CDN là gì? Biết về Content Delivery Network khi thiết kế web – Monamedia
CDN là tập hợp một nhóm máy chủ (server) đặt tại nhiều vị trí khác nhau. Hoạt động của mạng lưới server này có thể đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho quá trình thiết kế website. Tuy nhiên bạn cần biết và sử dụng nó đúng cách, nếu không có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trang web của bạn.
Mục Lục
CDN là gì?
CDN là cách viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh Content Delivery Network, có nghĩa là mạng lưới phân phối nội dung. Content Delivery Network thường được dùng để chỉ một hệ thống các máy chủ được đặt ở những vị trí địa lý khác nhau, kết nối thông qua mạng internet và thực hiện nhiệm vụ truyền tải nội dung trang web đến người truy cập.
Khi ứng dụng CDN, ngoài server gốc (chẳng hạn bạn đang sử dụng VPS), người dùng có thể tiếp cận nội dung website thông qua các điểm truy cập hay các server hỗ trợ khác. Nhờ vậy, bạn sẽ điều phối và quản lý tốt hơn lượt truy cập vào website, nhất là khi lượt truy cập tăng cao trong cùng một thời điểm, ví dụ như khi bạn làm website bán hàng và tổ chức chương trình sale hoặc game online tiến hành giải đấu,… thì lượng người truy cập tại một thời điểm sẽ tăng đột biến, traffic đến từ nhiều khu vực khác nhau trên 1 một quốc gia hoặc thậm chí là nhiều quốc gia.
Cách thức hoạt động của CDN
Nội dung được phân phối bởi CDN
Nội dung (content) được đề cập ở đây bao gồm tất cả thông tin, dữ liệu dưới dạng văn bản, hình ảnh trên website, các file audio, video, hình động, infographic,…đa phần đều là các nội dung tĩnh.
Thông thường, các nội dung sẽ được chia thành hai nhóm là động và tĩnh:
-
Nội dung tĩnh: Nội dung tĩnh bao gồm các nội dung cố định, không bị thay đổi hay điều chỉnh dưới tác động của người dùng. Dù bạn truy cập vào trang từ bất kỳ thiết bị hay server nào, những nội dung này hoàn toàn giống nhau.
-
Nội dung động: Nội dung động bao gồm các phần nội dung sẽ chịu ảnh hưởng bởi dữ liệu của người dùng. Theo đó, các thông tin sẽ được cá nhân hóa dựa trên đối tượng sử dụng.
Như trong trường hợp bạn truy cập vào một trang web thương mại điện tử, các phần thông tin, hình ảnh, mô tả sản phẩm, hướng dẫn mô hàng đều giống hệt nhau. Những nội dung này đều là nội dung tĩnh. Tuy nhiên, mục đề xuất sản phẩm với từng khách hàng sẽ được thay đổi tùy theo dữ liệu về độ tuổi, khu vực, thói quen mua sắm,… Phần đề xuất này được coi là nội dung động.
Cách thức phân phối nội dung của CDN
Để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của Content Delivery Network, trước hết, chúng ta sẽ nhìn lại cách thức vận hành thông thường khi người dùng truy cập website.
Khi không có CDN, nội dung được lưu trữ ở một nguồn hay một server duy nhất. Server này được kết nối với các thiết bị của người dùng thông qua đường truyền Internet. Mỗi khi có người truy cập, yêu cầu sẽ được truyền tới server và máy chủ tiến hành gửi lại các thông tin, nội dung. Hầu hết mọi công đoạn sẽ do một server duy nhất phụ trách. Trong trường hợp server ở xa, đường truyền không ổn định hay quá nhiều người cùng truy cập gây nghẽn mạng thì tốc độ truy cập bị ảnh hưởng đáng kể.
Với việc ứng dụng CDN, nội dung dữ liệu của các trang sẽ được lưu trữ trên nhiều server đặt tại các vị trí khác nhau. Hệ thống server này sẽ được kết nối và quản lý đồng bộ. Khi có người dùng truy cập, những data center sẽ xác định vị trí server gần nhất với người dùng và điều hướng truy cập của người dùng đến server đó.
Như vậy, website có thể phân chia lượng traffic đến server gốc sang nhiều server còn lại trong hệ thống. Nội dung web sẽ không bị thay đổi, trong khi đó thời gian tải và xử lý yêu cầu của người dùng được rút ngắn.
Những lợi ích từ CDN trong thiết kế website
Giảm băng thông
Như đã đề cập qua ở cách thức hoạt động của CDN, lượng truy cập vào website sẽ được chia nhỏ, điều hướng đến các máy chủ khác nhau. Lượng lớn người truy cập trực tiếp vào server gốc nhờ vậy cũng sẽ giảm bớt và theo đó băng thông cũng giảm đi tương ứng. Tình trạng nghẽn mạng nhờ vậy sẽ được cải thiện rõ rệt nhờ tận dụng tốt các server đang rãnh trong hệ thống.
