Cải tiến công đoạn sản xuất là gì? Phương pháp và ví dụ thực tế của cải tiến công đoạn sản xuất
Cải tiến liên tục là một triết lý kinh doanh đã có từ lâu đời. Mục tiêu của cải tiến công đoạn sản xuất chính là tiết kiệm các nguồn lực liên quan đến chi phí, thao tác,… Tuy cải tiến công đoạn sản xuất là điều vô cùng cần thiết, nhưng với 1 số công ty chưa hiện đại hóa, việc thực hiện cải tiến còn gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này, VCC xin chia sẻ phương pháp cải tiến công đoạn sản xuất và ví dụ thực tế. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong công cuộc cải tiến doanh nghiệp.
Cải tiến công đoạn sản xuất là gì?
Cải tiến công đoạn sản xuất hay cải tiến trong sản xuất là việc tối ưu mọi thứ liên quan đến sản xuất, để mang lại kết quả tốt hơn với chi phí thấp hơn. Việc này tập trung vào cải tiến các hoạt động sản xuất thường ngày. Liên quan tới công suất máy móc, thiết bị (bao gồm cả việc trang bị thêm máy móc phục vụ sản xuất) hay các thao tác trong sản xuất.
Việc cải tiến máy móc đòi hỏi doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực tài chính đủ mạnh. Nhưng đổi lại, khi thực hiện cải tiến đồng bộ, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy được sự thay đổi đột phá.
Các bước cải tiến công đoạn sản xuất
Cải tiến công đoạn sản xuất với mục đích cải thiện quá trình sản xuất. Để đạt được kết quả sao cho tối ưu hơn, nhanh chóng hơn. Sau khi xác định đề án cải tiến, bạn có thể tiến hành theo các bước sau:
- Thử nghiệm: Bắt đầu áp dụng 1 quy trình mới với những thao tác cụ thể có tính lặp đi, lặp lại trong quá trình sản xuất.
- Đo lường: Đo lường các số liệu, dữ kiện như thời gian từng thao giác, năng suất, kết quả… để kiểm tra tính hiệu quả của đề án.
- So sánh: Kết quả thu được có đáp ứng với kết quả kỳ vọng khi đưa ra đề án hay không? Quá trình thực hiện có khó khăn gì không? Liệu có tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp?
- Cải tiến: Tiếp tục thay đổi, tìm kiếm những con đường hiệu quả hơn để đạt mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí, tăng sản lượng.
- Tiêu chuẩn hóa: Sau khi xác định kết quả của cải tiến phù hợp, được nhân viên ủng hộ và hợp tác, bạn hãy biến chúng thành quy định để mọi người thực hiện.
- Lặp lại: Quay trở lại bước 1 và bắt đầu với 1 cải tiến khác.
Phương pháp để cải tiến trong sản xuất thành công
Mục Lục
Hình thành văn hóa cải tiến trong doanh nghiệp
Văn hóa công ty là 1 yếu tố quan trọng để định hướng hành động nhân viên. Chính các phương pháp áp dụng trong công ty sẽ hình thành nên văn hóa làm việc. Cải tiến liên tục trong sản xuất hay trong tổ chức doanh nghiệp sẽ thúc đẩy ý thức của các nhân viên. Nhân viên luôn có những đóng góp, ý tưởng để cải thiện công việc chẳng phải tốt hơn sao?
Rất nhiều doanh nghiệp lại không triệt để trong việc xây dựng văn hóa cải tiến. Loay hoay đi tìm định hướng phát triển. Họ chăm chăm đi tuyển dụng những người giỏi. Hay đầu tư các trang thiết bị, máy móc cũ để cắt giảm chi phí đầu tư. Nhưng kết quả không được như mong đợi. Cuối cùng chỉ có phương pháp tạo ra văn hóa cải tiến hướng tới sự phát triển không ngừng mới giúp cho doanh nghiệp tăng được lợi thế cạnh tranh.
