Cần phân biệt hai khái niệm rồi bàn tiếp!

Cần khẳng định: Nước ta chỉ tồn tại một triết học. Đó là triết học
Mác-Lênin – chân lý thời đại, vũ khí lý luận vô địch của giai cấp vô sản
thế giới.

– Cần khẳng định: Nước ta chỉ tồn tại một triết học. Đó là triết học
Mác-Lênin – chân lý thời đại, vũ khí lý luận vô địch của giai cấp vô sản
thế giới.



Ảnh minh họa



Ở Việt Nam, chắc chắn không phải là một

Ở nước ta, có sự phân biệt giữa triết học và triết lý; nhưng tài liệu phân biệt rạch ròi hai khái niệm đó dường như chưa có. Trên các diễn đàn, “triết lý giáo dục” được nói nhiều chứ không phải “triết học giáo dục”. Tra trên google, kết quả cũng phù hợp: Cụm từ đầu thu được số kết quả đo bằng “triệu”; còn cụm sau chỉ đạt mức “ngàn”. 

Hẳn tổng bí thư phải là người số 1 có thẩm quyền nói về triết học và sự vận dụng nó vào giáo dục; nhưng gần đây khi làm việc với Bộ Giáo Dục (17-8-2012), ông không đề cập tí gì tới triết học, mà nói: “Cần hình thành một triết lý về giáo dục”. Qua đó, lần nữa ta thấy ông cũng xem đây là hai khái niệm.

Rất may, có hai hội nghị bàn về triết lý giáo dục mà khách mời toàn là những vị đã hoặc đang giữ quyền cao chức trọng trong ngành (hoặc liên quan với) giáo dục. Một cái do Viện Khoa Học GD (19-7-2012) và một nữa do Tạp Chí điện tử Đảng CSVN (31-8-2012) tổ chức. Thật buồn, khi tìm hiểu các báo cáo – kể cả báo cáo đề dẫn và báo cáo chính – tôi có hai ấn tượng: 1) khái niệm triết lý chưa được làm rõ trước khi thảo luận; 2) các báo cáo cố vận dụng triết học vào giáo dục, hơn là nói triết lý. Thế thì chính tôi cũng từng như vậy. Tôi cũng từng lơ mơ khái niệm triết lý; cũng từng cố kiết vận dụng triết học vào nghiên cứu y học (nhưng thất bại). 

Đành tự tìm hiểu và nêu lên ở bài này những thu hoạch chủ quan và rất mong sự góp ý.

Chúng ta chỉ có một triết học, còn triết lý thì rất nhiều…

Từ điển cho thấy: Triết Học là một khoa học. Nội dung mà nó có được là nhờ nghiên cứu nghiêm túc, với phương pháp đặc thù, xác định. Triết học tìm tòi những quy luật chung nhất, bao quát nhất của tự nhiên và xã hội (quy luật của quy luật). Còn triết lý lại khác. Nếu triết học là lý luận (khách quan), thì triết lý chỉ là lý lẽ (chủ quan) do vậy sự đúng-sai có thể do góc nhìn; ngoài ra có thể nó chẳng liên quan gì tới Triết Học. Một ví dụ, có người bảo: triết lý phổ biến hiện nay là học để thi . Nó đúng hay sai: tùy quan điểm; nhưng quả là nó ít dính dáng tới triết học (sẽ nói thêm ở dưới).

Cần khẳng định: Nước ta chỉ tồn tại một triết học. Đó là triết học Mác-Lênin – chân lý thời đại, vũ khí lý luận vô địch của giai cấp vô sản thế giới. Mọi người đều đã được học, vậy ở đây chỉ xin nhắc lại vắn tắt: Duy nhất, chỉ có Đảng CSVN đủ tầm trí tuệ vận dụng một cách nhuần nhuyễn nhất và sáng tạo nhất triết học này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói khác, quan điểm của Đảng không phải là triết lý, mà là sự vận dụng triết học.

Có sự lẫn lộn triết học và triết lý, thể hiện ở một câu trong Dự thảo
Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 do Bộ Giáo Dục soạn thảo. Đó là
câu: Phát triển sự nghiệp giáo dục cần dựa trên một hệ thống triết lý.
Đó chính là một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng… Trách gì các hội
tháo chẳng lẫn lộn như thế…

Vận dụng triết học vào thực tiễn: Không dễ tí nào sất

Đảng ta đủ tầm cao trí tuệ vận dụng sáng tạo triết học Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đưa nước ta lên CNXH – bước trung gian trước khi lên CNCS.

– Ở tầm vĩ mô, sự vận dụng đưa đến những nguyên lý bất di dịch – mà chúng ta đã được học tập cho đến khi thông suốt. Đó là:
a) Vai trò lãnh đạo của Đảng do lịch sử trao, không thể thoái thác;
b) Tam quyền chỉ phân công, có phối hợp, mà không phân lập;
c) Về kinh tế: kinh tế Nhà Nước phải là chủ đạo; đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân…
… vân vân.

– Ở mức thấp hơn, Đảng đưa ra các phương hướng, quan điểm chỉ đạo hoặc chỉ thị… để cấp dưới vận dụng. Nhưng vận dụng rất không dễ. Dự thảo Chiến Lược GD phải sửa tới 14 lần vẫn không xong, nói lên điều đó.

Bản thân tôi, để có chức danh giáo sư, khỏi cần nói đã tốn biết bao công sức học tập triết học Mác-Lênin (mà học nhiều lần). Nhưng cũng xin thú thật: Tôi đã cố, nhưng vẫn không áp dụng nổi lý luận vào nghiên cứu y học. Do vậy tôi khâm phục ai vận dụng tốt thứ vũ khi bách thắng này; ví dụ, cụ GS Nguyễn Đức Bình.

– Cụ Nguyễn Đức Bình – nhà lý luận kiệt xuất – phát hiện rằng: Phong trào Văn Thân (chống Pháp) tan rã là thời điểm chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp phong kiến. Ngọn cờ, theo quy luật, chuyển qua tay giai cấp tư sản, nhưng cũng kết thúc chóng vánh khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Từ đó, giai cấp vô sản Việt Nam hoàn toàn lãnh đạo cách mạng – cho tới khi nào xây dựng xong CNCS.

Như vậy, từ 1789 tới nay giai cấp tư sản thế giới đã và vẫn cầm quyền. Chưa có dầu hiệu nó giãy chết. Nhưng ở nước ta nó chết mất tăm ngay khi chưa kịp lớn. 

– Vậy mà trước đó tôi cứ hiểu sai: Các cuộc khởi nghĩa yêu nước đều do trí thức khởi xướng. Khi chưa có nền tân học, người khởi xướng phong trào yêu nước đương nhiên phải là các trí thức nho học. Từ năm 1919 nền học cũ chấm dứt, các cụ nho học đã quá cao tuổi, đương nhiên lớp trí thức mới (do nền tân học đào tạo) thay thế các cụ. Việc lập các đảng Văn Thân, Quốc Dân Đảng hay Cộng Sản đều do các trí thức chứ còn ai khác?. Ấy là tôi từng hiểu sai như vậy

Không như triết học, triết lý rất đa dạng, đủ cỡ, đủ mức

– Dường như mọi hành động của con người đều có mục tiêu. Khi theo đuổi lâu dài một mục tiêu, con người rút ra những lý lẽ tự mình cho là cao đẹp nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất và dễ biện minh nhất – nghĩa là hình thành một triết lý. Tên trộm chuyên nghiệp cũng có triết lý riêng trong đó có những lý lẽ (đẹp) biện minh hành vi (xấu) của mình.

– Nếu triết học hình thành do nghiên cứu thì triết lý do trải nghiệm trong cuộc sống nhằm ứng phó tối ưu với một thực tiễn. Tùy góc độ, một thực tiễn có thể sinh nhiều triết lý.

Một ví dụ: Cùng một thực tiễn, mỗi nhóm lại có triết lý riêng. Khi xã
hội lâm vào tình huống (nhân tạo) khiến thanh thiếu niên chỉ có một ngõ
hẹp để tiến thân: thi đại học (quá ít trường dạy nghề), tất nhiên họ và
phụ huynh sớm muộn sẽ nảy ra triết lý “học để thi’ (không học thêm, đố
qua được cửa ải). Thầy cô coi “dạy thêm” là đáp ứng nhu cầu, và là cách
làm ăn lương thiện. Cấp quản lý đối phó bằng hai biện pháp: 1) Cho đề
thi thật khó vì thí sinh quá đông – để phân loại “giỏi – dốt” chính xác;
2) Ban hành quy định “cấm dạy thêm để giải tỏa bức xúc xã hội… 

Hai nhóm đầu rất đông đảo, nhưng tới tấp bị phê phán trên truyền thông, mà tại đó họ không bao giờ có cơ hội được giãi bày gì hết. Vòng luẩn quẩn hinh thành.

– Sự hình thành một triết lý thường có ý thức, nhưng cũng có thể vô thức. Có người diễn đạt dễ dàng triết lý của bản thân, có người không làm nổi, do trình độ hoặc triết lý chưa thật định hình. Dù sao, nghĩa chữ “triết” ở đây cũng tương tự như trong Triết Học – đều hàm ý đẹp, sáng láng, cao minh. Khác nhau là một bên lấy tiêu chuẩn khách quan để đánh giá; còn bên kia, chuyện “sáng láng” là tự đánh giá một cách chủ quan. 

– Nếu lý luận triết học khó thay đổi (trừ khi đã cố áp dụng vẫn không nổi, hoặc khi bị một lý luận khác đánh đổ), thì triết lý có thể thay đổi rất nhanh khi thực tiễn thay đổi. 

– Có triết lý của cá nhân, của nhóm, tầng lớp… thậm chí của cả dân tộc. Một dân tộc trải nhiều hiểm họa, nếu vẫn có cách tồn tại, sẽ rút ra một triết lý phù hợp để tồn tại lâu dài, thoát bị đồng hóa hoặc bị diệt. Lúc này, triết lý trở thành minh triết. Minh triết của Phật, của đức Giêsu, đức Ala… hấp dẫn được hàng tỷ người.

Không như triết học, triết lý hoàn toàn đơn giản dễ hiểu 

Để hiểu triết học, phải có một trình độ. Còn triết lý, do người thường tạo ra trong đời thường nên hiếm khi cao siêu, mù mờ. Một học sinh cấp I và II làm sao hiểu nổi cái triết lý mơ hồ “học làm người” (?). Nếu lại còn hỏi hàng mấy trăm cháu đang xếp hàng trước mặt: “Làm người có khó không?” thì… hài thật. 

Mặt khác, người này, nhóm này, tầng lớp này… không dễ áp đặt triết lý của mình cho đối tượng khác. Trong lịch sử, sự áp đặt triết lý tôn giáo (kể cả việc gọi tôn giáo khác là “tà đạo”) đã gây đau khổ, đổ máu không ít. 

Trong đời thường, triết lý “học để thi” là cách đối phó thụ động, tiêu cực – nhưng hiệu quả – với một tình huống mà nạn nhân (rất đông) không có cách nào xóa bỏ, mặc dù trên danh nghĩa họ là “ông chủ”; còn thiểu số gây rắc rối lại chính là số ít “đầy tớ”, nhưng thực quyền. Dù nói gì, vẫn phải thừa nhận rằng đám “đầy tớ” đều tốt, đầy thiện tâm, thiện chí – đúng nghĩa. Bi hài là ở đó. 

Một số vị hảo tâm trong giới quản lý ngồi bàn nhau đưa ra một triết lý tặng 20 triệu học sinh… rất có thể thành áp đặt. Cái ví dụ “học để thi” (ở trên) cho thấy triết lý của người học và người quản lý có thể xung khắc nhau. Câu hỏi: Ai phải tuân theo triết lý của ai?

Qua hành vi, có thể tìm ra triết lý bị ẩn dấu

– Một vị đầy tớ cứ khơi khơi nói trên truyền thông: “cần phải giáo dục nhân dân”. Triết lý nào đang ngự trong đầu ông này? 

– Tự do đối với trí thức như ánh sáng mặt trời đối với thảo mộc. Khi người ta đưa cụm từ “đội ngũ trí thức” vào văn bản… thì triết lý của người sử dụng cái cụm từ này là gì?

– Nhưng hãy nói vào Giáo Dục. Sửa đoạn kết của chuyện Tấm Cám để che chắn cho các cháu, viết la liệt khẩu hiệu “học lễ” để đưa vào khuôn phép, đưa ra các bài “văn mẫu”, cho cả trường thi “chữ đẹp”, đặt tiêu chuẩn kết nạp 100%… vân vân và vân vân… có lẽ là cái ngọn của một triết lý đã thâm căn từ nền học cũ. Đây là nền học muốn có cái khuôn đẹp, cứng như thép, để đúc mọi sản phẩm của nó theo một cái mẫu chuẩn.

Câu hỏi tiếp theo là, cái triết lý này của ai: của trò, của phụ huynh (?) hay của thầy, hay của người quản lý?…
Điều chắc chắn là một triết lý không thể đồng thời của cả 4 hoặc 5 đối tượng kể trên.

  • Nguyễn Ngọc Lanh