Cần thực hiện những biện pháp gì để phát triển ngành du lịch? – Spider man

Để phát huy những tiềm năng lợi thế, khắc phục những tồn tại hạn chế đang níu đà tăng trưởng của ngành Du lịch, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

– Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; Quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

– Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và tầm cao.

– Đẩy mạnh liên kết với các nước trong khu vực, khai thác triệt để tuyến hành lang Đông – Tây, hình thành các tour, tuyến du lịch chung như: Chương trình giữa Việt Nam – Campuchia – Lào, tuyến đường bộ 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút khách từ các nước ASEAN và khách du lịch từ nước thứ ba vào ASEAN nối tour sang Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững.

– Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường…

– Tăng cường quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; Cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch.

Thứ ba, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hài hòa các mục tiêu phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Chú trọng nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước; quy hoạch phát triển du lịch theo các vùng, địa phương; quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề, để tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời, trước khi phát triển ngành, lĩnh vực khác, Nhà nước cần có những đánh giá tác động đối với ngành Du lịch để từ đó có sự lựa chọn ưu tiên phát triển ngành nào dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Thứ tư, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch.

– Ngành du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

– Các trường học và DN cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế…

Thứ năm, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch.

– Tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch; Phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm; Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương; Tây Âu; Bắc Âu; Bắc Mỹ và Đông Âu…

– Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.

– Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, địa phương, DN và thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để đảm bảo hiệu ứng thống nhất.