Cải tạo chung cư tại Hải Phòng: Cuộc đổi đời từ ‘chính sách’ đến ‘cuộc sống’

(VTC News) –

Lãnh đạo Hải Phòng xác định, cải tạo chung cư cũ, giải thoát cuộc sống của 7.400 hộ gia đình là “những việc cần làm ngay”.

Cơ chế đột phá để…cải tạo chung cư

Bà Đàm Thị Thu Hương (SN 1963, phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) vẫn không thể quên ký ức gần nửa đời người gắn bó với Khu tập thể Đổng Quốc Bình xuống cấp đến mức…không thể xập xệ hơn. Cho đến hôm nhận nhà mới (tại số 1503, tòa nhà HH4 cao 29 tầng), bà Hương vẫn không tin rằng cuộc đời bà đã thoát khỏi căn nhà tập thể 34m2 cứ hễ mưa là “trên dột, dưới lụt” ấy.

“Tôi chờ từng ngày để được chuyển về đây. Khi có thông tin nhận nhà, tôi vội đi bốc thăm và là một trong những người đầu tiên chuyển về chung cư này ở” – bà Hương phấn khởi.

Cải tạo chung cư tại Hải Phòng:  Cuộc đổi đời từ 'chính sách' đến 'cuộc sống' - 1

Một góc chung cư cũ xập xệ ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Trái với tâm trạng của bà Hương, cách đó 3 năm về trước lãnh đạo TP Hải Phòng đã đau đáu với báo cáo của Sở Xây dựng về thực trạng nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố. Khi đó (năm 2017), Hải Phòng có 205 chung cư, trong đó chỉ có 27 chung cư ở tình trạng “30 năm vẫn chạy tốt”. Còn lại, 178 khu hư hỏng nguy hiểm cấp độ D, một số chung cư hư hỏng cục bộ cấp độ B và C.

Cải tạo chung cư cũ, giải thoát cuộc sống của 7.400 hộ gia đình là “những việc cần làm ngay” được lãnh đạo Hải Phòng xác định. Trong các cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố câu chuyện cải tạo nhà chung cư luôn làm nóng nghị trường.

Theo tính toán khi ấy, nguồn vốn xây dựng lại các chung cư cũ của Hải Phòng sẽ ngốn tới hơn 15.000 tỷ đồng. Nếu dựa vào nguồn vốn ngân sách thì đây là gánh nặng rất lớn. Ngoài ra, thời gian thực hiện sẽ phải kéo dài hàng chục năm. Trong khi đó, điều kiện thực hiện gồm nguồn lực và cơ chế, chính sách lại hầu như chưa có.

Sau rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo TP Hải Phòng đã quyết định lựa chọn hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) để xây dựng lại chung cư cũ. Hải Phòng đã đưa ra giải pháp xã hội hoá cải tạo chung cư. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước trên 3.700 tỷ bao gồm chi phí hỗ trợ, bồi thường, GPMB, tạm cư. Vốn đầu tư theo hình thức BT là trên 11.400 tỷ, bao gồm các chi phí phá dỡ chung cư cũ, xây dựng chung cư mới và hạ tầng trong phạm vi quy hoạch.

“Đổi đất – lấy nhà” không phải hình thức mới. Thế nhưng, tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính lại là câu chuyện khó. Chỉ tính riêng Dự án xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi hơn 112 tỷ; Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn hơn 36 tỷ; Dự án xây dựng chung cư HH3, HH4 và HH1, HH2 Đồng Quốc Bình đều hơn 1.700 tỷ. Những “đại gia nghìn tỷ” (nhà đầu tư có tiềm lực tài chính – PV)  ở đất Cảng xưa nay vốn đã hiếm, và để tìm ra được nhà đầu tư đáng “chọn mặt, gửi vàng” lại càng hiếm hơn.

Và trải qua nhiều bước tuyển chọn, sàng lọc, Hải Phòng mới tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực. Đó là Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng xây dựng chung cư Lam Sơn và nhất là Tập đoàn tài chính Hoàng Huy xây dựng chung cư N1, N2 Lê Lợi và các chung cư HH1, HH2, HH3, HH4 Đồng Quốc Bình,…

Cải tạo chung cư tại Hải Phòng:  Cuộc đổi đời từ 'chính sách' đến 'cuộc sống' - 2

Chung cư HH4 Đổng Quốc Bình Ngô Quyền, Hải Phòng)

Chỉ trong 3 năm kể từ khi khu chung cư đầu tiên được khởi công xây dựng, đến nay Hải Phòng đã triển khai xây dựng 7 chung cư mới theo hình thức BT gồm: Chung cư U19, Lam Sơn (1 chung cư, 5 tầng, 56 căn); chung cư N1, N2 trên nền U1, U2, U3 Lê Lợi (2 chung cư, 6 tầng, 126 căn); chung cư HH3-HH4 Đổng Quốc Bình (2 chung cư, 29 tầng, 1.456 căn); chung cư HH1-HH2 Đổng Quốc Bình (2 chung cư, 29 tầng, 1.016 căn)…

Tổng chi phí xây dựng 7 chung cư là 3.183,9 tỷ đồng; chi phí ngân sách Nhà nước là 350 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật).

