Cần làm rõ khái niệm cộng đồng
Nguồn: ITN
Văn bản này không có định nghĩa về xã hội hóa cũng như vai trò của cộng đồng mà đa phần nói về trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức và cá nhân. Đôi khi nhắc tới cộng đồng dân cư nhưng không có giải thích rõ ràng cụ thể dẫn tới tình trạng các đối tượng áp dụng còn lúng túng khi thực thi luật. Cộng đồng dân cư là gì? Là tổ chức hay cá nhân? Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có phải là cộng đồng hay không cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia.
Luật BVMT 2005 đã xác định đối tượng áp dụng của luật là cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không có sự phân biệt mạch lạc giữa cộng đồng và những thành phần không thuộc cộng đồng. Trong khi khái niệm cộng đồng đã được quy định rõ trong quy trình quản lý môi trường ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, thuật ngữ cộng đồng không được sử dụng nhất quán trong văn bản pháp luật này cũng là điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như quy định tại Điều 17, 105, 128 coi đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân” tới các điều khoản khác lại sử dụng thuật ngữ “cộng đồng dân cư”, “nhân dân”, “công dân”. “Những thuật ngữ này ít nhiều thể hiện cái gọi là cộng đồng” – một chuyên gia nhấn mạnh.
Ts Nguyễn Văn Phương, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, mỗi văn bản pháp luật lại có khái niệm khác nhau về cộng đồng, Luật Đất đai quan niệm cộng đồng theo hướng này, Luật Dân sự xác định theo hướng kia. Điều đó có nghĩa là không thể coi khái niệm cộng đồng ở văn bản pháp luật khác là cơ sở để xác định nội hàm về cộng đồng trong Luật BVMT.
Theo các chuyên gia môi trường, cộng đồng là “một nhóm công dân chung sống tại một khu vực địa lý, cùng chia sẻ một hệ thống giá trị, các nhu cầu và lợi ích chung”. Xét trên bình diện quản lý môi trường, đây là nhóm công dân trong xã hội không phải những người gây ô nhiễm cũng không phải nhà quản lý. Nhóm công dân ấy chịu sự ô nhiễm và suy thoái môi trường do doanh nghiệp gây ra và chịu sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Họ có quyền lợi chung về môi trường, có trách nhiệm và sáng kiến trong bảo vệ môi trường.
“Đây cũng là một trong ba cực của mô hình tam giác về quản lý môi trường gồm: chính quyền – người gây ô nhiễm – cộng đồng. Như vậy khái niệm này ít nhiều tương ứng với khái niệm xã hội dân sự. Nói ít nhiều là bởi xã hội dân sự không bao gồm thể chế gia đình trong khi đây lại là một bộ phận quan trọng của cộng đồng” – Ts Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ khi nào khái niệm quan trọng này được xác định cụ thể thì vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường mới thực sự được ghi nhận đầy đủ, tiến tới hình thành mô hình “đồng quản lý” hay “biến quản lý thành tự quản lý” của nền kinh tế thị trường.
Thực tế cho thấy, chính việc xác định chưa rõ nội hàm “cộng đồng” đã khiến Luật BVMT 2005 vẫn chủ yếu sử dụng mô hình quản lý “một chiều từ trên xuống” vốn phù hợp với nền hành chính bao cấp. Trong khi trên thế giới, mô hình quản lý theo nền kinh tế thị trường đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước và vị trí của cộng đồng cũng được đặc biệt coi trọng.