Cấu thành tội phạm là gì? Tội phạm gồm bao nhiêu loại? – Tư vấn pháp luật trực tuyến

Hiện nay, tình hình tội phạm ngày một diễn biến phức tạp. Những vụ án gây xôn xao và rúng động dư luận có thể kể đến như: Vụ thảm sát ở Đan Phượng – Hà Nội, bị can là Nguyễn Văn Đông đã tàn nhẫn ra tay sát hại 4 người trong một gia đình. Nạn nhân đều là những người thân của bị can. Hoặc vụ án buôn bán ma túy nơi biên giới tại Hà Tĩnh. Hai đối tượng bị bắt là Xò Vàng (SN 1994) và Kiêng Khảm Ten Lư Hiên (SN 1990). Số lượng ma túy thu giữ tại thời điểm các đối tượng bị bắt giữ là 30 bánh heroin, 45 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 6.000 viên hồng phiến, 2 khẩu súng ngắn đã được nạp đầy đạn, 50 viên đạn, 1 ô tô… Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhân dân. Qua bài viết này đội ngũ chuyên viên Luật sư Thủ Đô xin được phân tích, bình luận cấu thành tội phạm và phân loại các loại tội phạm dưới góc nhìn của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

  • Thứ nhất, về khái niệm tội phạm 

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể tại Điều 8 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Đối với những hành vi được điều tra là có dấu hiệu của tội phạm nhưng qua xác minh thì chứng minh được rằng với mức độ đó thì tính chất nguy hiểm cho xã hội là không đáng kể. Do đó, sẽ xác định là không phải tội phạm và những đối tượng này sẽ được áp dụng hình thức xử lý bằng các biện pháp khác.

  • Thứ hai, về phân loại tội phạm

Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tội phạm được chia là bốn loại như sau:

+ Một là, tội phạm được xác định là tội phạm ít nghiêm trọng khi: sau khi điều tra, xác minh thấy rằng về tính chất, hay về mức độ nguy hiểm của hành vi này không lớn cùng với đó đối với khung hình phạt về tội danh này mức cao nhất được Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội đó là phạt cải tạo không giam giữ, hay phạt tiền hoặc phạt tù với án tù cao nhất là 03 năm.

+ Hai là, tội phạm được xác định là tội phạm nghiêm trọng khi: sau khi điều tra, xác minh thấy rằng về tính chất, hay về mức độ nguy hiểm của hành vi này cho xã hội là lớn, cùng với đó với khung hình phạt về tội danh này mức cao nhất được Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội đó là hình phạt tù và án tù từ 03 năm đến 07 năm.

+ Ba là, tội phạm được xác định là tội phạm rất nghiêm trọng khi: sau khi điều tra, xác minh thấy rằng về tính chất, hay về mức độ nguy hiểm của hành vi cho xã hội là rất lớn, cùng với đó khung hình  phạt về tội danh này mức cao nhất được Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội đó là hình phạt tù và án tù từ trên 07 năm đến 15 năm án tù.

+ Bốn là, tội phạm được xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi: sau khi điều tra, xác minh thấy rằng về tính chất, hay về mức độ nguy hiểm của hành vi cho xã hội là đặc biệt lớn, cùng với đó khung hình phạt về tội danh này mức cao nhất được Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội đó là hình phạt tù và án tù từ trên 15 năm đến 20 năm án tù giam, hay tù chung thân hoặc tử hình.

  • Thứ ba, quy định của pháp luật về cấu thành tội phạm

Một hành vi sẽ bị coi là tội phạm nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Khi bị coi là tội phạm, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội danh tương ứng được quy định tại Bộ luật Hình sự:

+ Một là, về yếu tố mặt khách quan: đây là những dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài của hành vi phạm tội mang tính chất khách quan, phương tiện cũng như công cụ sử dụng để gây án, phương pháp gây án, thời điểm mà tội phạm thực hiện hành vi, hậu quả của hành vi xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả.

+ Hai là, về yếu tố mặt chủ quan: được xác định đó là những thứ thuộc về bên trong biểu hiện của tội phạm đó. Những dấu hiệu này xác định đó là tư tưởng cũng như tâm lý của tội phạm khi thực hiện hành vi đó là dấu hiệu về lỗi cố  ý, lỗi vô ý, động cơ và mục đích.

+ Ba là, về yếu tố chủ thể: chủ thể của tội phạm được Bộ luật hình sự 2015 xác định đó là gồm cá nhân và pháp nhân thương mại.

+ Bốn là, về yếu tố khách thể: đây là những mối quan hệ xã hội mà trong Bộ Luật hình sự điều chỉnh, bảo vệ, đã bị người có hành vi phạm tội gây ra thiệt hại hoặc trực tiếp đe dọa. Những mối quan hệ này được xác định đó là: chế độ chính trị, độc lập, thống nhật, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, an toàn xã hội, quyền con người … mà Bộ luật hình sự quy định đó là tội phạm.

Trên đây là những phân tích quy định của pháp luật về khái niệm tội phạm, cấu thành tội phạm. Phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Lưu ý rằng, tại thời điểm tham khảo có thể văn bản đã hết hiệu lực pháp lý, hãy gọi cho chúng tôi theo số hotline 1900 6197 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác. Luật Thủ Đô hy vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích để hỗ trợ cho bạn đọc.

Văn phòng Luật sư Thủ Đô chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý về vấn đề Hôn nhân và gia đình, Doanh nghiệp, Đất đai, Hình sự… Hãy gọi cho Văn phòng Luật sư Thủ Đô theo hotline: 1900 6197 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc của bạn!