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhận định, có thể nói, quyết tâm, quyết liệt tới cùng để có được những tòa chung cư mới trước năm 2020 thôi thúc Hải Phòng tìm ra giải pháp phù hợp và thực hiện thành công, mang lại niềm vui cho hàng nghìn hộ dân. Đây được coi là chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp và rất được lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cải tạo chung cư tại Hải Phòng:  Cuộc đổi đời từ 'chính sách' đến 'cuộc sống' - 3

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu trong buổi lễ khánh thành chung cư HH4 Đổng Quốc Bình (Ngô Quyền, Hải Phòng)

Rõ lộ trình “an cư”

Tại lễ khánh thành chung cư HH4 Đổng Quốc Bình, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh: “Dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản nhưng Hải Phòng vẫn nhất quán quan điểm và quyết tâm cải tạo, xây dựng lại các chung cũ, mang lại niềm vui cho hàng chục nghìn hộ dân”.

Và để thực hiện lộ trình “an cư” cho gần 10 nghìn hộ dân tại các khu chung cư, Hải Phòng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Xây dựng làm Phó trưởng ban.

Điều này càng cho thấy sự quyết tâm của Hải Phòng trong việc nhanh chóng đảm bảo chỗ ở mới cho những người dân đang sinh sống trong những khu chung cư, tập thể cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những hoạt động hiện thực hóa chủ trương của Thành ủy Hải Phòng: “Đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”.

Cải tạo chung cư tại Hải Phòng:  Cuộc đổi đời từ 'chính sách' đến 'cuộc sống' - 4

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng thăm một gia đình mới chuyển đến chung cư HH4 sinh sống

Tại Kỳ họp HĐND TP Hải Phòng mới đây, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng dự kiến tiếp tục phá dỡ 150 tòa chung cư cũ để xây dựng các chung cư mới, sửa chữa 37 tòa chung cư cũ khác. Kế hoạch xây dựng cải tạo chung cư cũ được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn từ 2020-2025, Hải Phòng dự kiến tập trung đầu tư gần 5.500 tỷ đồng cho các khu chung cư tại các phường: Vạn Mỹ, Cầu Tre, Lam Sơn, An Dương để xây 6 chung cư mới dự kiến cao 23 tầng với tổng số hơn 4.000 căn hộ. Chung cư Đồ Sơn cũ cũng được phá dỡ để xây 1 chung cư mới cao 5 tầng với tổng số khoảng 70 căn hộ. Đầu năm 2021, thành phố sẽ tổ chức phá dỡ khu chung cư cũ tại ngõ 47 Lê Lai (quận Ngô Quyền) để xây dựng công viên cây xanh theo quy hoạch.

Giai đoạn từ 2026-2030, Hải Phòng dự kiến đầu tư gần 400 tỷ đồng tiếp tục triển khai xây dựng chung cư Nguyễn Thái Học (quận Hồng Bàng), khu chung cư Lê Duẩn, khu chung cư Văn Đẩu (quận Kiến An). Đồng thời, dự kiến đầu tư khoảng 370 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa cục bộ 37 tòa chung cư cũ còn chưa tới mức phải phá dỡ xây mới.

“Nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân tại các khu chung cư cũ xuống cấp, hàng năm, thành phố yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng tổ chức kiểm tra, lên phương án sửa chữa cục bộ khi có sự cố” – ông Tùng nói.

Ông Chu Tuấn Tú (SN 1943, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Đổng Quốc Bình) chia sẻ: “Hiện tại chỉ có 2 vợ chồng tôi sống ở đây nhưng trong hộ khẩu gia đình có 9 nhân khẩu, mỗi khi con cháu về đều sinh hoạt ở nhà tôi. Tôi ở tầng cao của chung cư, không còn cảnh ồn ào như trước đây, ô nhiễm môi trường cũng được hạn chế. Mùa hè không nóng, điện chiếu sáng ở hành lang rất tiện cho việc đi lại, 5 cầu thang máy vận hành nên chúng tôi không bao giờ gặp cảnh ùn tắc, kể cả giờ cao điểm”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, vấn đề chung cư cũ là thách thức rất lớn đối với các đô thị lớn và TP Hải Phòng. Trên phạm vi toàn quốc, chưa có địa phương nào đưa ra được phương án chuẩn mực để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bởi thực sự rất khó, nhưng Hải Phòng đã làm được, làm tốt và đã có những sản phẩm chất lượng tốt, đúng thời gian, bảo đảm yêu cầu sử dụng tối ưu.

Đây cũng là một trong những thành công lớn, được lòng dân của thành phố trong những năm qua, cần được ghi nhận, phát huy, để nhanh chóng mang lại những điều kiện sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Minh Khang – Nguyễn Huệ