Cải tiến liên tục loại bỏ lãng phí khỏi doanh nghiệp
Cải tiến từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày để đi tới cải tiến chất lượng tổng thể, hiệu suất làm việc, cắt giảm chi phí… Nhờ có các sự kiện cải tiến nhỏ được thực hiện mỗi ngày trong mọi quy trình; doanh nghiệp sẽ dần dần cải thiện các giai đoạn trong quy trình sản xuất.
Những cải tiến nhỏ như:
- Thiết kế tủ để dụng cụ với bảng tên dễ dàng quan sát
- Thiết kế bàn thao tác
- Quy định khu vực để đồ bằng vạch kẻ sơn
- …
Tạo sự tự nguyện tham gia của mọi nhân viên trong công ty
Cải tiến trong sản xuất là một hành trình, không phải là đích đến. Để đạt được sự thành công trong việc cải tiến sản xuất cần có sự kiên nhẫn và tham gia đồng bộ của toàn thể cán bộ nhân viên.
Tại VCC, chúng tôi đã tạo dựng được văn hóa cải tiến. Toàn thể cán bộ công nhân viên đều có thể đưa đề xuất Kaizen, 5S. Hầu hết những đề án Kaizen đều là do nhân viên trong công ty đề ra. Dù là đề án lớn hay nhỏ đều có những mức khen thưởng khác nhau.
Hoàn thiện các quy trình, thủ tục và chính sách về quản trị sản xuất.
Một bộ quy định, chính sách riêng của doanh nghiệp cũng sẽ tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp. Góp phần tạo nên văn hóa công ty, tạo ấn tượng tốt với nhân viên, khách hàng. Không chỉ vậy, nó còn là chìa khóa khiến doanh nghiệp nổi bật hơn các đối thủ. Với những cải tiến liên tục, doanh nghiệp bạn sẽ tạo ra những giá trị khác biệt, sản phẩm độc đáo, giá thành cạnh tranh.
Hãy loại bỏ những quy trình rườm rà, chưa khoa học, cải thiện thời gian, năng suất với quy trình chuyên nghiệp, không có những lãng phí không đáng có.
Đảm bảo được các hoạt động cải tiến liên tục trong công đoạn sản xuất hiệu quả cũng có nghĩa là doanh nghiệp của bạn đã sở hữu hệ thống quản trị sản xuất vô cùng chất lượng.
Ví dụ thực tế về hiệu quả của cải tiến công đoạn sản xuất trong nhà máy nhựa
Cải tiến công đoạn sản xuất không xuất phát từ những gì lớn lao và tốn kém. Chỉ cần tập trung vào các hoạt động sản xuất thường ngày, bạn sẽ tìm ra vấn đề cần cải tiến. Dưới đây là ý tưởng cải tiến của 1 đơn vị tư vấn cải tiến cho công ty sản xuất nhựa với mục tiêu:
- Tăng năng suất đóng gói can 18L
Các ý tưởng cải tiến tập trung vào việc cải thiện năng suất, chất lượng thành phẩm, công tác lưu kho và vấn đề 5S trong doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra trước cải tiến
Trong dây chuyền đóng gói can nhựa tròn 18L, có 3 công nhân phải làm các công việc sau đây:
- Kiểm tra chất lượng của can, xem có bị rò rỉ không
- Bọc túi nilong xung quanh can
- Buộc 4 can thành 1 kiện nhỏ.
- Xếp các kiện vào pallet chờ vận chuyển lưu kho
Các vấn đề bất hợp lý trong công đoạn sản xuất trên
- Công nhân ngồi dưới sàn để thao tác công việc. Ảnh hưởng tới sức khỏe, ngồi sai tư thế gây đau xương khớp,…
- Các sản phẩm cần đóng gói chất đầy xung quanh khu vực công nhân ngồi. Tốn nhiều diện tích và tồn đọng nếu thao tác không kịp sản xuất.
