Chăm sóc phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn, mặn
STO – Trong những năm gần đây, do hạn hán, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, một số vườn cây ăn trái tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn, trong đó có cây chôm chôm. Vì vậy, để phục hồi vườn cây chôm chôm bị ảnh hưởng hạn, mặn, cây suy kiệt, giảm năng suất trái, Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã triển khai mô hình “Các giải pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi vườn chôm chôm do ảnh hưởng hạn, mặn”, đã đem lại thành quả tốt đẹp.
Ông Lê Tri Phương, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên vườn chôm chôm đã “hồi sinh” sau khi Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hỗ trợ thực hiện mô mình “Các giải pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi vườn chôm chôm do ảnh hưởng hạn, mặn”. Ảnh: TL
Đợt hạn, mặn những tháng mùa khô xảy ra trong các năm 2019, 2020 trên địa bàn xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách đã làm cho nhiều diện tích trồng cây chôm chôm bị ảnh hưởng nặng. Có vườn chôm chôm bị mặn xâm nhập làm chết hàng loạt cây, có vườn sau mặn nhờ chăm sóc tốt, chôm chôm phục hồi nhưng cây bị rụng nhiều lá, năng suất trái không đạt. Qua các khó khăn của nhà vườn trong việc phục hồi vườn chôm chôm sau mặn xâm nhập, Trạm Khuyến nông Kế Sách đã thực hiện mô hình “Các giải pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi vườn chôm chôm do ảnh hưởng hạn, mặn” tại hộ ông Lê Tri Phương, ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, với diện tích 1ha.
Theo Trưởng trạm Khuyến nông Kế Sách Nguyễn Hoàng Nhu, để khôi phục vườn cây chôm chôm bị ảnh hưởng hạn, mặn tại hộ ông Phương, đơn vị triển khai các giải pháp kỹ thuật như: tỉa các cành già yếu, sâu bệnh; thu gom tàn dư thực vật có nguy cơ phát tán nấm bệnh, vi khuẩn gây hại… và tẩy rửa cây bằng nước sạch. Song song đó tiến hành xử lý, cải tạo đất, nâng cấp hệ thống cống bọng và tiến hành xới nhẹ lớp đất mặt, rải vôi khử khuẩn và rửa mặn, bón phân hữu cơ vi sinh + nấm Trichoderma kết hợp tưới humic.
Bên cạnh đó, kích rễ phát triển bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ được tưới gốc, phun lá cũng như bón phân hóa học chuyên dụng kết hợp phân hữu cơ và humic hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây chôm chôm. Kết hợp bổ sung các chế phẩm sinh học có chứa các nấm và vi khuẩn có ích. Đối với nước tưới, tiêu phải bảo đảm đủ độ ẩm trong suốt giai đoạn thực hiện mô hình và tận dụng vật liệu có sẵn đậy gốc cây chống thoát nước, tránh mất phân… giúp bộ rễ phát triển mạnh và hấp thu tối đa dinh dưỡng để phục hồi. Sâu bệnh trên cây chôm chôm được quản lý bằng cách dùng các chế phẩm sinh học, với các nấm đối kháng như: Trichoderma, EMINA – P, Nano đồng. Sau khi áp dụng các biện pháp trên, cây phục hồi, lá xanh tốt, sum suê, xử lý ra hoa. Theo đó, các chất dinh dưỡng tạo mầm được cung cấp đầy đủ, các chất ức chế sinh trưởng được phun trên lá và tưới gốc, các chế phẩm kích thích ra hoa được phun cho cây ra hoa đồng loạt.
Theo ông Lê Tri Phương, vườn chôm chôm của gia đình bị mặn xâm nhập, toàn bộ số cây trong vườn bị rụng nhiều lá. Do đó, sản lượng trái thu hoạch trong năm 2021 khoảng vài trăm ký/ha. Tuy nhiên, qua thực hiện mô hình khôi phục vườn chôm chôm do Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hỗ trợ, vườn cây chôm chôm của gia đình đã khôi phục tốt, sản lượng trái thu về trong năm 2022 là 22 tấn, trừ chi phí lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha/vụ/năm.
Đồng chí Võ Văn Bé – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng nhìn nhận mô hình “Các giải pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi vườn chôm chôm do ảnh hưởng hạn, mặn” được Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách triển khai khá thành công trong khôi phục vườn chôm chôm cho nhà vườn. Đồng thời, đạt mục tiêu về xây dựng mô hình khuyến nông theo định hướng hữu cơ, an toàn, hiệu quả và bền vững. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả của vi sinh vật, tăng giá trị sử dụng phân bón, cải tạo đất bị nhiễm mặn, giúp cây phục hồi, sinh trưởng và phát triển tốt. Tạo ra sản phẩm trái cây sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình là nơi tham quan, học tập kinh nghiệm cho các nhà vườn ứng dụng.
THÚY LIỄU