Cần phát triển bền vững cây cao su

Từ năm 2008, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương, định hướng đưa cây cao su lên trồng tại các địa phương miền núi như Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo thu nhập có hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân miền núi. Tỉnh đã xác định, cây cao su là một trong những cây chủ lực, mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội ở những vùng núi còn nhiều khó khăn này. Vậy nhưng, trong chuyến công tác tại huyện miền núi Tây Giang, chúng tôi lại nghe được thông tin, thời gian gần đây, người dân không “mặn mà” với cây cao su.

Cây cao su ở Tây Giang được trồng trên địa hình đất dốc, khó khăn cho công tác thu hoạch mủ, khiến giá thành sản phẩm thấp.

Hiệu quả thấp do làm không đúng cách

Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã tìm đến Nông trường Cao su Tây Giang 1, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, một trong hai doanh nghiệp trồng và kinh doanh cao su lớn nhất của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ. Ông Võ Văn Phú – Giám đốc Nông trường cho biết: Thực hiện theo chương trình phát triển cây cao su, từ năm 2008 đến nay, tại Tây Giang đã trồng được hơn 2.120ha cao su, với 1.340 hộ dân tại 6 xã A Nông, A Tiêng, xã Lăng, xã Dang, Bhalee và A Vương tham gia trồng và chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Theo quy định, cứ hộ gia đình nào có 3ha cao su trở lên sẽ là công nhân của Công ty, có đầy đủ các chế độ về tiền lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như công nhân viên chức nhà nước. Đến nay, tại H. Tây Giang đã có khoảng hơn 20 công nhân được hưởng chế độ này. Ngoài ra, số các hộ dân trồng cao su, có diện tích ít hơn 3ha, nhưng cây trồng chưa đến thời điểm khai thác, được công ty hỗ trợ về trang thiết bị, kinh phí để chăm sóc cây trồng và sẽ có thu nhập khi cao su khai thác được mủ.

Cũng theo ông Phú, năm 2019, Công ty thu mua của người dân 4.880 đồng/1 kg mủ cao su đông. Đây là giá thu mua cao nhất so với khu vực miền Trung, phụ thuộc vào giá cao su thương phẩm trên thị trường quốc tế. Để người dân trồng cao su an tâm về tư tưởng, không bị giao động, có thời điểm Công ty đã phải chấp nhận lỗ 1 triệu đồng trên một tấn mủ cao su. Tại khu vực Tây Giang và nhiều địa phương miền núi Quảng Nam, sản lượng mủ cao su đạt tiêu chuẩn (DRC) trung bình là 1ha cao su đạt 1,5 tấn mủ khi thu hoạch trong một tháng. Mỗi năm cây cao su thu hoạch liên tục trong 9 tháng, như vậy trong một năm người dân vẫn có thu nhập trên 50 triệu đồng trên 1ha cao su. Nếu so với các loại cây khác như keo, bạch đàn… cao su hiệu quả hơn nhiều lần. Tuy nhiên người dân lại thắc mắc cho rằng, Công ty thu mua mủ cao su tươi với giá trên 12.000 đồng/1 kg, với giá thu mua mủ cao su đông như trên, người dân bị thiệt thòi?. Đây chính là vấn đề mà người dân băn khoăn lâu nay.

Ông Phú lý giải, địa hình trồng cao su ở Tây Giang toàn bộ diện tích là đất dốc, hầu như không có đường giao thông đến các khu vực trồng cao su. Người dân cạo mủ cao su xong, phải mất rất nhiều thời gian mới gom được mủ đến điểm tập kết để thu mua, như vậy mủ cao su đã đông đặc. Công ty thu mua mủ cao su đông đặc lại phải bỏ ra công đoạn chế biến, cán ép lại mủ cao su, rồi mới xuất đi tiếp được, vậy là chi phí chế biến này đã khiến giá thành mủ cao su đông thấp hơn mủ cao su tươi. Một vấn đề nữa, bà con tham gia trồng cao su tất cả đều là đồng bào dân tộc Cơ Tu, lâu nay vẫn có tập quán canh tác cây trồng theo lối thủ công, chưa biết áp dụng kỹ thuật, và cách làm việc chuyên nghiệp. Theo đặc tính sinh học của cây cao su đến kỳ thu hoạch mủ, người trồng cây phải dậy thật sớm, khoảng thời gian cạo mủ là từ 5 đến 7 giờ sáng, khi ánh nắng mặt trời đã lên, cây cao su sẽ tiết nhựa kém hơn rất nhiều thời gian này. Tuy nhiên nhiều người dân không thực hiện đúng quy trình. Thêm nữa, trong vòng 9 tháng của năm, hàng ngày cây cao su phải được cạo mủ đúng giờ, đúng quy trình, thì mới cho sản lượng mủ hiệu quả, nhưng nhiều người dân, đang kỳ cạo mủ cao su lại bỏ đi làm việc khác, vậy là cây bị chững lại việc tiết mủ, khi cạo lại không ra mủ. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, đúng quy trình, 1ha cao su trung bình một tháng sẽ thu hoạch được trên 1,5 tấn mủ cao su, nhưng nhiều diện tích, người dân đã vô tình làm hiệu quả thu hoạch kém đi rất nhiều, vì vậy thu nhập của người dân cũng giảm đi cùng với sản lượng mủ cao su. 

Người dân xã A Nông, Tây Giang chăm sóc cây cao su.

Truyền kiến thức, nâng sản lượng

Ông BLing Mia – Chủ tịch UBND H. Tây Giang cũng khẳng định, đúng là nhiều người dân trồng cao su, nhưng tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa biết áp dụng kỹ thuật, chưa có cách làm việc chuyên nghiệp. Ông Mia cũng khẳng định, việc phát triển cây cao su là đúng định hướng, vừa phủ xanh đất trồng, đồi trọc, vừa mang lại hiệu quả thu nhập, đảm bảo và nâng cao đời sống cho người dân. Hiện nay trên toàn huyện đã có 380ha cao su đã thu hoạch, trong năm 2020 sẽ nâng diện tích thu hoạch lên 180 ha nữa. Công ty cao su cũng dự kiến trong năm 2020 sẽ chi trả cho người dân trồng cao su hơn 4 tỷ đồng khi thu mua sản phẩm. Hiện nay Công ty cao su Nam Giang cũng đã lên kế hoạch, mở đường giao thông vào các lô trồng cao su, xây dựng thêm các trạm thu mua mủ cao su, để người dân chuyển sản phẩm mủ cao su đến điểm thu mua nhanh, tiện lợi hơn, giảm bớt giá thành vận chuyển, chế biến mủ cao su, nâng giá thu mua mủ cao su lên cho người dân.

Ông BLing Mia cũng cho biết, ngay trong thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp cùng Công ty Cao su đến từng thôn bản nơi có diện tích trồng cao su mở các lớp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su. Đối với các hộ dân trồng cao su, bố trí, phân công nhân lực đảm bảo tính chuyên nghiệp, làm sao để người dân hiểu rõ hiệu quả từ cây cao su, gắn bó với cây cao su hơn nữa. Đây là việc làm không chỉ ở Tây Giang mà là công tác chung của các địa phương miền núi có cây cao su ở Quảng Nam.

HỒNG THANH