Cùng với CDN, thì sự phát triển của các công nghệ như web caching – công nghệ cho phép lưu trữ bản sao dữ liệu web đều đóng góp rất lớn đến việc giảm băng thông.
Tăng tốc độ website
Với cách thức hoạt động thông thường khi không có CDN, tốc độ truyền dữ liệu giữa máy chủ và thiết bị người dùng sẽ có nhiều quy trình gây ra độ trễ như quá trình xử lý file ở server, giao thức chuyển file, quá trình đọc file, lượng băng thông trong một thời điểm nhất định,… Khi độ trễ quá lớn, làm thời gian tải trang tăng lên thì phần đông người dùng sẽ lựa chọn click back.
Content Delivery Network có thể phân tán lượng truy cập giúp đẩy nhanh công đoạn xử lý ở server và tăng tốc độ một số quy trình khác. Do đó, tốc độ tải trang web sẽ được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với mức thông thường.
Cải thiện bảo mật
Những website chỉ sử dụng duy nhất một máy chủ thường dễ bị tổn hại và khó khắc phục hơn nếu gặp phải các cuộc tấn công mạng hay những vấn đề khác liên quan đến bảo mật. Những rắc rối này có thể khiến website bị tê liệt hoàn toàn và không thể truy cập, sử dụng trong một khoảng thời gian dài. Và tất nhiên, khi website bị ảnh hưởng, nó không chỉ tác động đến lợi ích của người dùng mà trực tiếp kìm hãm hoạt động của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp.
Ngược lại thì với CDN có độ chứng thực và mã hóa cao hơn, làm giảm nguy cơ dữ liệu bị tiếp cận, đánh cắp hay sửa đổi hệ thống bởi hacker.
Đẩy mạnh khả năng phân phối nội dung
Với nhiều máy chủ khác nhau, nội dung sẽ được phân tán và tiếp cận tốt hơn bởi người sử dụng. Các quá trình xử lý hay truyền thông tin cũng được cải thiện về tốc độ.
Những website nào nên sử dụng CDN
Website thương mại điện tử
Website thương mại điện tử thường có lượt truy cập rất lớn. Đặc biệt vào những ngày lễ, những dịp giảm giá lớn hay có chương trình khuyến mãi hấp dẫn thì lượt traffic vào trang sẽ đột ngột tăng rất cao. Trong khi đó, khách hàng lại không có quá nhiều thời gian để kiên nhẫn chờ đợi. Nếu họ truy cập trang mà tốc độ tải quá chậm, khách hàng sẽ dễ dàng đổi sang tìm kiếm sản phẩm khác hay thậm chí là dùng website bán hàng khác.
Vì tốc độ tải trang có thể quyết định đến cơ hội tiếp cận và bán hàng nên khi thiết kế website thương mại điện tử thường sẽ phải lựa chọn các giải pháp tốt nhất giúp giảm độ trễ, tăng tốc độ tải và xử lý dữ liệu. Do đó, Content Delivery Network là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu với khả năng phân phối và quản lý lượt traffic trên trang.
Game online
Game online thường cần nhiều không gian cho việc lưu trữ nội dung, đồng thời, trong quá trình sử dụng thì tốc độ tải và xử lý trang luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu các vấn đề liên quan đến băng thông và tốc độ đường truyền không được cải thiện thì người chơi rất dễ gặp phải các tình huống giật lag hay bị out ra khỏi game. Những vấn đề này có thể sẽ khiến những nhà sản xuất mất đi lượng lớn khách hàng.
Công nghệ CDN sẽ tạo ra không gian để lưu trữ đầy đủ những dữ liệu, nội dung trong khi vẫn đảm bảo tối đa về tốc độ truy cập, xử lý dữ liệu.
Website cung cấp dịch vụ giải trí
Tương tự như website thương mại điện tử thì những website cung cấp dịch vụ giải trí như phim, video, âm nhạc, tin tức, bài viết, hình ảnh,… dưới các dạng thức download, streaming hay xem online đều thu hút một lượng lớn người truy cập. Content Delivery Network sẽ giúp tiến hành phân phối lượng người tiếp cận đến các server khác nhau giúp tốc độ xử lý những dịch vụ giải trí này trở nên nhanh chóng.
Cùng với đó, hệ thống CDN còn tạo ra những vùng đệm chứa tạm nội dung giúp việc phát các video, file audio,… không bị gián đoạn. Qua đó, người dùng sẽ có trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng.
Ngoài một số nhóm website và dịch vụ online được đề cập ở đây, nếu lượt truy cập vào website của bạn ở mức cao hoặc bạn có nhu cầu cải thiện trải nghiệm cho người dùng trên trang thì việc ứng dụng CDN sẽ phát huy được hiệu quả khá rõ rệt.