Cần giải pháp căn cơ, lâu dài với các vấn đề trong đời sống xã hội

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài với các vấn đề trong đời sống xã hội - Ảnh 1.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp học viện Tài chính: Việc đặt câu hỏi của các đại biểu rất phù hợp, phản ánh được những mong muốn, nguyện vọng của người dân… – Ảnh: VGP/Kim Liên

Đánh giá về nội dung chất vấn được đưa ra tại phiên họp lần này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp học viện Tài chính và chuyên gia kinh tế Doãn Hữu Tuệ cho rằng, nội dung trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến bảo đảm ổn định vĩ mô, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội và quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là những nhóm vấn đề rất đúng, trúng và “nóng” trong thời điểm hiện nay. Đây đều là các vấn đề được cả xã hội quan tâm, tác động đến đời sống cũng như thị trường, sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như vấn đề lạm phát…

Theo các chuyên gia, việc chất vấn với những nội dung này cũng là để cử tri biết được phương thức, kế sách giải quyết của Chính phủ, các bộ, ban, ngành cũng như thông tin đến quần chúng nhân dân việc cơ quan quản lý nhà nước đang làm gì, xử lý như thế nào với các vấn đề tác động đến đời sống, sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua cũng như thời gian tới đây.

Nhìn chung các câu hỏi đặt ra cho hai Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường là những vấn đề quan trọng của hai Bộ thời gian qua. Các đại biểu Quốc hội đã lựa chọn được những vấn đề khá điển hình như: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân…

“Tôi cho rằng việc đặt câu hỏi của các đại biểu rất phù hợp, phản ánh được những mong muốn, nguyện vọng của người dân trong thời gian qua với những vấn đề tạo nên sự bức xúc, bất cập trong xã hội cũng như tâm lý của người dân và cần phải có hướng giải quyết”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài với các vấn đề trong đời sống xã hội - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Doãn Hữu Tuệ: Tôi tin khi có giải thích rõ ràng như Bộ trưởng đã phân tích thì người dân và cử tri đồng lòng theo các quyết sách mà Nhà nước đưa ra – Ảnh: VGP/Giang Oanh

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài cho mặt hàng xăng dầu

Nhận xét về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt, chuyên gia kinh tế Doãn Hữu Tuệ cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời hết sức thẳng thắn và cầu thị. Vị chuyên gia kinh tế hoan nghênh Bộ Công Thương đã có kiến nghị với Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu

Theo chuyên gia kinh tế Doãn Hữu Tuệ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giá xăng dầu tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Đặc biệt trong những ngày gần đây, giá xăng trong nước liên tục biến động là trường hợp bất khả kháng. nguyên nhân do chiến sự giữa Nga và Ukraine. Những biến động này cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng.

Ông Doãn Hữu Tuệ cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tuy nhiên, công tác dự trữ (không chỉ riêng xăng dầu mà còn ở các ngành hàng thiết yếu khác) của nước ta còn yếu. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược mà mức dự trữ của chúng ta được khoảng 3-4 ngày là ít, chưa bảo đảm.

“Xăng dầu phải dự trữ ở mức tối thiểu là 30 ngày hoặc hơn 1 tháng, 2 tháng tùy từng điều kiện. Bởi vì khủng khoảng, chiến sự không phải sẽ chấm dứt trong 1-2 ngày, có khi đứt gãy nguồn cung trong hàng tháng”, ông Tuệ đề xuất.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu việc áp các sắc thuế vào mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, cần xem xét việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi xăng dầu nên xem là mặt hàng thiết yếu, bởi ngành hàng và toàn dân đều dùng.

Ông Tuệ phân tích: “Ở một số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào xăng dầu là khi họ khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Còn ở Việt Nam, việc này chưa khả thi do giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Ngoài ra, các bộ cũng cần xem xét việc tính thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu ở mức 4.000 đồng trên 1 lít xăng đã phù hợp chưa, số tiền thu từ xăng dầu cho bảo vệ môi trường được sử dụng như thế nào.

“Người dân và cử tri đòi hỏi giải thích minh bạch. Tôi tin khi có giải thích rõ ràng như Bộ trưởng đã phân tích thì người dân và cử tri đồng lòng theo các quyết sách mà Nhà nước đưa ra”, ông Tuệ chia sẻ.

Ông Doãn Hữu Tuệ cho rằng, cần đánh giá lại tất cả giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Sau khó khăn này, Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra các giải pháp căn cơ hơn. Ngoài những giải pháp đã từng thực hiện như chống xăng lậu, găm hàng thì cần nghiên cứu các cơ chế bảo đảm nguồn cung dự trữ xăng dầu trong dài hạn, có chính sách điều hành linh hoạt hơn.

Đồng thời cần tính lại các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở như lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức xăng dầu… cho phù hợp thực tế, qua đó giúp thị trường xăng dầu vận hành ổn định, minh bạch và tự điều tiết theo cơ chế thị trường.

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài với các vấn đề trong đời sống xã hội - Ảnh 2.

PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà “quét” thực tiễn ở các địa phương, “phủ” những lĩnh vực liên quan đến từng dạng, loại hình đất đai, quản lý rừng, đất nông nghiệp, các dự án, các quy hoạch… – Ảnh: VGP/Thu Giang

Phải công khai tất cả quy hoạch, lộ trình để nhân dân giám sát

Đánh giá về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhận xét, Bộ trưởng đã nắm chắc chuyên môn và những vấn đề thực tiễn. Câu trả lời “quét” thực tiễn ở các địa phương, “phủ” những lĩnh vực liên quan đến từng dạng, loại hình đất đai, quản lý rừng, đất nông nghiệp, các dự án, các quy hoạch…

Bộ trưởng cũng trả lời từng vấn đề như đấu thầu tại Thủ Thiêm, các dự án dở dang gây lãng phí, nêu ra những bất cập và từ đó kiến nghị được các giải pháp.

“Tôi ấn tượng nhất phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà liên quan đến vấn đề đấu thầu, bỏ cọc, Bộ trưởng đã nói rất rõ. Chúng ta đã có nhiều luật quy định, vụ việc nào dân sự thì phải xử lý dân sự, hình sự thì phải xử lý hình sự. Hay quy định về giá thị trường đã có rồi, nhưng những quy định thực sự chưa thật đồng bộ”, PGS.TS. Bùi Thị An nói.

Đồng ý với các giải pháp mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị Bộ trưởng đưa ra lộ trình cụ thể. 

Ví dụ Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải công khai tất cả quy hoạch, theo bà An, cần công khai cả những kiến nghị của Bộ trưởng lên báo chí để cho người dân biết. 

Nếu Quốc hội đã thông qua những kiến nghị, giải pháp đó thì phải công khai luôn cả lộ trình, kế hoạch thực hiện cho người dân giám sát, bởi vì quy hoạch đất đai liên quan đến mọi quyền lợi của người dân, người dân rất mong ngóng. Thực tế cũng cho thấy hiện nay có rất nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai, đến sự minh bạch trong quy hoạch.

Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải trình sát với câu hỏi chất vấn. Thực tế, ngoài chuyện “thổi” giá đất, xem xét đến năng lực tài chính cũng như cơ chế đấu thầu thì cũng phải nói vấn đề lớn nữa, tồn tại hàng chục năm nay rồi, đó là việc bắt tay “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá, thậm chí có những động thái mang tính chất đe dọa chủ thể tham gia đấu giá…

“Thực sự Bộ trưởng có nhắc đến vấn đề này, nhưng cơ chế để làm sao tránh việc bắt tay “quân xanh, quân đỏ” cũng như làm sao để công khai minh bạch hơn trong đấu giá, kể cả việc nâng giá hay hạ giá, kể cả quyền tham gia đấu giá cũng như điều kiện tham gia đấu giá… thì cần trả lời rõ ràng hơn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhìn chung hai Bộ trưởng đã rõ vấn đề nhưng cần cụ thể hơn. Ngoài việc đưa ra hướng giải quyết chung tại phiên chất vấn thì Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần phải tìm được mấu chốt, đưa ra giải pháp cốt lõi. “Tôi cho rằng hai Bộ trưởng cần trả lời sâu hơn, rõ ràng hơn nữa”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Nhóm PV