Cải cách thể chế cần bám sát hơi thở của đời sống xã hội
Bộ Tư pháp soán ngôi của Ngân hàng Nhà nước để đứng đầu các bộ, ngành Trung ương về chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh – Ảnh: VGP/Lê Sơn
Cải cách thể chế cần bám sát hơi thở của đời sống xã hội
Sáng 25/5, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Trong bộ chỉ số CCHC hằng năm thì chỉ số về cải cách thể chế luôn được xác định là nhóm chỉ số quan trọng nhất. Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững đã tiếp tục được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, được Chính phủ xác định là một trong ba trọng tâm thực hiện CCHC theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ: Qua việc chấm điểm cải cách thể chế trong bộ chỉ số CCHC và theo dõi, quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thể chế. Minh chứng cho kết quả nêu trên là điểm đánh giá về lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế đã có nhiều cải thiện về giá trị điểm số so với những năm trước đây. Qua thẩm định kết quả tự chấm điểm về cải cách thể chế có nhiều bộ, địa phương đạt kết quả tốt như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội, các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp…
Với những nỗ lực đó, năm 2021 các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành.
“Chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn nhiều so với trước, nhất là các văn bản phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, các điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 6 bậc”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích cực, đã phát hiện, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, không phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, những kết quả công tác cải cách thể chế nêu trên không chỉ kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh COVID-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công tác cải cách thể chế cần phải bám sát với đường lối, chủ trương của Đảng, thực tiễn hơi thở của đời sống xã hội để pháp luật ngày càng hoàn thiện, khả thi, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội. Ở bộ, ngành, địa phương nào mà lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, quan tâm, trực tiếp chỉ đạo các công tác xây dựng, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật thì hiệu quả các công tác này được nâng lên rõ rệt và qua đó thúc đẩy kết quả cải cách hành chính nói chung của bộ, ngành, địa phương đó.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thể chế
Về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện cải cách thể chế trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, cần tập trung 6 nhóm vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục đề xuất và thực hiện quyết liệt các giải pháp để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực. Chủ động nắm bắt, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương, trong đó có các giải pháp về thể chế để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19.
Hai là, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; các nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là 3 Nghị quyết phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật.
Trong đó lưu ý, việc sớm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và thực hiện truyền thông chính sách pháp luật trong quá trình soạn thảo VBQPPL sẽ bảo đảm quy định pháp luật được soạn thảo đồng bộ, khả thi, tạo sự đồng thuận trong xã hội để thi hành pháp luật hiệu quả, cũng như đáp ứng yêu cầu phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, thường xuyên thực hiện rà soát và xử lý hoặc đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Việc chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa của các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế mới đáp ứng được yêu cầu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Bốn là, từng bước đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng Nhà nước tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân, doanh nghiệp chủ động tiếp cận pháp luật; chấp hành, tuân thủ, làm theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong cuộc sống cũng như đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này.
Tập trung truyền thông ngay từ khâu dự thảo chính sách theo yêu cầu tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn trong xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.
Năm là, tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong 3 lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 theo đúng tinh thần Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ là: Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; tình hình thi hành pháp luật trong tự chủ đại học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế. Quan tâm, ưu tiên bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật.