Chăm chỉ làm thêm, sinh viên chia sẻ ‘bí kíp’ kiếm thêm thu nhập, nâng cao kiến thức

TPO – Trải nghiệm nhiều công việc làm thêm ngay từ năm nhất để có thêm cơ hội cọ xát nâng cao kỹ năng chuyên ngành là cách mà nhiều sinh viên hiện nay đang chuẩn bị hành trang khi còn trên giảng đường.

Trải nghiệm nhiều công việc liên quan chuyên ngành học

Đang là sinh viên năm 3 tại Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), Lê Thị Ngọc Thùy có hơn 2 năm kinh nghiệm làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành học của mình. Ngọc Thùy học về chuyên ngành Công tác thanh thiếu nhi nên cô đã chọn tất cả các công việc làm thêm liên quan đến thanh thiếu nhi: hoạt náo viên cho trẻ, MC các chương trình thiếu nhi, giáo viên kỹ năng cho trung tâm kỹ năng sống, trợ giảng cho các tour dã ngoại cho trẻ…

Trước đó, ngay từ năm nhất, Ngọc Thùy đã tham gia các hoạt động về tình nguyện. Thùy là tình nguyện viên tích cực hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Thành Đoàn TPHCM qua hai đợt dịch. Thùy chia sẻ: “Mình tích lũy được nhiều kỹ năng khi tham gia chống dịch và sau này khi đi làm thêm các công việc cho trẻ mình lại có dịp thực hành và bổ sung thêm các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống…. Và khi đi làm mình nhận thêm nhiều các cơ hội việc làm mới khác nhau liên quan đến chuyên ngành”.

Chăm chỉ làm thêm, sinh viên chia sẻ 'bí kíp' kiếm thêm thu nhập, nâng cao kiến thức ảnh 1

Chăm chỉ làm thêm từ năm nhất, đến thời điểm hiện tại Thùy đã có thể tự túc chi phí ăn học của mình và thi thoảng mua được quà tặng cho mẹ đang sống tại Cà Mau. “Để không ảnh hưởng đến việc học mình thường lên lịch ưu tiên cho việc học sau đó chọn các công việc làm thêm phù hợp với thời gian rảnh và chuyên ngành học của mình” – Thùy bật mí.

Chăm chỉ làm thêm, sinh viên chia sẻ 'bí kíp' kiếm thêm thu nhập, nâng cao kiến thức ảnh 2

Cũng tham gia làm thêm ngay từ năm nhất, Lê Hoàng Phát, sinh viên khoa Ngữ văn Anh, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) lại chọn công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành học để kiếm thêm thu nhập và có môi trường rèn ngoại ngữ. Hoàng Phát hiện đang làm công việc gia sư và cuối tuần làm giáo viên trợ giảng tiếng Anh cho một CLB dã ngoại tiếng Anh cho trẻ tại quận Bình Thạnh. “Nhà mình không khó khăn về kinh tế, tuy nhiên mình vẫn muốn làm thêm từ sớm để được trải nghiệm các kiến thức chuyên ngành. Cả 2 công việc mình đều tiếp xúc và nói chuyện tiếng Anh nhiều nhờ vậy khả năng ngoại ngữ cũng tiến bộ rất nhanh. Không những vậy, kỹ năng sư phạm của mình cũng được cải thiện đáng kể” – Phát chia sẻ.

Chăm chỉ làm thêm, sinh viên chia sẻ 'bí kíp' kiếm thêm thu nhập, nâng cao kiến thức ảnh 3

Chọn công việc làm thêm để “lấy ngắn nuôi dài”

Do hoàn cảnh khó khăn và thời gian học chính chiếm nhiều thời gian nên Trần Khánh Tường (sinh viên năm 2, khoa Điều dưỡng và kỹ thuật y học, Trường ĐH Y dược TP.HCM) lại chọn công việc làm thêm là tài xế xe ôm công nghệ. Khánh Tường nói rằng, chọn công việc làm thêm xe ôm công nghệ để chủ động được thời gian. “Khi nào rảnh là mình chạy. Trung bình mỗi tháng mình cũng kiếm được từ 3-4 triệu đồng” – Tường tâm sự.

Tuy hoàn cảnh khó khăn phải vất vả đi làm thêm nhưng Khánh Tường vẫn tham gia CLB chạy xe miễn phí cho những bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần di chuyển, với Tường đó vừa là niềm vui vừa là cách để anh bạn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Tường dự định sẽ kiếm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành của mình vào thời gian tới để rèn luyện thêm kiến thức về chuyên ngành trước khi ra trường.

Chăm chỉ làm thêm, sinh viên chia sẻ 'bí kíp' kiếm thêm thu nhập, nâng cao kiến thức ảnh 4

Trần Trung Tính (sinh viên chuyên ngành Công nghệ ô tô, trường CĐ Lý Tự Trọng) quê Long An cũng chọn công việc làm thêm về xe ôm công nghệ khi học tại Sài Gòn. Tính cho biết công việc làm thêm này giúp mình đủ tiền trang trải việc học và còn chủ động được thời gian học trên giảng đường. “Mỗi ngày trung bình mình chạy 4-5 giờ, cũng kiếm được 100.000 – 150.000 đồng. Để an toàn cho bản thân, mình không chọn khung giờ quá muộn. Mình chỉ chạy đến 9h tối và những cung đường quen” – Tính nói. Ngoài làm xe ôm công nghệ, Tính cũng đang tìm hiểu thêm một số gara sửa xe ô tô để xin phụ việc không lương để học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên ngành.

Sinh viên cần tỉnh táo khi kiếm việc làm

Với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn việc nhẹ lương cao, không yêu cầu kinh nghiệm khiến không ít sinh viên bỏ tiền ra đặt cọc cho các trung tâm môi giới việc làm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được công việc làm thêm ưng ý.

Theo Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên trường CĐ Cảnh sát Nhân dân 2, “mồi nhử” mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn, thường là mô hình thực hiện các gói nhiệm vụ thưởng “lãi hoa hồng” tăng dần. “Còn rất nhiều những chiêu trò lừa đảo mà sinh viên có thể sẽ gặp khi bước vào môi trường học trực tiếp giảng đường. Chính vì thế, các bạn sinh viên cần phải giữ một “cái đầu lạnh”, sự cảnh giác cao độ tại những thành phố lớn. Các bạn sinh viên cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng trước khi tham gia việc gì để tránh bị lừa đảo”, Thượng úy Tuấn lưu ý các bạn sinh viên khi đi tìm việc.

Anh Lê Xuân Dũng – Giám đốc trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM cũng lưu ý các bạn sinh viên cần lọc website chính thống, vào trang, tra cứu tên miền, kiểm tra thông tin… Đối với các đối tượng chủ động liên hệ lương cao hơn mức bình thường, chính là bất thường. Đồng thời, các hội thảo với mô hình đa cấp, đánh vào tâm lý ham giàu của nhiều người hiện nay, các bạn sinh viên cũng cần phải lưu ý.

Văn Tiệp