- Túi nilong để phía sau công nhân, phải xoay tay để lấy từng túi. Sau đó tách miệng túi để bọc vào can. Thao tác này sẽ làm cho công nhân đau khớp vai và ngón tay.
- Sau khi bọc xong nilon vào 4 can, cần phải dùng dây buộc 4 thùng thành kiện. Thao tác này cần lực xiết mạnh để buộc, công nhân dễ đau ngón tay, kết quả thực hiện không đồng đều.
- Nhân công thay nhau bổ sung túi nilon, dây, di chuyển can lại gần gây ra thời gian lãng phí.
Ý tưởng giải pháp cải tiến công đoạn sản xuất
Nhóm tư vấn cải tiến nhà máy đã thực hiện đo thời gian làm việc của từng công đoạn. Quan sát thói quen và thao tác của từng công nhân kể cả việc di chuyển. Sau đó đã đề ra các ý tưởng cải tiến như sau:
– Sử dụng dây chuyền sản xuất tự động kết hợp camera kiểm tra ngoại quan, loại bỏ sản phẩm lỗi.
– Công nhân sử dụng đồng thời hai tay khi thao tác.
– Thay đổi thứ tự thao tác để giảm thứ tự thao tác.
– Thu nhỏ tầm với của công nhân để đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe bằng cách:
- Sắp xếp các vật dụng để gần nhất người thao tác.
- Chuyển hướng thao tác theo đường cong.
- Chiều cao dụng cụ phù hợp với người thao tác.
– Sử dụng các công cụ rẻ tiền để thay thế sức lao động.
- Chế tạo bàn thao tác xoay để dễ dàng buộc can.
- Túi nilon được giũ mạnh để mở ra và để ngay tầm với bên phải của công nhân.
- Sắp xếp thứ tự thao tác phù hợp
- Phân chia sản phẩm chờ đóng gói và đã đóng gói theo khu vực cụ thể để giải phóng mặt bằng.
Kết quả cải tiến công đoạn sản xuất
– Số công nhân thực hiện công việc đóng gói giảm từ 3 người xuống 1 người. Tỷ lệ giảm 67%
– Giảm thời gian để hoàn tất việc đóng gói 4 can – Cycle time (s) từ 103 giây xuống còn 81 giây. Tỷ lệ giảm 21%.
– Tăng năng suất đóng gói trong 1 ca từ 979 can lên 1.180 can. Tỷ lệ tăng là 21%.
– Giải phóng diện tích để hàng bán thành phẩm từ 96m2 còn 32 m2. Tỷ lệ giảm 67%.
Kết quả khảo sát về giải pháp cải tiến sản xuất khắc phục khó khăn do Covid-19
Theo Tapchitaichinh.vn, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cuộc khảo sát về giải pháp hành động nhằm khắc phục khó khăn do dịch Covid 19 lần 2. Kết quả công bố cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động có các giải pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt khó khăn gây ra bởi dịch bệnh.
Theo số liệu công bố, khoảng 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chuyển hướng kinh doanh. 4% số doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng để kích cầu. 4% đa dạng hóa sản phẩm và cải tiến công đoạn sản xuất để tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng mới chỉ 3% số doanh nghiệp cho biết đang áp dụng những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.
Lời khuyên của các chuyên gia trong ngành
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động cải tiến quy trình, nâng cao năng suất chất lượng…
Theo bà Vũ Hồng Dân – Trưởng phòng Cải tiến năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), đại dịch COVID-19 giúp doanh nghiệp thấy được những điểm nghẽn, yếu kém trong nội bộ của mình. Để có 1 kết quả cải tiến tốt, các doanh nghiệp cần phân tích kỹ càng từng công đoạn, lĩnh vực, thị trường…Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, và đừng quên tạo sự đồng thuận tham gia của toàn bộ người lao động.
Trên góc nhìn khác, ông Cao Hoàng Long – Trưởng phòng Quản lý giải pháp và Đổi mới sáng tạo (Viện Năng suất Việt Nam), doanh nghiệp cần thiết lập trung và dài hạn đối với việc nâng cao năng suất tổng thể, đào tạo nâng cao nhân lực cho đội ngũ nhận sự cũng như thiết lập củng cố nền tảng hiện trường sản xuất, tập trung vào những công đoạn đơn giản, làm giảm thao tác của người lao động hoặc giúp người lao động thực hiện các thao tác dễ dàng hơn, đỡ tốn sức. Đồng thời kiểm soát được lượng hàng tồn kho… cũng như thực hiện các công cụ cải tiến năng suất.
Giảm thao tác của người lao động bằng các sản phẩm máy tự động, đầu tư thiết bị tự động hóa phù hợp với quy mô và môi trường sản xuất là điều nên làm!
Kết quả cải tiến quy trình sản xuất của công ty CP May Nam Hà
Từ trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, CTCP May Nam Hà đã thực hiện các mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như:
- ISO 9000
- 5S
- Lean
- KPI
- Lean 6 Sigma
- Kaizen
Công ty đã nhận thấy việc cải tiến sản xuất là hoạt động phải diễn ra liên tục. Năm 2019, với sự hỗ trợ từ Viện Năng suất Việt Nam, công ty tiếp tục xây dựng mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A.
- Cải tiến hiệu quả máy móc
- Cải tiến quy trình sản xuất
- Đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động…
Với những biện pháp cải tiến đó, đã nâng năng suất tổng thể lên 23%. Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư thiết kế phần mềm chuyên dụng để cải tiến năng suất dây chuyền may. Kết quả là: năng suất thực tế tăng từ 70% lên 85% so với ước tính ban đầu. Năng suất lao động cũng từ đó tăng lên 30%.
Giám đốc CTCP May Nam Hà đã trao đổi, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Công ty triển khai đồng bộ lại các công cụ trước đó đã áp dụng. Từ đó tìm ra những bất cập để khắc phục, cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất. Chủ động chuyển đổi nhanh hoạt động sản xuất, bảo toàn lực lượng lao động thông qua hoạt động đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động. Nhờ đó, Công ty đã phục hồi và tăng trưởng năng suất sau khi dịch bệnh kết thúc.
Kết luận
Cải tiến công đoạn sản xuất là việc mà các doanh nghiệp sản xuất cần thường xuyên ứng dụng. Để tối ưu hoá trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm chi phí triệt để nhằm tăng khả năng cạnh tranh với sự hỗ trợ của công nghệ.
Công nghệ thay đổi cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Ứng dụng công nghệ phù hợp với công đoạn sản xuất, đào tạo nhân viên để đáp ứng yêu cầu sản xuất là cách cải tiến nhanh và hiệu quả.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp sản xuất tự động hóa, máy tự động hay bất gì ý tưởng nào liên quan tới chế tạo máy tự động hóa, hãy thử liên hệ với VCC để cùng trao đổi phương án cải tiến phù hợp.
Bạn đã cải tiến công đoạn sản xuất của doanh nghiệp bạn thế nào? Hãy chia sẽ với chúng tôi để nhé!
Tài liệu tham khảo:
Tapchitaichinh.vn https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cai-tien-quy-trinh-nang-cao-nang-suat-chat-luong-giup-doanh-nghiep-vuot-qua-dich-covid19-322761.html
5/5 – (1 bình chọn)
CÔNG TY CỔ PHẦN NĂNG LỰC VIỆT
- Địa chỉ : Lô đất số B2-3-3b KCN Nam Thăng Long – P. Thụy Phương – Q. Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội.
- Tel: (+84)24.37805300 – Fax: (+84)24.37805301
- Hotline/Zalo: 0934 683 166
- Email: [email protected]
-