Cách tính điểm môn học theo tín chỉ mới nhất 2022
Rời xa bạn bè thầy cô cấp Trung học phổ thông, các bạn sinh viên bước chân vào môi trường mới – môi trường đại học. Có rất nhiều điều mới, giảng viên, bạn học, môi trường sống,.. và cả cách giảng dạy theo tín chỉ. Việc học theo tín chỉ ở các trường đại học đã trở nên phổ biến và quen thuộc hơn.
Tuy nhiên để hiểu rõ vấn đề này thì không phải ai cũng biết, đặc biệt là cách tính điểm tín chỉ. Vậy cách tính điểm tín chỉ như thế nào chắc hẳn là câu hỏi được quan tâm. Bài viết của Luật Hoàng Phi xin được đưa ra giải đáp thắc mắc và giúp các bậc phụ huynh cũng như các bạn sinh viên nắm được rõ vấn đề.
Tín chỉ là gì?
Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.
Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
Quy chế về tín chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau:
+ Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được 1 tín chỉ SV phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
+ Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường.
+ Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ.
+ Một tiết học được tính bằng 50 phút.
Đặc điểm của tín chỉ?
Trước khi tìm hiểu về cách tính điểm tín chỉ, bài viết xin được đưa ra nội dung xoay quanh vấn đề tín chỉ để bạn đọc có thể hiểu rõ.
– Ở Việt Nam hiện nay, các bạn học sinh Trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn học theo tiết học các môn và mỗi tiết thường kéo dài khoảng 45 phút.
– Một số trường đại học hiện nay vẫn được đào tạo theo niên chế. Tức là sinh viên sẽ được đào tạo theo năm học, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học được quy định đào tạo trong một số năm nhất định.
– Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học hiện nay đều sử dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ “lấy người học làm trung tâm”. Việc học theo tín chỉ đã không còn xa lạ với sinh viên. Để có hành trang tốt nhất bước chân vào môi trường mới, chúng tôi xin đồng hành cùng các bạn đưa ra khái niệm của tín chỉ hiện nay.
– Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tín chỉ được đưa ra. Hiện nay, ở Việt Nam tín chỉ được hiểu và có những đặc điểm như sau:
+ Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập.
+ Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận, bằng 60 giờ thực tập tại cơ sở hoặc bằng 45 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp.
+ Để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị ngoài giờ lên lớp.
+ Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ, một năm có thể có 2-3 kỳ do người học lựa chọn hoặc do nhà trường tổ chức.
+ Chương trình đào tạo của ngành học không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức và số tín chỉ của sinh viên. Một số trường hiện nay khi sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một ngành học thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường trước thời hạn chứ không nhất thiết học 4 năm.
+ Mỗi môn học sẽ có số tín chỉ khác nhau, có 2-3 tín chỉ hoặc thậm chí 4-5 tín chỉ.
+ Việc học tín chỉ thường được đăng kí trước mỗi kì học
+ Lịch học các môn do sinh viên tự lựa chọn và sắp xếp sao cho phù hợp và đảm bảo đủ sĩ số lớp học sẽ được mở lớp.
Cách tính điểm môn học theo tín chỉ mới nhất?
– Cách tính điểm tín chỉ được đông đảo sinh viên quan tâm. Việc xác định cách tính điểm tín chỉ quyết định việc học tập phù hợp để đạt kết quả tốt nhất cho các bạn sinh viên.
– Ở cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông, học lực học sinh được đánh giá dựa trên điểm trung bình môn cuối học kỳ hay cuối năm.
– Bước vào môi trường đại học và học theo tín chỉ, sinh viên được đánh giá dựa trên điểm tích lũy của từng môn theo hệ số 4. Điểm tích lũy là điểm trung bình chung tất cả các môn học trong cả khóa học của mình, dựa vào điểm tích lũy để xác định bằng khi ra trường của người học.
– Điểm theo hình thức tín chỉ được xác định dựa trên thang điểm 10 (bao gồm điểm chuyên cần, điểm bài tập lớn, điểm thi cuối kỳ,..) và sẽ được quy đổi sang thang chữ và thang điểm hệ 4 để xác định bằng khi ra trường của sinh viên.
– Để dễ hình dung hơn, bài viết đưa ra cách tính điểm theo bảng quy chiếu trên để sinh viên có thể căn cứ điểm theo hệ 10 và quy đổi sang hệ 4 dễ dàng hơn.
+ Thông thường, theo thang điểm 10 nếu sinh viên có điểm tích lũy dưới 4,0 sẽ học lại hoặc thi lại học phần đó. Việc này do tùy trường quyết định số lần thi lại của sinh viên hoặc sẽ học lại môn học đó mà không được thi lại.
+ Từ 4.0 – dưới 5.0 được quy sang điểm chữ là D và theo hệ số 4 sẽ được 1.0.
+ Từ 5.0 đến dưới 5.5 quy sang điểm chữ là D+ và hệ số 4 là 1.5.
+ Từ 5.5 đến dưới 6.5 quy sang điểm chữ là C và hệ số 4 là 2.0
+ Từ 6.5 đến dưới 7.0 quy sang điểm chữ là C+ và hệ số 4 là 2.5.
+ Từ 7.0 đến dưới 8.0 quy sang điểm chữ là B và hệ số 4 là 3.0
+ Từ 8.0 đến dưới 8.5 quy sang điểm chữ là B+ và hệ số 4 là 3.5.
+ Từ 8.5 đến dưới 9.0 quy sang điểm chữ là A và hệ số 4 là 3.7.
+ Từ 9.0 trở lên quy sang điểm chữ là A+ và hệ số 4 là 4.0.
(Tùy thuộc vào mỗi trường đại học sẽ có thêm mức điểm C+, B+, A+ nhưng đại đa số các trường đều quy đổi điểm như điểm chúng tôi đưa ra).
– Sau mỗi học kỳ và sau khi tích lũy đủ số tín, căn cứ vào điểm trung bình chung tích lũy, học lực của sinh viên được xếp thành các loại sau:
+ Xuất sắc: Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,60 đến 4,00;
+ Giỏi: Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,20 đến 3,59;
+ Khá: Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,50 đến 3,19;
+ Trung bình: Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 đến 2,49;
+ Yếu: Điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 2,00 nhưng chưa thuộc trường hợp bị buộc thôi học.
Cách tính điểm trung bình tích lũy
Trong đó
+ “A” chính là số điểm trung bình chung các môn của mỗi học kỳ, hoặc A cũng có thể là điểm trung bình tích lũy.
+ “i” chính là số thứ tự của các môn học trong chương trình học.
+ “ai” chính là điểm trung bình của môn học thứ “i”.
+ “ni” là kí hiệu của số tín chỉ của môn học thứ “i” đó.
+ “n” chính là tổng toàn bộ các môn học được học trong học kỳ đó hoặc tổng toàn bộ tất cả các môn học đã được tích lũy.
Cách tính và quy đổi điểm trung bình học kỳ, năm học
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ đại học, để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây:
– A quy đổi thành 4;
– B quy đổi thành 3;
– C quy đổi thành 2;
– D quy đổi thành 1;
– F quy đổi thành 0.
Những điểm chữ không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được tính vào các điểm trung bình học kỳ, năm học hoặc tích lũy. Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính vào các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.