Cần có quy định về bảo mật thông tin cá nhân

BTO- Sáng nay (29/10), đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên trong đoàn đã tham gia phiên thảo luận trực tuyến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại điểm cầu Bình Thuận.



Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thảo luận
trực tuyến tại điểm cầu Bình Thuận.

Tham gia một số ý kiến hoàn
thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó
trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị dự thảo Luật phải có điều khoản
quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Góp ý cụ thể tại khoản 2, Điều
6 liên quan đến cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm: Tại điều này có quy định
doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm,
tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua
bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ
thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Theo đại biểu Thông, việc bổ sung
quy định này cần phải phù hợp với Bộ luật Dân sự cũng như Hiến pháp 2013. Do vậy,
đại biểu Thông đề nghị trong dự thảo Luật phải có điều khoản quy định về vấn đề
bảo mật thông tin cá nhân.

Tại điều 14, đại biểu Thông bày
tỏ phân vân về nội dung hợp đồng bảo hiểm. Đại biểu Thông lý giải, một bản hợp
đồng bảo hiểm thông thường có rất nhiều trang, ngoài những nội dung theo yêu cầu
của luật là bắt buộc, thì trong đó có rất nhiều điều khoản ngoài nội dung bắt
buộc của hợp đồng được ghi thêm vào và phần lớn có chứa đựng nhiều cụm từ, thuật
ngữ chuyên ngành, trên lý thuyết đó là sự thỏa thuận của người mua bảo hiểm và
bên cung cấp bảo hiểm. Tuy nhiên, phần lớn hiện nay người dân ít khi chú ý và
hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm mà chỉ nghe các nhân viên tư vấn
giải thích về những ưu đãi, những lợi ích, quyền lợi mang lại khi tham gia bảo
hiểm, có khi không đúng thực tế. Khi xảy ra tranh chấp các công ty bán bảo hiểm
dựa vào nội dung này gây bất lợi cho người dân.

Đại biểu Thông bày tỏ sự vui
mừng vì trong dự thảo Luật, tại Điều 21 về giải thích hợp đồng bảo hiểm tại
khoản 3 có quy định “Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng
dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có
lợi cho bên mua bảo hiểm” có nghĩa là trong các trường hợp này quyền lợi của
người dân sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, để được áp dụng điều khoản trên thì trước
tiên phải xem xét các quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 14 và theo đại biểu
Thông thì sẽ khó khăn cho người mua bảo hiểm khi có tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
xảy ra.

Tại điểm K, khoản 2, Điều 151,
quy định Tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo
hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm. Nếu giao hết cho
Bộ Tài chính thì không phù hợp với yêu cầu xã hội hóa, đồng thời thêm nhiều việc
cho Bộ Tài chính và không phù hợp với chủ trương xã hội hóa. Đại biểu Thông đề
nghị xã hội hóa việc này và nên giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực
hiện. Bộ Tài chính chỉ tập trung tham mưu ban hành các chính sách, và thực hiện
quản lý, công tác kiểm tra giám sát việc kinh doanh bảo hiểm.

Xung quanh ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại khoản 2, điều 107 dự
thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về điều kiện cung cấp
dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Trong khi đó tại khoản 3, điều
7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ
quan, tổ chức, cá nhân không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh”. Do
đó, đại biểu Thông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại theo hướng giao cho
Chính phủ quy định vì đây là điều kiện đầu tư kinh doanh.

THU HÀ