Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm vì chuột cắn
Ông Đang chia sẻ, trước đó, ông bị chuột cắn vào tay phải, chỉ rớm máu. Một tuần sau, bàn tay phải bị sưng nề, loét xơ chai, chảy dịch vàng hôi, vùng khuỷu tay phải có khối u kích thước 3x5cm, sốt nhẹ, ăn uống kém nên mới đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư khám, được chỉ định nhập viện điều trị vì bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm trùng vết thương bàn tay phải, u phần mềm khuỷu tay phải. Sau 10 ngày điều trị liên tục, hiện sức khỏe của ông Đang đã ổn định.
Theo Bác sĩ CKII Doãn Trường Thi – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Trưởng khoa Ngoại – 3 chuyên khoa, đồng thời cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho ông Đang: Chuột là trung gian lây truyền bệnh truyền nhiễm cho người, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời như: Viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus…Chuột lây bệnh sang người qua thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm, từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve hoặc qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cào, cắn của chuột.
Thông thường, khởi đầu vết cắn rất đơn giản nên nhiều người bệnh không để ý, đến khi có biểu hiện sốt, sưng đau, bệnh nhân mới đến các cơ sở y tế thăm khám. Với những bệnh nhân này, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kháng sinh.
Qua trường hợp trên, Bác sĩ Thi cũng khuyến cáo, người dân nên nhận thức rõ ràng hơn về những nguy hiểm từ vết thương nhỏ do chuột cắn. Để phòng bệnh, người dân nên tránh để bị chuột cắn. Khi bắt chuột không nên dùng tay không mà phải đeo găng tay lao động sợi loại dày. Nếu không may bị chuột cắn, người bệnh cần rửa sạch vị trí bị cắn bằng xà phòng và nước ấm, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc Povidine. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế đáng tin cậy để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh.