Cần “mặt trận thống nhất” để dập tắt 5 vấn đề toàn cầu

Biên phòng – Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào cuối tuần trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ, toàn nhân loại đang bị đe dọa bởi 5 vấn đề lớn gồm: Đại dịch toàn cầu Covid-19; sự suy giảm của hệ thống tài chính toàn cầu; biến đổi khí hậu; an ninh mạng; hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là 5 vấn đề “báo động” mà thế giới cần ưu tiên “dồn lực” giải quyết trong năm 2022 để quyết định tiến trình của nhân loại và hành tinh trong nhiều thập kỷ tới.


Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho một phụ nữ ở Kenya vào tháng 5-2021. Ảnh: AFP

Vạch ra các ưu tiên cho thế giới trong năm mới, ông Guterres cho biết, Covid-19 có thể sẽ tồi tệ hơn, đòi hỏi thế giới cần có những bước tiến mới, đặc biệt ưu tiên giải quyết ngay lập tức sự bình đẳng vaccine. Hiện nay, 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất mỗi tháng vẫn không thể đến được nhiều nơi trên thế giới, nhất là châu Phi. “Thay vì để virus lây lan như cháy rừng, chúng ta cần làm cho vaccine lan rộng như cháy rừng” – Tổng Thư ký Antonio Guterres nêu ví dụ.

Đối với việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế, ông Guterres cho rằng, đại dịch đã phơi bày nhiều vấn nạn trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhất là sự chênh lệch giàu – nghèo; việc đầu tư sai lệch dẫn tới sự phục hồi không ổn định. Vì vậy, cần phải có một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn, có sự chia sẻ mạnh mẽ và rộng rãi hơn. Đồng thời, phải có các hành động đủ hiệu lực, hiệu quả để chống các dòng tài chính bất hợp pháp.

Đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, thế giới đang đi sai hướng trong việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện có nhiều nỗ lực cần phải làm, song, ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến trình hướng đến việc cấm các nhà máy than mới và không mở rộng khai thác dầu khí. Lượng khí thải toàn cầu phải giảm 45% vào cuối thập kỷ này để đạt được mức độ trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này, điều này đòi hỏi phải có “mặt trận thống nhất” của thế giới vào năm 2022.

Đối với công nghệ và không gian mạng, sự hỗn loạn kỹ thuật số mang lại lợi ích cho những thế lực hủy diệt và từ chối cơ hội cho những người bình thường. Đặc biệt, ông Guterres đề xuất thành lập Hiệp ước Kỹ thuật số toàn cầu, tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự để thống nhất về các nguyên tắc chính làm nền tảng cho hợp tác kỹ thuật số toàn cầu.

Đối với hòa bình và an ninh quốc tế, ông Guterres cho rằng, thế giới hiện đang đối mặt với số lượng các cuộc xung đột bạo lực cao nhất kể từ năm 1945. Các quốc gia phải hành động khi đối mặt với những thách thức như tấn công nhân quyền và pháp quyền; chủ nghĩa dân túy, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy; leo thang các cuộc khủng hoảng nhân đạo, thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Ông Guterres nhấn mạnh cam kết của LHQ đối với hòa bình, cam kết không tiếc công sức trong việc vận động hành động quốc tế.

Theo ông Guterres, điều đáng buồn hiện nay là trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng, chủ nghĩa vị kỷ của nhiều quốc gia vẫn hiện hữu làm cản trở đáng kể những nỗ lực chung để thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng. “Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi nhận thấy sự xói mòn các giá trị cốt lõi về bình đẳng, công lý, hợp tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Những điều này đang phủ “bóng đen” lên toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới 5 vấn đề báo động hiện hữu” – ông Guterres bày tỏ.

Theo giới chuyên gia quốc tế, 5 ưu tiên mà LHQ đưa ra vừa qua đã cho thấy định hướng đúng và trúng trong việc sử dụng nguồn lực quốc tế vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, thế giới ngày càng nhận thức rõ nét hơn về những thách thức toàn cầu đe dọa đến mọi quốc gia, mọi người dân. Mặt khác, các cấu trúc đa phương được hình thành từ sau Thế chiến thứ hai vốn thiết lập một thế giới ổn định thì nay cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí là lỗi thời trong việc giải quyết các thách thức của thời đại mới. Vì vậy, việc củng cố hiệu lực của các cấu trúc đa phương cũng là điều vô cùng quan trọng để hiện thực hóa hiệu quả của tinh thần đoàn kết quốc tế.

Thanh Trúc