Câu chuyện số 7 | 8th Vietnam Summer School of Science

Câu chuyện số 7

Trịnh Thùy Dương – VSSS’03 alumna

Sinh viên năm 2 chương trình Thạc sỹ nghiên cứu – Tiến sĩ chuyên ngành Economics, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh.

 

Câu chuyện số 7

 

VSSS – Những điều chưa kể (#7) 

HẸN VỚI MÙA HÈ

Mình đã từng rất bồi hồi trước dòng này trong cuốn hồi ký “Mùa hè năm ấy” – “Mỗi chúng ta đều có những mùa hè, mà sau đó, mình thay đổi”.  Với mình, mỗi mùa hè luôn là những cái hẹn khó phai…

2014

Mùa hè của sáu năm về trước….

Thời tiết khắc nghiệt, nhưng không dữ dội như trong nội tâm của một con bé 18 tuổi đang đứng trước quyết định lớn nhất đầu đời – nộp hồ sơ thi đại học. Say mê Toán từ nhỏ, mình luôn ôm ấp ước mơ chinh phục kì thi HSG Toán Quốc gia và nghiên cứu toán học. Nhưng chuỗi ngày học đội tuyển theo đuổi mơ ước ấy đã kết thúc bằng một vết trượt – cú ngã đầu đời ở tuổi 18. Cuối cùng, mình quyết định chọn Ngoại Thương như điểm dừng tiếp theo, bước ra khỏi ngưỡng an toàn bản thân để khám phá hai từ “Kinh tế” xuất hiện trong cuộc đời như một ẩn số còn để ngỏ. Vậy nhưng, sau cánh cổng trường Đại học không phải là một thiên đường lung linh bóng bẩy, hóa ra, kỳ thi mình vừa vượt qua chỉ là bước dễ dàng nhất của cuộc đời sinh viên mới bắt đầu. “Ở một môi trường mà ai cũng tiến, chỉ đứng yên thôi cũng đã là lùi”, trong quãng đời không chỉ để học mà còn để sống, mình bỗng hoang mang trước nhiều ngã rẽ, mỗi ngày lại tự vấn bản thân “Giá trị của mình là gì?”, “Học để làm gì?”… 

2015

Và rồi mình biết đến Trường hè Khoa học 2015 (VSSS’03) một cách rất tình cờ, từ đôi dòng tâm sự trên Facebook của người chị khóa trước mà mình ngưỡng mộ: “Nhưng suốt ba ngày như thế, chưa khi nào mình thôi ám ảnh bởi câu hỏi của người thầy đã tổ chức nên trường hè này… Điều tôi thực sự học là lắng nghe mình muốn gì. Thật kì lạ là con đường trước mắt cứ dần hiện ra cụ thể hơn, rõ ràng hơn tự lúc nào…” Lời nhắn nhủ ấy đã thôi thúc đứa sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo nhìn đời bằng cặp kính màu hồng rồi chẳng thiếu những lần khủng hoảng hoang mang về con đường mình chọn, lặng nhìn lại mình, háo hức mong đợi đến ngày trở thành học viên.

Ba ngày ở Trường hè Khoa học là ba ngày của tri thức và tự do học thuật. Ba ngày ấy mình không nỡ bỏ quên một giây phút nào, chìm đắm trong các tư tưởng mới trong một cộng đồng đam mê khoa học.  Các bài giảng của các thầy cô, anh chị đã giải đáp giúp mình rất nhiều nỗi băn khoăn còn bỏ ngỏ. Mình nhận ra rằng nghiên cứu khoa học như cuộc chiến chống lại những u mê tăm tối trong nhận thức của con người để khai mở những tri thức mới, rằng thế giới còn vô vàn những điều “mình không biết là mình không biết” đang chờ đợi và con đường khoa học đầy chông gai không dành cho những con người dễ mỏi gối chồn chân. Mình vô cùng thích thú khi nhận ra mối quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tầm quan trọng trong khoa học đa ngành và nhiều điều thú vị từ các bài giảng của các nhà Vật Lý mang sứ mệnh giải mã thế giới tự nhiên như thầy Giáp Văn Dương, thầy Lưu Quang Hưng, thầy Ngô Đức Thế,… Những chia sẻ từ nghệ sĩ piano Trang Trịnh hay nhà sử học Trần Trọng Dương cũng đem lại cái nhìn rất mới mẻ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và khoa học, đồng thời đánh thức tư duy rộng mở. Hoạt động networking kéo những con người xa lạ từ mọi miền, mọi lĩnh vực nhưng chung một mối tình lại gần nhau, từ những bài giảng đầu tiên đến buổi tối thuyết trình chẳng hề giảm nhiệt trong tiết trời mưa không ngớt ấy.  Mình thật may mắn khi là thành viên của Team (Vàng) Vọt của anh Thế Leader với đề tài về nhì, dù thời gian không đủ nhiều để các thành viên hiểu nhau nhưng đó là khoảng thời gian mình cảm thấy được là chính mình và được ở trong một đội, hòa nhịp trong lời bài hát “Niềm tin chiến thắng”… Rời trường hè, cảm xúc của mình vẫn còn lẫn lộn, nhưng tư duy và phương pháp khoa học đã sáng tỏ hơn nhiều. Với một lăng kính nhận thức mới, mình vững vàng bước vào năm thứ hai, và những trải nghiệm khoa học mới bắt đầu…

