Cách thu hoạch tôm và bảo quản tôm sau thu hoạch – Bác sĩ tôm

Sau 75 – 100 ngày tuổi tôm nuôi đạt trọng lượng trung bình 30 – 50 con/kg, giai đoạn này tôm nuôi khả năng tăng trọng chậm nên tiến hành thu tỉa hoặc thu toàn bộ theo nhu cầu thị trường.

A. Chuẩn bị thu hoạch tôm

Trước khi quyết định thu hoạch cần kiểm tra, nếu trong quá trình nuôi có sử dụng kháng sinh, hóa chất hay không, nếu có cần ngưng sử dụng thuốc đúng thời gian mới được thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo dõi chu kỳ lột xác của tôm, tránh thu tôm khi đang trong chu kỳ lột xác.

  • Dụng cụ sử dụng trong thu hoạch tôm không làm giập nát tôm.
  • Không dùng hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng để bảo quản tôm.
  • Nước, nước đá phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Ghi chép thông tin về thu hoạch theo đơn vị nuôi.
  • Ghi chép thông tin về bảo quản tôm (nếu đơn vị tự vận chuyển).

B. Thu hoạch tôm và bảo quản tôm

Thu hoạch tôm và vận chuyển tôm vào thời điểm trời mát (sáng sớm hoặc chiều mát); tránh làm tôm bị giập nát; bảo quản lạnh và thời gian vận chuyển đến nơi sơ chế, chế biến đảm bảo yêu cầu.

Người thu hoạch phải thực hiện vệ sinh cá nhân đúng quy định trước khi tham gia vào hoạt động thu hoạch tôm, vận chuyển tôm thương phẩm.

Các dụng cụ thu hoạch tôm, phương tiện vận chuyển chuyên dùng phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi sử dụng.