Cảnh giác rủi ro khi dùng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng chuyển đổi trả góp
Nở rộ dịch vụ hỗ trợ rút tiền từ thẻ tín dụng
Thông tin hỗ trợ rút tiền mặt qua thẻ tín dụng được một người quảng bá trên Zalo nhằm tạo lòng tin cho khách hàng.
Anh Minh Nghĩa (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây vài tháng, anh đăng ký mở thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, rất nhiều số điện thoại gọi đến xưng là nhân viên ngân hàng và quảng cáo dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thông qua hình thức mua hàng “khống” trên online.
Theo nhân viên tư vấn, khách chỉ mất phí 2 – 2,5% trên tổng số tiền rút và có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày, đồng thời có thể được chuyển qua trả góp hàng tháng với nhiều kỳ hạn khác nhau. Vì đang cần tiền mặt, anh Nghĩa đã nhờ “nhân viên ngân hàng” này rút 20 triệu đồng và được làm thủ tục dưới hình thức mua hàng qua một ví điện tử. Tuy nhiên, số tiền thực tế anh Nghĩa bị trừ trong thẻ lên đến gần 25 triệu đồng.
Anh Nghĩa cho biết, khi hỏi lại nhân viên tư vấn dịch vụ, được giải thích là bên cạnh phí thì có khoản tiền ban đầu “giữ chân” để xác nhận cho dịch vụ trả góp. Số tiền này khi anh trả góp xong sẽ được hoàn lại đầy đủ trong thẻ.
Tương tự, chị Minh Thanh (ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi, người gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng chuyên hỗ trợ thẻ tín dụng và tư vấn về chương trình rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Trong số đó, một người tự giới thiệu tên là P.Trinh, chuyên viên bên dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của một NHTM.
Cảnh báo của Ngân hàng Standard Chartered gửi đến email khách hàng.
“Theo nhân viên kia tư vấn, nếu sử dụng dịch vụ này chỉ mất lãi suất từ 1,8% – 2%/tháng. Mức tiền hỗ trợ rút tiền mặt tối thiểu từ 5 triệu đồng đến tối đa 80% hạn mức thẻ, đồng thời được chuyển đổi trả góp 12 tháng không mất phí. Ngoài ra, để rút tiền mặt, chị phải cung cấp mặt trước và sau của thẻ tín dụng lẫn CMND”, chị Minh Thanh chia sẻ.
Do cũng có nhu cầu cần tiền mặt để giải quyết việc nhà, chị Minh Thanh đã đồng ý rút tiền mặt tối đa 80% hạn mức thẻ với hơn 64 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền chị được nhận được là 50 triệu đồng, mỗi tháng trả góp cho kỳ hạn 12 tháng là gần 5,4 triệu đồng. Theo nhân viên tư vấn P.Trinh, nếu trả góp đủ 12 tháng thì thẻ tín dụng của chị sẽ được hoàn về đủ hơn 64 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tính toán của một nhân viên ngân hàng, với mức tiền trả góp trên thì chi phí rút tiền mặt của chị Minh Thanh phải lên hơn 2,4%/tháng, tương đương 29%/năm, cao hơn mức 2% mà nhân viên tên P.Trinh tư vấn.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
Tin nhắn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao gửi bằng tổng đài chính thức của ngân hàng thông qua hình thức chèn sóng không qua nhà mạng.
Theo cảnh báo của nhiều ngân hàng, việc mời chào rút tiền mặt qua thẻ tín dụng và chuyển đổi trả góp không phải là mới mà xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề này càng ngày nở rộ từ sau đại dịch COVID-19 do nắm bắt tâm lý và nhu cầu khó khăn của người sử dụng thẻ tín dụng rất cần rút tiền mặt từ thẻ như một khoản vay. Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, Facebook, Zalo…
Mới đây, VPbank cũng gửi thư cảnh báo tình trạng lừa đảo thông qua phương thức trên. Cụ thể, qua xác minh sơ bộ, một số khách hàng của VPBank đã bị lừa với những thủ đoạn hết sức tinh vi như: đối tượng gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ bằng sim rác với nội dung rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng.
Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin, hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần…