Cây ươi – Lộc trời trên dãy Trường Sơn
(TN&MT) – Mùa hè trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, nhiều khoảnh rừng trên dãy Trường Sơn Đông đổi sang màu đỏ báo hiệu mùa ươi chín. Thời điểm này, người dân đổ xô vào rừng nhặt hạt ươi, họ ví von là đi nhặt “lộc trời” ban “hạt ươi bay”. Vì sao gọi là “lộc trời”? Cây ươi trưởng thành phải qua tiến trình 4 năm mới đơm hoa kết quả 1 lần, đây chính là chỗ quý của hạt ươi!
Quần thể cây ươi sát QL 14B tại xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Gian nan bảo vệ lộc trời
Những ngày này, khắp một dãy Trường Sơn Đông tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhiều khoảnh rừng đổi sang màu đỏ, mùa thu hoạch “hạt ươi bay” đã về. Mỗi khi gió thổi mạnh, hạt ươi mang theo cuống lá khô lìa cành xoay theo gió trông thật mãn nhãn. Hạt ươi rơi khắp một vùng, thậm chí còn vướng trên tán cây rừng xung quanh.
Hạt ươi khi đủ độ chín tự rụng mới tốt nhất. Đặc điểm của cây ươi thường sinh trưởng quần tụ ở những sườn núi cao nên việc tuần tra kiểm soát vô cùng vất vả.
Cây ươi không là sở hữu “của riêng” ai, mà cộng đồng phải liên kết lại với nhau, cùng hưởng lợi và cùng bảo vệ. Những năm về trước, dân thu hoạch ươi theo kiểu tận diệt như chặt cây, mé cành… Thêm vào đó, do biến đổi khí hậu toàn cầu nên cây ươi không còn tuân thủ chu kỳ 4 năm lại cho hạt. Riêng tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam từ năm 2014 đến nay, cây ươi mới đơm hoa kết hạt nên người dân mới thấy quý thứ “lộc trời” này.
Hạt ươi già còn cuống lá
Theo ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã có văn bản gửi các xã, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm túc việc vào Vườn quốc gia Sông Thanh khai thác lâm sản phụ, trong đó có hạt ươi.
Đầu tháng 6, khi cây ươi bắt đầu chín từ địa bàn Phước Xuân lên các xã vùng cao, một lần nữa chính quyền địa phương sớm vào cuộc, tăng cường chỉ đạo trong việc gặp gỡ, phổ biến cách thức khai thác bền vững, bảo vệ cây ươi, bảo vệ nguồn lợi cho chính người dân địa phương sau một thời gian dài cộng đồng đã tham gia gìn giữ và chăm sóc rừng.
UBND huyện Phước Sơn thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.
Hạt ươi già còn tươi
“Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân thu lượm ươi, nhưng tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không trèo lên cây cao để rung lắc cho ươi rụng rất nguy hiểm đến sinh mạng, không chặt nhánh, cành ươi để lấy hạt”- ông Lê Quang Trung thông tin.
Vào ngày 20/6, Trạm Bảo vệ rừng xã Phước Xuân phát hiện ông Trần Hữu Út, quê ở huyện Đại Lộc cùng đi với 3 người khác lén lút vào khu vực khoảnh 7, tiểu khu 625 thuộc xã Phước Xuân chặt hạ cây ươi có khối lượng gỗ quy tròn khoảng 5m3. Đây là khu vực được quy hoạch là rừng đặc dụng thuộc lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh. Ông Út khai nhận chặt cây ươi để thu lượm hạt.
Ngày 23/6, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ. Để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành chức năng tăng cường các giải pháp nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được kiểm tra làm rõ và phải xử lý như đối với trường hợp phá rừng, khai thác gỗ trái phép.
BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa thiết lập các điểm chốt chặn để ngăn chặn người vào rừng trái phép tận diệt, khai thác ươi
Còn tại TP. Đà Nẵng, ông Quách Hữu Sơn – Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, khi mùa ươi bay rộ lên, người dân trên địa bàn và cả những người từ nơi khác tìm đến các cánh rừng già để thu lượm hạt ươi khá nhiều. Không ít người do nôn nóng thu hoạch được nhiều hạt đã trèo lên cây, chặt cành, thậm chí đốn hạ cả cây ươi.
Để bảo vệ rừng ươi, ngăn chặn các đối tượng tận diệt và bảo vệ PCCC rừng trong mùa nắng nóng, đơn vị đã huy động hơn 40 cán bộ, kiểm lâm viên, bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an địa phương, cùng huy động 280 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (thuộc huyện Hòa Vang) và nhiều hộ dân tình nguyện ở thôn Ka Dong, xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cùng tham gia xác lập 10 điểm chốt chặn. Nhiệm vụ của các chốt là phân công lực lượng trực 24/24h trong ngày tại các chốt để ngăn chặn người vào rừng trái phép tận diệt, khai thác ươi.
BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tăng cường tuần tra, giám sát việc khai thác cây ươi trên địa bàn
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Mặc dù chính quyền địa phương đã có văn bản cấm chặt hạ cây ươi và trèo lên cây rung lắc, nhưng có không ít người đã cố tình trèo lên cây, chặt cành, thậm chí đốn hạ cả cây. Điều này không chỉ hủy hoại cây ươi mà còn nguy hiểm đến tính mạng người hái.
Ngày 1/7, lúc 11h trưa trên địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn đã xảy ra một tai nạn thương tâm vì săn “lộc trời”, nạn nhân là em Hồ Văn Hà (SN 2004, trú tại thôn 2, xã Phước Hiệp). Theo nguồn tin, Hồ Văn Hà cùng hơn 10 người trong thôn rủ nhau vào rừng thuộc địa bàn thôn 4, xã Phước Hiệp để thu lượm quả ươi. Tuy nhiên, do bất cẩn khi trèo lên cây hái quả, Hà bị rơi từ trên cây xuống đất. Những người đi cùng đã nhanh chóng đưa Hà đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng do chấn thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong.
Những quả ươi cùng đài hoa bị gió thổi bay hoặc rụng xuống đất sẽ nảy mầm, tái sinh sau những cơn mưa
Sau đó, vào sáng 5/7, anh Hồ Văn Hải (SN 1996, trú xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) cùng vợ và bố vợ vào rừng (thuộc khu vực suối Đà Lạt, huyện Phước Sơn) để thu lượm hạt ươi. Chiều cùng ngày, khi trèo lên cây ươi để rung lắc cho hạt bay xuống, anh Hải không may rơi từ trên cây xuống đất, tử vong tại chỗ.
Tiếp đến, ngày 7/7, lãnh đạo xã Hương Lộc (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) xác nhận thông tin, anh V.L (SN 1988, trú ở thôn 2, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nhập viện trong tình trạng bị gãy tay, chân, dập phổi do hoạt động trèo hái ươi. Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên mà trước đó đã có một người dân khác ở thôn 3, xã Hương Lộc cũng vì trèo hái ươi mà ngã trọng thương.
Nhờ có đài này nên khi chín, ươi được gió mang đi
Dược liệu quý từ cây Ươi
Cây ươi (đười ươi, lười ươi) trong Đông Y gọi là An nam tử, Bàng đại hải… Cây được phân bố nhiều vùng như: A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông, vườn Quốc gia Bạch Mã… (Thừa Thiên Huế); Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Nông Sơn, Phước Sơn… (Quảng Nam); Trà Bồng (Quảng Ngãi); Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (Bình Định); Sa Thầy, Đắc Tô, Kon Plong… (Kon Tum); Chư Prông, Chư Pảh, An Khê (Gia Lai); Đắc Mil (Đắk Nông); Lâm Chà, Đà Tẻ (Lâm Đồng); Đồng Phú ( Bình Phước); Tân Phú, Vĩnh An, Mã Đà (Đồng Nai); Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Theo Đông y, hạt ươi có vị ngọt lợ, tính hàn, có công dụng giải nhiệt, đào thải độc tố, lợi yết hầu, nhuận tràng. Ươi còn dùng trong những trường hợp ho khan, viêm họng, nhiệt táo, sốt, đại tiện ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam…
Hạt ươi là dược liệu quý, được dùng làm thuốc chữa bệnh
Ngày nay, hạt ươi sử dụng chủ yếu cho công dụng mát và nhuận, đi vào kinh phế.
Hạt ươi có vị ngọt, thanh nhiệt, tính mát. Trong hạt có chứa nhiều nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và giúp bỗ trợ điều trị một số bệnh như: Tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thải độc gan, tiêu độc. Chữa sỏi thận, vôi gai cột sống, đau xương, nhức mỏi. Điều trị các bệnh nhiệt: Chảy máu cam do nóng trong, nhiệt miệng, táo bón. Bỗ trợ chữa trị chứng sốt âm, đau họng, ho khan, ho lâu ngày, ho có đờm, thổ huyết, chốc, lở, đau mắt đỏ, viêm đường tiết niệu.
Hạt ươi giảm cân, cải thiện hệ tiêu hóa, tiểu đường, phối hợp trong bài thuốc điều trị huyết áp cao. Hạt ươi còn có tác dụng làm đẹp da, phụ nữ uống loại hạt này hàng ngày sẽ thấy da dẻ sáng mịn, căng bóng.
Tạo hóa ưu đãi ban tặng cho nước Nam những nguồn dược liệu trân quý không phải nơi nào cũng có. Kỳ vọng cộng đồng chung tay gìn giữ và phát triển loài dược liệu quý hiếm này!