Cải cách chữ viết: Dân tẩy chay, chuyên gia chê, Bộ từ chối

ĐĂNG TRUNG

  –  

Thứ hai, 04/12/2017 10:23 (GMT+7)

Phát biểu trên chương trình “Cà phê sáng” của VTV ngày 28.11, TS Đoàn Hương cho rằng đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền là công trình khoa học, và nếu ý tưởng mới ra đời bị “ném đá” thì xã hội sẽ không phát triển được.

Cải cách chữ viết: Dân tẩy chay, chuyên gia chê, Bộ từ chối
Mô hình cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh: LDO

TS Đoàn Hương cho rằng vấn đề tranh luận xung quanh đề xuất của ông Bùi Hiền là “văn hóa tranh luận ứng xử của con người đối với cái mới. Công trình của thầy Bùi Hiền có ý nghĩa rất là quan trọng đối với ngôn ngữ tiếng Việt, và đặc biệt là có những ý tưởng mới”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền chưa phải là một công trình khoa học, chưa đáp ứng được các tiêu chí cần thiết, thậm chí phản khoa học.

Theo GS Hoàng Tụy, “thông thường ở các nước tiên tiến, người ta xem là công trình khoa học những kết quả nghiên cứu đã được công bố dưới dạng  bài báo (article) trên các tạp chí khoa học quốc tế”, với sự xét duyệt nghiêm ngặt. Còn đề xuất của ông Bùi Hiền chỉ mới công bố ở một hội thảo về ngôn ngữ trong nước.

Cũng theo GS Hoàng Tụy, nội dung công bố khoa học “phải thực sự mới”, “cái mới ấy còn phải là một đóng góp thật sự ý nghĩa (significant)…, “mới” ở đây là mới so với thế giới, và giá trị của nó phải đạt mức tối thiểu đòi hỏi đối với một công trình khoa học về lĩnh vực đó”.

Trong khi đó, công bố của ông Bùi Hiền hoàn toàn không mới, thậm chí quá cũ. Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ đã được đặt ra cách đây hàng trăm năm, và nhiều lần, bởi nhiều người. Những bất cập của chữ viết tiếng Việt cũng đã được nêu ra đầy đủ. Nhiều giải pháp của ông Bùi Hiền, thực chất đã được người khác đưa ra. Ví dụ, đưa các chữ f,z,w,j… vào bảng chữ cái tiếng Việt; thay d bằng đ, thay c/k/q bằng k, d bằng z…

Tiêu chí của một công trình khoa học là tính logic, phù hợp với các chuẩn mực của lĩnh vực chuyên môn. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong các đề xuất của ông Bùi Hiền có rất nhiều điểm mâu thuẫn, phi lý: Viết như nhau nhưng đọc khác nhau, trái với nguyên tắc do chính ông đề ra, trái với quy luật ngôn ngữ (tiếng nói phải “chạy theo” chữ viết), dẫn đến nhầm lẫn, rối loạn nếu áp dụng…

Là một nghiên cứu ứng dụng, công trình khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn (tính cấp thiết, cần thiết), và có ích lợi cho cộng đồng. Theo giới chuyên gia, tiếng Việt không cần thiết phải cải cách về chữ viết, bởi đã ổn định, thống nhất hàng trăm năm. Chữ quốc ngữ cũng là loại chữ giản tiện, dễ học, dễ nhớ. Những bất hợp lý của tiếng Việt không nhiều, và đã được cộng đồng chấp nhận theo đặc trưng tính võ đoán của ngôn ngữ.

Minh chứng rõ nét nhất là cộng đồng không chấp nhận, tẩy chay đề xuất của ông Bùi Hiền; còn cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GD-ĐT), cũng từ chối.