Cải tạo, phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch
Cây cà phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Mai Sơn, với tổng diện tích trên 6.000 ha, trong đó, có gần 5.500 ha đang cho sản phẩm. Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, bà con nông dân đang triển khai các biện pháp kỹ thuật để giúp vườn cà phê lấy lại sức, chuẩn bị cho một vụ quả mới.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn đi các xã để đi hướng dẫn bà con cắt tỉa, chăm sóc, bón phân cho cây cà phê đảm bảo tiến độ, mùa vụ. Chị Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ khuyến nông trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Chúng tôi tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện cắt tỉa, tạo tán cho cà phê, cắt bỏ những cành già cỗi, cành thừa để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, hồi phục sau thu hoạch; đốn cải tạo những vườn cà phê già cỗi cho năng suất kém. Đồng thời, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại, quy trình bón phân, thời kỳ bón lót, thời kỳ bón thúc hiệu quả, tiết kiệm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nông dân xã Chiềng Mung chăm sóc vườn cà phê sau thu hoạch.
Ông Hà Văn Dũng, bản Phát, xã Chiềng Mung, trồng 7.000m² cà phê. Ông cho biết: Trước đây, việc sản xuất cà phê từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hái chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dẫn đến tình trạng cà phê bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vài năm trở lại đây, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt và ứng dụng KHKT vào sản xuất cà phê, năng suất lên 12 tấn/ha. Vụ năm nay, cà phê được mùa, được giá, gia đình thu hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Dũng, để giúp cây cà phê phục hồi nhanh, tiếp tục sinh trưởng, cho năng suất tốt, cần phải nắm vững quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn đầu mùa khô, cây cà phê cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để bước vào thời kỳ phân hóa mầm hoa, nở hoa và nuôi trái non. Bởi cây cà phê sau thu hoạch bị mất đi phần lớn dinh dưỡng, trở nên suy kiệt. Vì thế, việc bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi tốt, chuẩn bị cho lần ra hoa sau là rất quan trọng.
Thực hiện cắt tỉa tạo tán cho cây cà phê sau thu hoạch để cây hồi phục.
Ông Lèo Văn Giót, bản Sàng, xã Chiềng Ban có 2 ha cà phê. Ngay sau khi thu hoạch xong, các thành viên trong gia đình ông cũng tranh thủ cắt tỉa cành cho cây cà phê. Ông Giót chia sẻ: Việc cắt tỉa cành giúp vườn cây thông thoáng, dễ dàng hơn cho các công đoạn trong vệ sinh vườn cây, khử trùng đất, loại bỏ nấm bệnh cũng như tưới nước và bón phân sau này. Ngoài ra, việc tỉa cành, tạo tán giúp cây được cân đối, phân bố đều ánh sáng và thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh trong giai đoạn cây nuôi trái.
Theo các cán bộ khuyến nông, để khôi phục vườn cà phê, bà con nên sử dụng phân vi sinh hoặc phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai bằng nấm đối kháng Trichoderma. Các loại phân này đều giúp đất tơi xốp, gia tăng các hệ vi sinh vật có lợi trong đất, hạn chế tuyến trùng và những bệnh gây hại có trong đất. Từ đó, cây cà phê sẽ dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn. Khi bón phân, bà con cần chú ý rải đều phân xung quanh gốc cây, không rải sát gốc hay trực tiếp vào gốc. Bà con có thể dùng phân hữu cơ ủ hoai mục phối trộn với phân lân Văn Điển và NPK rồi rải đều quanh gốc. Sau bón phân cần phủ kín đất và tưới nước cho vườn cà phê.
Nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cắt tỉa cành già, cỗi cho vườn cà phê.
Nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, huyện Mai Sơn đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất cà phê an toàn. Hiện, toàn huyện có 3.400 ha cà phê được cấp chứng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và UTZ; 956 hộ trên địa bàn xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Mường Chanh ký cam kết thực hiện xây dựng vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với hơn 545 ha, trong đó diện tích trồng thuần cây cà phê hơn 510 ha. Niên vụ cà phê năm 2021-2022, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cà phê trung bình đạt 16 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt gần 90.700 tấn.
Sử dụng các loại phân bón tăng cường dinh dưỡng cho cà phê sau thu hoạch.
Việc chăm bón cải tạo cây cà phê sau thu hoạch và thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh kịp thời sẽ là yếu tố tiên quyết đảm bảo thu nhập cho người trồng cà phê và giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La.
Nguyễn Yến – Phan Trang