Cách trồng khoai môn, khoai sọ đơn giản theo chuẩn nhà vườn
Khoai môn hay còn gọi là khoai sọ là một trong những loại củ phổ biến đối với người Việt. Nhiều vùng quê, nông dân trồng loai khoai này đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hãy cùng Khuyến Nông TPHCM học cách trồng khoai môn chuẩn nhà vườn để đạt năng suất cao nhất có thể nhé! Thông qua bài viết chúng tôi cũng giới thiệu đến bạn những công dụng của loại khoai này đối với sức khỏe.
Học cách trồng khoai môn (khoai sọ) theo đúng chuẩn nhà vườn.
Mục Lục
Đặc điểm khoai môn
Khoai môn còn có tên gọi khác là khoai sọ hay khoai nước, thuộc họ Ráy (Araceae) với tên khoa học là Colocasia esculenta (L.) Schott. Loài khoai này được bắt nguồn từ Ấn Độ, Bangladesh. Sau đó, chúng có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam ta.
Đây là loài cây ưa sống ở khí hậu nhiệt đới. Khoai môn thích hợp với đất cát pha, đất thịt nhẹ, giàu mùn và khả năng thoát nước tốt.
Cây khoai môn là loài cây thân thảo có thân ngầm phát triển thành củ. Củ khoai chứa nhiều tinh bột được dùng làm thức ăn ở nhiều nước châu Á. Phần thân bên trên mặt đất mọc thành nhiều bẹ lá xếp với nhau. Chiều cao thân cây tầm 0,5 – 1m.
Lá khoai rộng, phiến lá hình tam giác với gốc lõm vào trong.
Hoa khoai môn mọc thành chùm và thường tới cuối giai đoạn sinh trưởng cây mới ra hoa. Chúng sinh sản vô tính bằng củ. Mỗi bụi khoai có khá nhiều củ. Thường chúng có một củ cái và nhiều củ con xung quanh. Vỏ củ có thể có màu xám hoặc tím tùy theo giống.
Phiến lá khoai có hình tam giác với phần gốc lõm.
Cách trồng khoai môn (khoai sọ)
Để trồng khoai theo đúng chuẩn nhà vườn nhằm thu được năng suất cao nhất bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn sau:
Thời điểm trồng
Nếu trồng trên đất ruộng, bạn có thể trồng sớm hơn so với trồng đất đồi núi. Thời điểm trồng là tháng 1 cho đến tháng 3 dương lịch.
Khi dự định trồng khoai môn trên vùng đồi núi, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, bạn hãy trồng vào khoảng tháng 2 cho đến tháng 4 dương lịch.
Chuẩn bị đất
Có 2 cách trồng khoai trên ruộng cạn hay ruộng ngập nước. Tùy cách trồng mà chuẩn bị đất phù hợp:
- Thường là trồng trên ruộng cạn. Do cây có bộ rễ ăn nông nên cần đất tơi xốp, giàu mùn và được cày bừa kỹ. Trước khi trồng bạn nên làm sạch cỏ và bón phân phơi ải để loại bỏ mầm bệnh tiềm ẩn. Bạn hãy lên luống cao 20 – 30cm, bề rộng luống tầm 1m và chừa rãnh 30cm.
- Đối với việc trồng trên ruộng nước, bạn hãy làm đất thật nhuyễn trước khi trồng.
Chuẩn bị giống
Vì khoai môn được nhân giống vô tính bằng củ nên bạn cần chuẩn bị củ giống. Những củ được chọn làm giống phải là củ cấp 1, cấp 2, đường kính củ giống khoảng 3 – 4cm với khối lượng mỗi củ từ 20 – 30gram. Đặc biệt là không bị thối, lớp vỏ ngoài có nhiều lông.
Mảnh củ giống phải có mầm to bằng hạt đậu đen và kèm theo vài sợi rễ ngắn tầm 0,5 – 1cm.
Tiến hành trồng khoai môn (khoai sọ)
Bạn thực hiện việc trồng khoai như sau:
- Đò hố trồng sau đó đặt củ giống vào giữa hố theo hướng thẳng đứng.
- Lấp đất kín củ giống một lớp 3 – 5cm.
- Khi trồng bạn lưu ý cây này cách cây kia từ 60 – 70cm.
- Nếu có điều kiện nên dùng màng phủ để trùm luống cây lại. Khi cây đâm chồi bạn dùng dao khoét lỗ để cây có điều kiện sinh trưởng tốt hơn.
Củ khoai giống nên có kích thước đều nhau.
Kỹ thuật chăm sóc
Quá trình cây sinh trưởng và phát triển, bạn lưu ý những yếu tố sau đây:
Tưới nước
Đối với những vùng chủ động được nguồn nước, sau khi trồng khoai môn, bạn nên tưới nước giữ ẩm để cây nảy mầm đồng đều.
Giai đoạn cây cần nước nhất là khi cây được 5 – 6 lá, lúc này mà cây không được cung cấp nước tưới đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thu được.
Bón phân
Cây khoai môn cần nhiều phân hữu cơ và phân đạm. Khi trồng trên đất ngập nước, nhu cầu phân bón của cây cao hơn so với trồng trên cạn. Ngoài ra, cây cũng cần kali, phốt pho… Tùy tình trạng cây mà bổ sung phân bón phù hợp:
- Nếu thiếu kali dễ làm giảm hàm lượng nước trong rễ và lá, khiến lá cây bị vàng mép hoặc dễ chết rễ.
