Cải cách chính sách BHXH

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ảnh minh họa

Theo đó, giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%.

Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Chính phủ đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tập trung vào những mục tiêu, định hướng, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách chính sách BHXH, BH thất nghiệp đến toàn bộ đội ngũ CBCCVC, NLĐ thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với MTTQ Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị – xã hội lựa chọn nội dung thiết thực về chính sách BHXH và cải cách chính sách BHXH để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới NLĐ và các tầng lớp nhân dân.

Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảo hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH, thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách chính sách BHXH.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam xây dựng chuyên mục, chuyên trang và dành thời lượng phát sóng định kỳ thích đáng để tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách, pháp luật về BHXH.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong đó, về thí điểm thực hiện gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; ban hành chính sách khi đủ điều kiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm thực hiện chính sách về gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động để thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021; sửa đổi các quy định về tiền lương để thuận lợi trong việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động; sửa đổi quy định về quản lý lao động, quan hệ lao động trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Về sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng bộ với việc nghiên cứu, đánh giá tác động của các đề xuất chính sách mới làm cơ sở báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội.

Ngành BHXH không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Trong đó, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương. Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; tổ chức tập huấn, quán triệt để bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2019.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, trong đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư bảo đảm nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường sự kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi, gian lận tiền bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Bốn là, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Trong đó, BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng đề án cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan…

Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp, tập trung vào tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính để BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Năm là, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. Trong đó, giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH; trước hết đối với các nước tiếp nhận nhiều NLĐ Việt Nam và các nước có nhiều NLĐ đến Việt Nam làm việc; phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng kế hoạch phê chuẩn một số công ước và khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế về BHXH.