 

 

 

2016

Mình vẫn tiếp tục là một người may mắn! Mình được trao cơ hội trở thành tình nguyện viên Ban tổ chức Trường hè Khoa học 2016 (VSSS’04), được trở lại đây để thêm một lần chiêm nghiệm sau một năm mà nhiều thay đổi đã đến với mình. Đây cũng là niềm mong mỏi được chung tay lan tỏa tinh thần khoa học của nhiều cựu học viên đã trưởng thành từ Trường hè. Và “đại gia đình” mình đã gặp nhau: Ban tiền bối – chị Ngân (mama tổng quản), chị Thảo, chị Huế, chị Chi, chị Trang, anh Linh, anh Nghĩa, anh Sơn – hầu hết anh chị đều đang chuẩn bị đi du học Master/ PhD mùa hè ấy, và ban hậu bối – mình cùng em Dương, em Chi – sinh viên đầu Đại học, chân lon ton phụ trách khoản pha trò.

Là tình nguyện viên, mình được xoay ống kính gần hơn từ khán đài đến hậu trường và sân khấu.  Mình mới thấm thía rằng đằng sau thành công của Trường hè mỗi năm là bao suy tư, trăn trở của các thầy ban tổ chức hun đúc từ trước đó nhiều tháng: làm thế nào để kết nối được nhiều bạn sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu trẻ; làm thế nào để tổ chức trường hè phi lợi nhuận hiệu quả hơn, có nhiều nội dung thú vị hơn, nhiều tương tác hơn,… Là công tác hậu cần mỗi ngày đến 10 rưỡi đêm với chuỗi việc không tên của nhiều người thầm lặng. Là tâm huyết của giảng viên và niềm say mê của học viên. Mình vẫn ấn tượng vào một buổi chiều dự báo bão rất to. 6 giờ tối, sấm chớp đùng đoàng dường như không hề hấn gì với không khí tranh luận của hơn 200 người trong hội trường Ngụy Như Kon Tum. Réo chuông không tác dụng, bác bảo vệ Đại học Quốc gia phải tất bật chạy đến bàn tiếp tân: “Ô hay trường các anh này, bão gió to mà định giữ con nhà người ta đến bao giờ mới tha về hả?”

Trường hè mỗi năm với mình lại là một điều mới mẻ. Với VSSS’04 lần này, mình bất ngờ được chỉ định làm MC nữ trong lễ khai mạc ngay buổi đầu gặp mặt ban tổ chức. Ra tiền tuyến thực sự là nhiệm vụ bất khả thi với một introvert như mình lúc ấy. Đến bây giờ, mình vẫn tự hỏi liệu mình có kịp xoay sở trong vài tiếng đồng hồ ấy nếu không có các chị giúp hóa trang và TS. Nguyễn Đức Dũng tròn vai MC nam xuất sắc. Khán phòng buổi sớm lặng thinh, tiếng thầy Lưu Quang Hưng văng vẳng bên tai mình: “Mỗi khi có bài phát biểu trước đám đông, anh thường đến hội trường từ rất sớm không có ai, quan sát và trở nên quen thuộc, bình tĩnh, tự tin. Nào, em hãy nói đi…” Ánh mắt hiền từ mà cương nghị của anh tiếp thêm cho mình rất nhiều động lực, đúng, vượt qua nỗi sợ của bản thân cũng là bản lĩnh cần có của một nhà khoa học.

