CÂY CÀ PHÊ VÀ KỸ THUẬT CANH TÁC – Phân Bón Miền Nam – Nâng tầm Nông sản Việt

  1. Cây cà phê và nguồn gốc di thực:

     Cây cà phê lần dầu tiên đưa vào Việt Nam từ năm 1897 và được trồng thử từ năm 1888. Giai đoạn đầu, cà phê chủ yếu trồng ở Ninh Bình, Quảng Bình… đến đầu thế kỷ 20 mới được trồng ở Nghệ An và một số nơi ở Tây Nguyên. Từ 1920 trở đi, cây cà phê mới có diện tích đáng kể đặc biệt ở Buôn Ma Thuật, Đăklăk. Khi mới bắt đầu, qui mô các đồn điền từ 200-300ha và năng suất chỉ đạt từ 400-600kg/ha. Cho đến nay, diện tích cà phê trên cả nước khoảng 500.000 ha và sản lượng có khi lên đến 900.000 tấn. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.

     Cà phê trồng ở nước ta hiện nay có bao gồm cà phê vối (Robusta) chiếm 90% diện tích, cà phê chè (Arabica) 10% và cà phê mít (Excelsa) 1%. Do cà phê vối có hàm lượng caffeine cao (2-4%) nên hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè (caffein 1-2%) nên giá chỉ bằng một nửa. Cây cà phê chè ưa sống ở vùng núi cao và thưòng được trồng độ cao từ 1000-1500 m, nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp dưới 1000 m, nhiệt độ khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm và cần nhiều cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Một trong những lý do diện tích cà phê vối cao hơn rất nhiều do chúng có sức sinh trưởng tốt và kháng được bệnh. Còn cà phê chè lại rất mẫn cảm với các bệnh như bệnh gỉ sắt (do nấm Hemileia vastatrix), bệnh khô cành, khô quả (do nấm Colletotrichum coffeanum và vi khuẩn Pseudomonas syringea, P. garcae), bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)…
Phương pháp cổ điển nhất để chọn giống cà phê bao gồm các bước tuyển chọn quần thể hoang dại tiếp theo lai, đánh giá sản lượng, lai ngược và lai giữa các loài. Nhược điểm của phương pháp này là thời gian lâu, thường khoảng 30 năm mới chọn ra được giống mới. Ngày nay, như công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong cải tạo và chọn giống cà phê; như nuôi cấy mô, chuyển nạp gen và đánh giá chất lượng cây giống bằng một số phương pháp sinh học phân tử cho kết quả nhanh chóng như RFLP, RAPD, SSR, STS…

     Theo chiến lược của ngành cà phê Việt Nam sẽ giảm diện tích cà phê vối và tăng diện tích cà phê chè tuy nhiên vấn đề giống là vấn đề quan trọng nhất. Trước đây giống cà phê chè ở Việt Nam là giống Typica, Bourbon, Caturra amarello hoặc một số giống được trồng mang tính thí nghiệm như Mundo Novo, Catuai. Hiện nay, các vùng mới trồng cà phê chè đều thuộc giống Catimor nhưng giống này có nhược điểm hương vị thiên về cà phê vối nên cần phải nghiên cứu thêm. Với nhu cầu cấp bách hiện nay là cần có giống cà phê chè mới có hương vị thơm ngon và kháng được bệnh thì cần phải ứng dụng các tiến bộ khoa học trong tuyển chọn và nhân giống cà phê từ các nguồn nhập ngoại và sẵn có ở Việt Nam.

Bón phân cho cây cà phê

  1. Đặc điểm chung của cây cà phê:

– Cà phê chè thích hợp ở vùng á nhiệt đới và vùng núi cao, nhiệt độ 20-25oC; lượng mưa 1750-2000 mm/năm.

– Cà phê vối và cà phê mít thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ 24-26oC; lượng mưa trên 2000 mm/năm.

– Cà phê là cây không đòi hỏi khắt khe về đất nhưng để có năng suất cao và ổn định thì đất trồng cà phê cần có tầng dày trên 80cm, tơi xốp, thoát nước tốt, thành phần cơ giới trung bình, pH 4,5-5; hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng khá.

– Mật độ trồng thích hợp từ 1000-1300 cây/ha với cà phê vối, 700-800 cây/ha với cà phê mít và 4000-5000 cây/ha với cà phê chè.

  1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê

     Nguyên tắc chung: Bón phân cho các loại cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng phải đảm bảo các nguyên tắc: Bón phân phải đúng lúc (thời điểm và thời vụ). Bón phân đúng cách (vị trí bón, thời tiết). Bón đúng lượng (Theo nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ và giống cây). Bón phân đúng đối tượng ( Phù hợp thổ nhưỡng và cây mẫn cảm); ngoài ra còn phải đúng tỷ lệ, cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng.

      3.1 Phân hữu cơ

Liều lượng bón phân hữu cơ

Loại phân
Liều lượng bón

Phân chuồng
– Trồng mới: 8-10 tấn/ha

– Các năm sau: 10 – 20 tấn /ha (2 năm bón 1 lần)

Phân hữu cơ GIFF, BIO GOLD, …vi sinh
1,2-2 tấn/ha/năm

Tàn dư thực vật hữu cơ (cỏ dại, phế phụ phẩm từ việc tạo hình, vỏ quả cà phê).
Giữ lại tất cả tàn dư thực vật trên vườn cà phê (trừ những thân, cành bị nhiễm bệnh phải đem ra ngoài tiêu hủy).

      Phân chuồng và vỏ cà phê được ủ hoai mục trước khi bón, phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, rãnh được đào theo hình vành khăn hay gióng theo tán lá hoặc dọc theo một bên thành bồn, chiều rộng 20cm, sâu 25-30cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh được đào và bón phân hữu cơ theo hướng khác.

      3.2 Phân hóa học

     Để xác định chế độ phân bón cân đối và hợp lý cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây cà phê. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, phân tích lá thì có thể áp dụng định lượng phân bón vô cơ như sau:

     Liều lượng phân bón vô cơ cho cà phê vối

Tuổi cây

Hàm lượng nguyên chất (kg/ha)

N
P2O5
K2O
Năm 1
60
60
30

Năm 2
120
75
100

Năm 3
150
90
130

Năm 4 trở đi
280
100
300

     Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao, trong đó cao nhất là kali sau đó là đạm. Lượng dinh dưỡng cà phê hút/lấy đi phụ thuộc vào loài, giống và đất trồng. Với cà phê vối, trung bình để có 1 tấn nhân, cây đã lấy đi theo quả 34,2kg N + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO và các trung vi lượng khác. (Còn nữa)

Sưu tầm và biên soạn Ks Lê Minh Giang