng, lực lượng tôn giáo.
Góp phần bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo đang trong bệnh viện chóng bình phục trở về với gia đình và xã hội.
1.5. Phòng chống HIV/AIDS
Nâng cao hiểu biết của cán bộ hội viên, tình nguyện viên CTĐ và cộng đồng về HIV/AIDS nhằm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các đối tượng dễ bị tổn thương thông qua việc phát triển và mở rộng các hoạt động thông tin – giáo dục – truyền thông, nhất là truyền thông thay đổi hành vi.
Cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS thông qua việc phát triển các chương trình chăm sóc, hỗ trợ, tạo việc làm và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử nhằm hoà nhập cộng đồng cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ. Chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi do cha, mẹ bị nhiễm HIV/AIDS thông qua các Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ.
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:
-
Khám, chữa bệnh nhân đạo (phát triển các đội khám bệnh, chữa bệnh thuộc Hội Chữ thập đỏ, tổ chức các phòng khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, trồng và phát triển cây thuốc nam…).
-
Huấn luyện sơ cấp cứu, xây dựng đội hình sơ cấp cứu và các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.
-
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, vận động hỗ trợ công trình và hướng dẫn thực hành, sử dụng nước sạch vệ sinh.
Loading…