Một trong những bài giảng mà mình mong chờ và ấn tượng nhất là “Nhân quả trong khoa học xã hội” của TS. Nguyễn Ngọc Anh, vì chủ đề này gần gũi hơn với lĩnh vực Kinh tế học mà mình theo đuổi. Anh đưa ra các ví dụ và gợi mở thảo luận về sự khác nhau căn bản giữa tương quan và nhân quả. Về mặt thực tiễn, bài giảng khuyến khích hình thành tư duy phản biện trước các hiện tượng trong cuộc sống. Về mặt học thuật, bài giảng giới thiệu một cách tiếp cận hệ thống hơn trong việc định hình câu hỏi và vấn đề nghiên cứu (Điều thú vị là, tại thời điểm ấy, mình cũng không thể ngờ rằng “bác” Ngọc Anh sẽ là sếp của mình gần một năm sau đó và là người có ảnh hưởng sâu sắc đối với mình về tư duy của người làm khoa học). Bên cạnh đó, nhờ trải nghiệm làm nghiên cứu khoa học tại đại học năm thức hai, mình bỗng hiểu rõ hơn những chia sẻ về các kỹ năng rất thiết thực khi làm nghiên cứu: Đạo đức khoa học, đạo văn và cách trích dẫn (TS. Đặng Văn Sơn); Phương pháp trình bày và công bố kết quả khoa học (TS. Ngô Đức Thế);… Câu chuyện của các nữ giảng viên, TS. Nguyễn Tô Lan và TS. Tô Mai Hương, cũng truyền cho mình rất nhiều cảm hứng về phụ nữ trên con đường học thuật và nghiên cứu khoa học: bản lĩnh, tự tin, đam mê và cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống. 

Trường hè năm ấy cũng nhen nhóm cho mình một ước mơ và rồi trở thành khao khát: Du học, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Được tiếp xúc gần hơn với các anh chị nghiên cứu trẻ, mình có niềm tin hơn vào thành quả của sự nỗ lực và đam mê.

2017, 2018, 2019

Gõ cửa khoa học từ hai mùa VSSS, mình tiếp tục hành trình khám phá những vòng tròn hẹp hơn và dần bén duyên với Kinh tế học. Những mùa hè tiếp theo trở nên bận rộn hơn với mình: Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học; trở thành thực tập sinh nghiên cứu; học các khóa học chuyên sâu; tham gia các trường hè kinh tế và khoa học dữ liệu, các hội thảo NCKH… Có thực làm nghiên cứu, mình mới thấm thía rằng đây không chỉ là một hành trình thử thách tư duy mà còn là một cuộc chiến đương đầu với cảm xúc và ý chí. Nếu vẽ về cung bậc cảm xúc khi làm nghiên cứu chắc mình sẽ có bức tranh cầu vồng, khi háo hức, hân hoan, đổi lại chẳng thiếu thất vọng, cô đơn, bất bình tiếc nuối như quy luật đánh đổi trong kinh tế học. Nhưng điều đọng lại trong mình là cảm xúc đêm khuya thanh vắng, những ý tưởng bật ra, trong lòng vui sướng lâng lâng như vượt qua chính bản thân mình lại ùa về như người bạn tri âm. Có thực làm nghiên cứu, mình mới thấm thía những khoảnh khắc “aha moment” của thầy trò, của đồng đội, vỡ òa ra sự chật hẹp trong đầu óc của mình giữa sự vô cùng của bể trời tri thức… Càng đi, mình càng có cơ hội được tiếp xúc với những người trẻ yêu thích nghiên cứu và khát khao trau dồi tri thức. Đặc biệt là cứ 3 người mình gặp thì có đến 2 người mà mình sẽ phải thốt lên khi hội tụ về chủ đề chung: Trường hè Khoa học.

Ừ nhỉ, cộng đồng Trường hè cũng đang lớn dần lên qua ba mùa hè ấy. Từ VSSS’05 (2017), trường được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bạn trẻ khắp mọi miền Tổ Quốc. “Đại bản doanh” của trường là Trung tâm khoa học nổi tiếng ICISE được sáng lập bởi vợ chồng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc (hai nhà khoa học mình vô cùng ngưỡng mộ cả về tri thức uyên bác và triết lý sống nhân văn). Cùng với đó, chất lượng hồ sơ học viên cũng gia tăng đáng kể với nhiều profile khủng. Đôi lúc mình thấy hơi tiếc nuối vì thèm được học tại không gian đẹp đẽ ấy nhưng lập tức lại thấy mình may mắn vì biết đâu apply VSSS muộn hơn đã bị loại từ vòng gửi xe rồi =)). Gặp lại các bạn mình trở về sau chuyến tu học từ Bắc vào Nam với ánh mắt lấp lánh nụ cười và những phản hồi rất tích cực về VSSS, lòng mình trào dâng niềm vui khó tả…

2020

Mùa hè này với mình bình dị lạ. Dịch Covid đã khiến các hoạt động giảm thiểu đáng kể, và đây cũng là khoảng thời gian mình tập trung nghiên cứu cho Summer Project. Mình đang viết những dòng này giữa không gian Botanic Garden thơm mùi cỏ mới, nắng lăn tròn trên những tán lá sồi xanh. Đã gần một năm kể từ ngày mình đặt chân đến thành phố Glasgow xinh đẹp, Vương quốc Anh, theo học bổng toàn phần 5 năm Master in Research – PhD chuyên ngành Kinh tế học. Lần đầu tiên tay mình chạm đến giấc mơ ngày xưa ấy…

Đầu thời đại học, sau những kết quả buồn của chuỗi ngày tháng say mê học hành, mình đã từng suy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chọn con đường nghiên cứu không thực tế nữa, mình sẽ sống theo cách khác, lựa chọn lĩnh vực khác đem lại nhiều tiền hơn và nhận được sự tôn trọng trong xã hội. Mình từng khủng hoảng, từng thấy lẻ loi, từng phủ nhận bản thân, và có khi ghét bỏ cuộc đời vô nghĩa. Nghiên cứu khoa học, Kinh tế học đã giúp mình tìm lại con người thật của chính mình, đánh thức lại đam mê, trao cho mình cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp những giá trị cho xã hội theo cách phù hợp nhất. Mỗi ngày ngọn lửa hồng ấy tiếp thêm cho mình năng lượng làm những điều trước đây mình không nghĩ mình làm được, mang lại cho mình những người thầy, người bạn, người anh chị mà mình chưa từng nghĩ mình có thể gặp được họ trong cuộc đời này,…Mình thấm thía hơn rằng “mỗi việc đã xảy ra là mỗi việc nên xảy ra, mỗi người ta đã gặp là mỗi người ta nên gặp”. Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ nhưng thú vị theo cách riêng của nó. Chiêm nghiệm lại quá khứ ta bất chợt nhận ra chuỗi những sự kiện liên kết với nhau như một quy luật tự nhiên nào đó… Mỗi mắt xích cuộc đời âu cũng khởi nguồn từ sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Một mắt xích quý giá mình luôn biết ơn là tham gia Trường hè Khoa học từ thời sinh viên – quãng thời gian chúng ta có thể thay đổi tư duy nhiều nhất và chuẩn bị cho mình những ước mơ. Câu chuyện của mình chỉ là một câu chuyện nhỏ bé trong rất nhiều câu chuyện còn chưa kể của cựu học viên VSSS. Nhưng mình tin rằng những người thầy sẽ mỉm cười trước giá trị lan tỏa mà Trường hè mang lại:  nhiều ngọn đuốc được thắp lên, những người nghiên cứu trẻ tiếp tục chuyến hành trình và biết rằng mình không đơn độc.

Trên bầu trời, một cánh chim hải âu không còn hối hả, chao liệng lững lờ, rồi sải cánh về phía mặt trời tiếp tục bay…

Tác giả:

Trịnh Thùy Dương

Cựu học viên VSSS’03 (Trường hè Khoa học 2015)

Sinh viên năm 2 chương trình Thạc sỹ nghiên cứu – Tiến sĩ chuyên ngành Economics,
Đại học Glasgow, Vương quốc Anh

———————o0o———————–

VSSS would like to thank Ms. Duong Trinh for her inspiring stories! Wish you all the best! 

If you have any questions or you would like to send your story, do not hesitate to contact us here.