- Nếu thiếu phốt pho, cuống lá cây sẽ mềm, cây kém phát triển, củ sau thu hoạch dễ bị thối.
- Thiếu đạm, lá khoai môn không bóng, màu lá không tươi, sinh trưởng chậm và đương nhiên ảnh hưởng năng suất thu được.
Cùng với việc bón phân, bạn nên xới xáo và vun gốc cho cây.
Trồng khoai theo hàng trên luống.
Phòng trừ sâu bệnh trên cây khoai môn
Để phòng sâu bệnh, bạn cần lựa chọn thật kỹ ở khâu chọn giống. Khi cây sinh trưởng mạnh cần giữ vệ sinh đồng ruộng để tránh tạo điều kiện mầm bệnh phát triển. Tùy theo mỗi loại sâu bệnh mà có cách xử lý khác nhau. Loại khoai này thường bị tấn công bởi những loài sâu bệnh sau đây:
Bệnh khảm lá
Khi phát hiện bệnh này, bạn hãy nhổ bỏ ngay những cây bị bệnh. Sau đó phun thuốc diệt rầy để diệt trừ.
Bệnh sương mai
Bón phân chuồng và phân hóa học một cách cân đối để phòng bệnh. Khi phát hiện bênh, bạn dùng những loại thuốc sau để phun lên cây: Boocđô nồng độ 1%, Dacolin 75WP nồng độ 0,2%, Ridomil MZ nồng độ 0,2%, Benlat-C50WP nồng độ 0,15-0,2& hoặc Memody Arobat (20-30g/bình 8 lít).
Sâu khoang
Loại sâu này xuất hiện khi làm đất không kỹ hoặc vấn đề vệ sinh không được đàm bảo. Do đó, để phòng sâu khoang, bạn nên vệ sinh đồng ruộng, làm kỹ đất trước khi trồng. Quá trình cây sinh trưởng, bạn nên làm cỏ và vun xới gốc thường xuyên.
Đặc biệt, sau khi thu hoạch, bạn nên dọn sạch tàn dư cây cũ và đốt để làm phân bón.
Nếu sâu khoang xuất hiện, bạn nên dùng bả chua ngọt để bẫy bướm và không cần dùng những loại thuốc hóa học.
Nhện đỏ
Để phòng trừ nhện đỏ, bạn hãy luân canh cây trồng, tưới nước đầy đủ cho cây, hạn chế để ruộng khoai môn bị khô hạn. Nếu bị nhện đỏ tấn công, bạn dùng Oncol 25ND, Trebon 10ND nồng độ 0,1 – 0,2% để tiêu diệt.
Rệp bông
Phòng và tiêu diệt rệp bông trên khoai sọ bằng những loại thuốc như: Padan 95EC (0,8 lít/ha), Polytrin 400EC (0,7 lít/ha), Spresis 40EC (1,2 lít/ha), Dipterex các loại thuốc này pha nồng độ 0,2 – 0,3%, Fenbis 25EC, Bassa 50EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,1%, Appland 10WP, Hospan 25ND, Hoppecin 50ND…
Thu hoạch, bảo quản
Tùy vào giống và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc khoai môn mà thời gian thu hoạch khác nhau. Thông thường mỗi lứa khoai mất 10 – 12 tháng.
Thu hoạch củ xong bạn không cần rửa mà chỉ cần giũ để loại bỏ đất trên củ rồi bảo quản nơi thoáng mát.
Thu hoạch khoai sau 10 – 12 tháng.
Tác dụng của khoai môn
Đây là loài cây mà các bộ phận đều hữu dụng. Phiến lá và bẹ lá cây được dùng làm rau. Có thể dùng để xào, nấu canh chua, nấu cháo hay làm dưa chua. Đặc biệt củ khoai môn là bộ phận được dùng nhiều nhất. Bạn có thể dùng chúng để luộc, hấp, nấu canh, nấu chè, làm bánh, xào, nấu cà ri,…
Nhờ vị mát, tính bình, có khả năng giải nhiệt tốt và có hàm lượng dinh dưỡng cao nên củ khoai sọ được dùng để chữa nhiều bệnh sau đây:
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giúp ổn định lượng đường trong máu;
- Tốt cho những người mắc bệnh thận;
- Khoai môn còn giúp chữa u hạch hay viêm khớp.
Tuy nhiên, khi chế biến bạn cần loại bỏ vỏ, đặc biệt là những chỗ mọc mầm đểloại bỏ độc tố. Sau đó cần rửa thật kỹ và nấu chín. Bạn không cần gọt vỏ quá dày vì ngay bên dưới lớp vỏ là lớp protein quý giá. Khi gọt vỏ khoai bạn nên mang bao tay để không tiếp xúc với lớp nhựa dễ gây ngứa hoặc nổi mẩn.
Chè khoai môn được nhiều người yêu thích.
Như vậy, khoai môn hay còn gọi là khoai sọ là một trong những loại củ dễ trồng mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính nhờ những công dụng bên trên mà chúng luôn được người dùng ưa chuộng. Nếu có đất, bạn hãy thử trồng nhé! Hy vọng những kiến thức trên đây giúp ích cho bạn.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
5/5 – (1 bình chọn)